Vấn đề - Nhận định

Chuyển đổi xanh để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Quỳnh Lê 03/11/2024 08:05

Các chính sách carbon tại nhiều thị trường xuất khẩu có thể tạo ra các rào cản phi thuế quan đối doanh nghiệp. Do đó, việc đầu tư phát triển bền vững ngay từ hôm nay là chìa khoá để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

64% doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị cho công cuộc chuyển đổi xanh

Ngày 1/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Diễn đàn “Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024” (VEP), nhằm điều chỉnh Chiến lược và Chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi xanh đang trở thành một cuộc đua ở cấp độ toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu hàng hoá chủ chốt của Việt Nam đều đã và đang chuẩn bị cho những quy định cụ thể về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, mức độ của các chính sách bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững đã được luật hoá cụ thể và doanh nghiệp phải tuân thủ.

Tại thị trường trong nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững. Trong đó, quá trình luật hoá cũng diễn ra gắn với các luật mới vừa được ban hành hoặc trong quá trình soạn thảo.

img_5244.jpeg
Diễn đàn “Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024” (VEP)

Tuy nhiên, chia sẻ tại Diễn đàn “Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024” (VEP) do viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng, về mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam, tỷ lệ các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị cho công cuộc này vẫn chiếm đa số (64%). Con số này được công bố theo khảo sát của Ban IV về Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh 2024.

“Chỉ có khoảng 16,2% doanh nghiệp đã xác định lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm trong việc giảm phát thải hoặc khu vực có thể giảm lượng khí nhà kính; 6,9% doanh nghiệp đã xác định và công bố các mục tiêu giảm phát thải ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; 5,5% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm lượng khí phát thải trong một số hoạt động trọng tâm”, bà Thuỷ cho biết.

Nguyên nhân doanh nghiệp chưa sẵn sàng thực hiện chuyển đổi xanh bao gồm vướng mắc trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp; chưa có nhân sự chuyên môn về giảm phát thải chuyển đổi xanh; chưa xây dựng được chiến lược giảm phát thải và quan trọng hơn đó là chưa có nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải…

Chuyển đổi xanh để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó khăn trong xuất khẩu vào các thị trường nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh đang ngày càng được nâng cao, chẳng hạn như tại Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ tại VEP, ông Stuart Livesey, Đồng Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh, Thành viên Hội đồng quản trị EuroCham cho biết, tháng 10/2023, EU đã đưa vào thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), yêu cầu nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng khí thải carbon và cuối cùng phải trả chi phí carbon.

Được biết, đây là một phần thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal - EGD) được EU khởi động từ năm 2019 nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.

"Hiện tại, CBAM hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp, diễn ra cho đến năm 2025 (kể từ năm 2023) và mới chỉ yêu cầu báo cáo. Chế độ chính thức sẽ được áp dụng từ năm 2026 và các nhà nhập khẩu sẽ phải bắt đầu mua giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ khai báo, bao gồm việc so sánh lượng khí thải CO2 nhập khẩu với hạn ngạch khí thải được cấp trong năm và sẽ được phát hành. Nếu có quá ít chứng chỉ được cấp, có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính", ông Stuart Livesey nói.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi xanh chính là "tấm vé" thông hành giúp doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hoá sang châu Âu.

Đại diện EuroCham nhấn mạnh, việc Việt Nam sớm tuân thủ CBAM sẽ rất quan trọng, không chỉ để tránh thuế quan mà còn mở ra lợi thế tiên phong về tiếp cận thị trường và đầu tư xanh.

"Việc sớm liên kết với CBAM có thể định vị các ngành công nghiệp của Việt Nam trở thành tiên phong toàn cầu về sản xuất bền vững và thu hút FDI tập trung vào công nghệ carbon thấp", ông Stuart Livesey lưu ý.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ chia sẻ thêm, các doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi xanh có những lợi thế của người tiên phong. Trong đó, việc chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp tối ưu hoá chi phí thông qua tiết kiệm năng lượng, giảm sự lãng phí nguyên vật liệu đầu vào, tối ưu chuỗi cung ứng…

Bên cạnh đó, cũng theo đại diện Ban IV, việc chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro liên quan tới các biến động về cung cầu, giá cả và xu hướng chuyển dịch chính sách, thuế carbon… Chưa kể, người tiêu dùng ngày càng nâng cao nhận thức và yêu cầu đối với doanh nghiệp về phát triển bền vững.

Bà Thuỷ cho rằng, các doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc giảm chi phí thực hiện chuyển đổi xanh qua các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng ban đầu hoặc các hình thức hỗ trợ, kết nối thị trường, chuyển giao các công nghệ, mô hình,…

"Chính phủ cũng cần sớm ban hành các khung pháp lý mới nền tảng cho chuyển đổi xanh bao gồm: Tín dụng xanh, thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện, tiêu chuẩn phân loại…", bà Thuỷ khuyến nghị.

Đồng thời, cần thúc đẩy năng lực doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc định kỳ thực hiện các chương trình phổ biến chính sách cho doanh nghiệp, địa phương, cũng như triển khai các chương trình khuyến khích, hình thành các giải pháp, sáng kiến gần với mục tiêu phát triển thị trường sản phẩm xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Quỳnh Lê