Ngành Ngân hàng TP. Cần Thơ: Ưu tiên đẩy mạnh giải ngân vốn tín dụng phát triển kinh tế địa phương
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn tín dụng qua đó, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu với các ngân hàng ưu tiên đẩy mạnh cho vay vốn tín dụng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Báo cáo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ cho thấy, ước đến ngày 31/10/2024 số dư huy động vốn đạt 126.600 tỷ đồng, tăng 7,51 % so với cuối năm 2023, có được nguồn vốn ngành Ngân hàng trên địa bàn đã ưu tiên giải ngân vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp đạt tổng dư nợ cho vay là 173.700 tỷ đồng, tăng 11,03 % so với cuối năm 2023. Chất lượng tín dụng bảo đảm, nợ xấu được kiểm soát tốt dưới 3%, nợ xấu chiếm tỷ lệ 2,76%/tổng dư nợ tín dụng.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ chia sẻ, 10 tháng đầu năm 2024, dư nợ cho vay đối với ngành lúa, gạo đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 31,81% so cuối năm 2023. Lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho Doanh nghiệp xuất khẩu cũng được ưu đãi ở mức không quá 4%/năm…
Liên quan đến vấn đề tỷ giá, theo ông Hà, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, trong đó có ổn định tỷ giá nhằm thực hiện mục tiêu chung của nền kinh tế.
“Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy tỷ giá của Việt Nam luôn ổn định để giữ môi trường đầu tư, qua đó đảm bảo cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu luôn ổn định và phát triển, nên các doanh nghiệp cứ yên tâm. Chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo đó, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này có nhiều lựa chọn cho nhu cầu vốn tín dụng, nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhu cầu thanh toán.
Liên quan đến tín dụng xuất - nhập khẩu trên địa bàn, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ, tính đến nay, dư nợ cho vay xuất khẩu bằng VND với lãi suất ưu đãi chiếm 10,9% tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn.
Ngoài ra, tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ chiếm 3,5% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Các tổ chức tín dụng cũng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và các dịch vụ khác có liên quan cho doanh nghiệp nhiều tiện ích, thuận lợi trong quá trình phát triển thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, trong 10 tháng năm 2024, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp ở TP. Cần Thơ đã “về đích sớm”. Đến nay, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 8.337 tỷ đồng. Hiện, đã có 166.291 khách hàng là doanh nghiệp hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn thành phố được vay vốn, giải ngân từ gói tín dụng này.
Đơn cử Vietcombank Cần Thơ cho biết, thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, ngân hàng đã miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ, như: phí nhờ thu và chuyển tiền quốc tế, thanh toán tín dụng thư (L/C); triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay ngoại tệ ngắn hạn và cho vay bằng VND với lãi suất cạnh tranh, thấp hơn thị trường từ 10 - 15% và thời gian giải ngân nhanh chóng... Đến nay, ngân hàng đã tài trợ vốn vay cho rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.
Những kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và lĩnh vực xuất khẩu nói riêng trong 10 tháng năm 2024 đã và đang phản ánh hiệu quả của chính sách. “Có thể nói, cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước hiện nay đã và đang tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó chính sách tiền tệ tín dụng tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhóm ngành lĩnh vực phát triển, đặc biệt là những nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của đất nước”, ông Hà nhấn mạnh.
Để gia tăng hiệu quả, khơi thông dòng vốn tín dụng từ chương trình kết nối, ông Trần Quốc Hà cho biết trong 10 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ đã phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Cần Thơ và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức hội nghị đối thoại, ký kết cho vay vốn. Trong đó, đã ký kết cho vay vốn trực tiếp tại hội nghị với tổng số tiền hơn 58.100 tỷ đồng cho 4.495 khách hàng doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh. Thông qua chương trình đối thoại, ngành Ngân hàng đã phổ biến thông tin chính sách, tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng về vốn và dịch vụ ngân hàng, với tổng số trên 6.000 lượt doanh nghiệp tham gia.