Doanh nghiệp

Kinh doanh dưới giá vốn, Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ ròng hơn 1.200 tỷ đồng

Hoàng Hà 31/10/2024 - 08:08

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu hơn 87.058 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 674 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 89% so với cùng kỳ năm trước.

bsr.jpg

Quý III/2024, Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) đạt doanh thu 31.945 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lên tới 33.415 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến BSR lỗ gộp 1.469 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 3.830 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu tài chính tăng gần 32% so với cùng kỳ lên 554 tỷ đồng và các chi phí cũng được tiết giảm đáng kể song BSR vẫn lỗ sau thuế 1.209 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 3.620 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đầu tiên của BSR trong 4 năm qua (kể từ quý III/2020) và cũng là khoản lỗ lớn nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 đến thời điểm hiện tại.

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, trong quý III/2024, giá dầu thô và các sản phẩm dầu giảm mạnh. Cụ thể, giá dầu thô (dated brent) giảm từ mức trung bình 85,31 USD/thùng trong tháng 7/2024 xuống còn 74,33 USD/thùng trong tháng 9/2024. Khoảng cách giữa giá dầu thô và giá sản phẩm cũng thu hẹp nhiều so với quý II/2024 và cùng kỳ năm trước, dẫn đến BSR lỗ 1.204 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng và lỗ 1.209 tỷ đồng trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, BSR ghi nhận doanh thu hơn 87.058 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 674 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 89% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này BSR đã thực hiện được hơn 91% kế hoạch doanh thu cả năm nhưng mới hoàn thành được gần 59% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của BSR đạt 89.100 tỷ đồng, tăng 2.505 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh 13.159 tỷ đồng lên 30.159 tỷ đồng, trong khi các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 7.000 tỷ đồng, xuống 14.122 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty giảm hơn 5.000 tỷ đồng còn 9.920 tỷ, trong khi hàng tồn kho tăng trên 2.128 tỷ đồng lên 17.659 tỷ.

Về phía nguồn vốn, đến cuối quý III, nợ phải trả của BSR ở mức 33.477 tỷ đồng, tăng 4.152 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ vay chiếm 14.119 tỷ đồng, toàn bộ là nợ vay ngắn hạn.

Vốn chủ ở hữu của công ty đến cuối quý III đã giảm 1.646 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 31.005 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 12.674 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối là 11.912 tỷ đồng.

Trong quý III, BSR đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vào ngày 21/8.

Trước đó, ngày 12/8, HĐQT của BSR đã thông qua nghị quyết về việc triển khai niêm yết cổ phiếu BSR tại HOSE. Theo đó, BSR sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký cổ đông với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, chuẩn bị, nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục liên quan để niêm yết cổ phiếu BSR trên HOSE trong năm 2024.

Chứng khoán MBS dự báo, BSR sẽ chính thức niêm yết trên HoSE vào đầu năm 2025. Việc chuyển từ UPCoM sang HoSE được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch và chuẩn mực quản trị của BSR, đồng thời mở ra cơ hội để cổ phiếu BSR lọt vào các rổ chỉ số lớn, thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Hoàng Hà