Các nền kinh tế châu Á có thể nắm lấy lĩnh vực dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng và năng suất
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trở nên thịnh vượng khi trở thành nguồn của hơn một nửa sản lượng của nhà máy trên toàn cầu, nhưng một sự chuyển đổi khác sang các dịch vụ năng suất cao hơn có khả năng hỗ trợ tăng trưởng hơn nữa. Đây là nhận định của nhóm chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong ấn bản tháng 10 về Triển vọng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Việc làm và sản xuất thường chuyển từ khu vực nông nghiệp sang sản xuất rồi đến dịch vụ, như một phần của tiến trình phát triển tự nhiên đi kèm với thu nhập tăng. Ngày nay, nhiều quốc gia châu Á—bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan—là những nước công nghiệp hóa cao. Nếu chiểu theo lịch sử, thì tỷ trọng sản xuất của ngành công nghiệp sẽ giảm khi có nhiều hoạt động hơn chuyển sang lĩnh vực dịch vụ.
Thật vậy, sự phát triển của mảng dịch vụ đã thu hút khoảng một nửa số lao động trong khu vực vào lĩnh vực này, tăng từ mức chỉ 22% vào năm 1990, khi hàng trăm triệu người dịch chuyển từ các trang trại và nhà máy. Sự thay đổi này có khả năng tăng tốc với sự mở rộng hơn nữa của thương mại quốc tế trong các dịch vụ hiện đại như tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như dịch vụ gia công kinh doanh (ví dụ, như đã thực hiện ở Ấn Độ và Philippines). Ngược lại, các dịch vụ truyền thống - ví dụ như dịch vụ du lịch hoặc phân phối - có năng suất thấp hơn và đóng góp ít hơn vào tăng trưởng kinh tế.
Vì thế, các chuyên gia IMF cho rằng, các nhà hoạch định chính sách nên nắm bắt sự chuyển dịch sang các dịch vụ hiện đại này vì chúng đem lại năng suất cao hơn, như đã được chỉ ra trong một lưu ý phân tích đi kèm với báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương tháng 10/2024 của tổ chức này. Chuyển đổi sang nền kinh tế do dịch vụ dẫn dắt nhiều hơn sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế hơn, với điều kiện là phải đưa ra được các chính sách phù hợp.
Năng suất là một biến số quan trọng khi xem xét lĩnh vực nào đó có thể mang lại tăng trưởng tốt nhất trong những năm tới. Năng suất sản xuất ở châu Á đã gần đạt đến mức của các nước dẫn đầu toàn cầu, do đó, việc cải thiện hơn nữa cũng chỉ ở phạm vi có hạn để có thể thúc đẩy năng suất và tăng trưởng. Ngược lại, các dịch vụ ở châu Á không có cùng lợi thế về hiệu quả, do đó, các nền kinh tế trong khu vực có thể đạt được nhiều lợi ích hơn bằng cách bắt kịp các quốc gia có các ngành dịch vụ hiệu quả nhất.
Ngoài ra, trong một số ngành dịch vụ như tài chính và dịch vụ kinh doanh, năng suất cao hơn trong lĩnh vực sản xuất, có nghĩa là đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng. Ví dụ, năng suất lao động của châu Á trong dịch vụ tài chính cao gấp 4 lần so với khu vực sản xuất và cao gấp đôi trong dịch vụ kinh doanh, phân tích mới của IMF cho thấy.
Mặc dù vậy, các quốc gia cần có các điều kiện phù hợp để thu lợi từ dịch vụ. Sản xuất được hưởng lợi từ chi phí thương mại thấp và hội nhập toàn cầu lớn hơn, nhưng các ngành dịch vụ được bảo hộ tương đối ở châu Á, điều này có thể cản trở sự quá trình phát triển. Chẳng hạn như với mức thuế quan ở châu Á đối với nông nghiệp cao hơn, trung bình là 12% so với mức 7,5% trên toàn cầu, các công ty nước ngoài hy vọng thâm nhập vào ngành dịch vụ này phải đối mặt với nhiều hạn chế, bao gồm cấm hoàn toàn, yêu cầu phê duyệt, có hiện diện tại địa phương và mức thuế suất cao hơn.
Các nhà hoạch định chính sách cũng nên nhận ra rằng những người lao động rời khỏi ngành nông nghiệp và sản xuất cần có kỹ năng để tìm được việc làm tốt trong ngành dịch vụ. Với làn sóng công nghệ số mới thay thế một số công việc như hỗ trợ văn phòng, các chính sách nên đảm bảo quyền truy cập internet và công nghệ rộng rãi, đồng thời đưa giáo dục và đào tạo vào để phát triển lực lượng lao động có kỹ năng số, có khả năng tận dụng trí tuệ nhân tạo.
Với tốc độ tăng trưởng dự kiến chậm lại ở nhiều nước châu Á do tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, việc tăng năng suất bằng cách nuôi dưỡng các dịch vụ hiệu quả là chìa khóa thành công trong tương lai của châu Á, các chuyên gia IMF nêu nhận định.