Hoạt động ngân hàng

Cà Mau: Lan tỏa vốn tín dụng qua kết nối ngân hàng – doanh nghiệp

ThS. Trần Trọng Triết 07/11/2024 - 09:47

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã lan tỏa vốn tín dụng qua Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp để đẩy mạnh vốn tín dụng những tháng cuối năm 2024.

Được biết, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đánh giá rất cao. Đây là chương trình phối hợp hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thông qua Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, ngành Ngân hàng tỉnh Cà Mau chủ động tiếp cận doanh nghiệp có uy tín, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Ông Giang Viễn Hoà, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau cho biết, đến thời điểm ngày 31/10/2024, công tác huy động vốn ước đạt 43.137 tỷ đồng, tăng 4,2 % so với cuối 2023. Nhờ đẩy mạnh huy động nguồn vốn nên tình hình cho vay cũng tăng trưởng, tổng dư nợ tín dụng đạt 72.207 tỷ đồng, tăng 4,11% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với ngành lúa, gạo đạt 514 tỷ đồng, tăng 1,58% so cuối 2023. Nợ xấu chiếm tỷ lệ 2,32%/tổng dư nợ.

bank-anh.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt, các ngân hàng trên địa bàn đã triển khai tích cực, thông qua Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp để chuyển tải vốn tín dụng đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Điển hình, từ đầu năm đến nay, hệ thống Agribank Cà Mau trên địa bàn đã cho vay với tổng dư nợ đạt 18.212 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đạt 16.136 tỷ đồng, dư nợ khách hàng doanh nghiệp 2.076 tỷ đồng. Tổng số khách hàng đang quan hệ tín dụng với hệ thống Agribank Cà Mau trên 60.000 người.

Đặc biệt, hệ thống Agribank Cà Mau đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho 23 khách hàng doanh nghiệp với số vốn giải ngân 475 tỷ đồng, dư nợ cho vay 341 tỷ đồng, chủ yếu cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất - nhập khẩu là thế mạnh của tỉnh Cà Mau; thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2,5%/năm so với thời điểm đầu năm cho tất cả các khách hàng.

Trong thời gian tới, Agribank Cà Mau “chạy nước rút” các tháng cuối năm 2024, tiếp tục thực hiện vai trò là ngân hàng thương mại nhà nước, triển khai quyết liệt các giải pháp để tăng trưởng tín dụng nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế của tỉnh, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ khách hàng.

Hoạt động cho vay vốn sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ hàng hoá theo chuỗi giá trị cho các đơn vị trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã và đang diễn ra thông suốt. Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 142 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 29 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao với 68 chủ thể. Trong số các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP có 15 chủ thể là công ty, doanh nghiệp (chiếm 22%), 25 hợp tác xã (chiếm 37%), 1 tổ hợp tác (chiếm 1%) và 27 hộ kinh doanh (chiếm 40%).

ThS. Trần Trọng Triết