Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cho thấy những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong mùa lễ hội
Tập đoàn Federal Express (FedEx), một trong những công ty chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới, vừa chia sẻ thông tin chi tiết trong khảo sát mới nhất của công ty về tình hình mua sắm cuối năm nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).
Khảo sát tiến hành vào tháng 10 vừa qua, thu thập ý kiến từ 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cùng với 300 người tiêu dùng tại 12 thị trường thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khảo sát này chỉ ra những kỳ vọng, động lực mua sắm và một số mối quan ngại không chỉ của các doanh nghiệp mà còn từ phía người tiêu dùng trong mùa lễ hội sắp tới, đồng thời nhận diện các xu hướng chính đang định hình hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong khoảng thời gian này.
Kết quả khảo sát cho thấy 70% doanh nghiệp SME kỳ vọng mùa lễ hội này sẽ có sự tăng trưởng doanh thu đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dự đoán gần 80% doanh số tăng trưởng sẽ đến từ các thị trường trong khu vực châu Á, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á. Đây là một tín hiệu tích cực, phù hợp với xu hướng chung của thị trường. Thực tế, thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á đã ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong năm 2024, nhờ vào việc ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng hiệu quả công nghệ số và đẩy mạnh thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, thương mại nội khu châu Á cũng đang phát triển mạnh mẽ và được dự báo sẽ vượt mức 13,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2030.
Khảo sát chỉ ra cơ hội tăng trưởng mấu chốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như sau:
Hơn một nửa (57%) số người tiêu dùng chuộng mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, trong đó 70% bị thu hút bởi các chương trình giảm giá và khuyến mãi hấp dẫn trong mùa lễ hội.
Yếu tố miễn phí vận chuyển tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm mua sắm và thúc đẩy quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Đồng thời, người tiêu dùng kỳ vọng đơn hàng sẽ được giao trong vòng hai đến ba ngày làm việc, với nhiều phương thức giao hàng tiện lợi.
Người tiêu dùng muốn thấy các doanh nghiệp phát triển các hoạt động mua sắm trực tuyến bền vững hơn và sẵn sàng trả thêm tiền cho bao bì thân thiện với môi trường khi mua quà tặng. Điều này củng cố cơ hội cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử, khi các doanh nghiệp tạo dấu ấn riêng bằng cách cung cấp các lựa chọn bền vững.
“Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mùa mua sắm thường kéo dài từ những tháng trước Giáng Sinh đến Tết Nguyên Đán,” bà Kawal Preet, Chủ tịch FedEx khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết. “Khi thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển, nhà bán lẻ trực tuyến - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ—đang chuẩn bị để tối ưu hóa doanh thu của họ trong mùa lễ hội này. Thông qua mạng lưới vận chuyển rộng khắp cùng các giải pháp kỹ thuật số thông minh, linh hoạt, FedEx hỗ trợ các doanh nghiệp mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, đơn giản hóa quy trình vận chuyển trong mùa lễ hội và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mức độ cạnh tranh cao.”
Khai thác triệt để các nền tảng thương mại điện tử giúp doanh nghiệp SMEs thúc đẩy doanh số
Thương mại điện tử tiếp tục chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong các kênh bán lẻ. Khảo sát cho thấy 87% doanh nghiệp SMEs đang tận dụng các nền tảng thương mại điện tử của bên thứ ba để mở rộng phạm vi tiếp cận người tiêu dùng và tăng cơ hội bán hàng. Các sự kiện mua sắm trực tuyến lớn như Ngày lễ Độc thân, Black Friday và Cyber Monday đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong mùa lễ hội. Đáng chú ý, hơn một nửa (57%) số người tiêu dùng ưa chuộng mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, với 70% bị thu hút bởi các chương trình giảm giá và khuyến mãi lớn. Điều này càng làm rõ tầm ảnh hưởng của các sự kiện này đối với các nhà bán lẻ trực tuyến và người tiêu dùng.
Để tối ưu hóa hiệu quả, các nhà bán lẻ trực tuyến đang cải tiến để đưa ra nhiều đề xuất cá nhân hóa cho khách hàng, ví dụ như livestream để bán hàng kết hợp trưng bày sản phẩm cùng với các chiến dịch khuyến mại trên mạng xã hội. Kết quả khảo sát cho thấy, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ vận chuyển đáng tin cậy, giá cả cạnh tranh và hỗ trợ các công cụ kỹ thuật số là những yếu tố cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận chuyển quốc tế trong mùa cao điểm. Có 48% nhà bán lẻ trực tuyến tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp dịch vụ logistics để quản lý khối lượng công việc trong thời gian này.
Vận chuyển là yếu tố quan trọng để đáp ứng sự hài lòng của khách hàng
Bên cạnh các chương trình giảm giá và khuyến mãi mùa lễ hội, vận chuyển tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. 65% số người tham gia khảo sát cho biết miễn phí giao hàng là yếu tố thúc đẩy hoàn tất đơn hàng. Tuy nhiên, giao hàng trễ vẫn là mối lo ngại lớn, với 54% số người tiêu dùng được hỏi xem đây là vấn đề thường xuyên xảy ra trong mùa lễ hội. Một bộ phận lớn người tiêu dùng (60%) kỳ vọng các đơn hàng của họ sẽ được giao trong vòng hai đến ba ngày làm việc, 45% trong số đó ưu tiên các phương thức giao hàng tiện lợi để cải thiện trải nghiệm mua sắm.
Người tiêu dùng quan tâm đồng thời yếu tố bền vững và tốc độ giao hàng
Ngày nay, các doanh nghiệp có thể trở nên nổi bật trong thị trường thương mại điện tử thông qua việc cung cấp các lựa chọn ”xanh”. Mặc dù chưa đến một nửa (47%) số doanh nghiệp SME cho rằng khách hàng của họ đang tìm cách cân bằng giữa yếu tố bền vững và tốc độ giao hàng khi mua sắm trực tuyến, nhưng khoảng 88% người tiêu dùng cho biết họ muốn thấy các doanh nghiệp phát triển thêm các phương thức mua sắm trực tuyến bền vững hơn để cạnh tranh với các đối thủ khác.
Ngoài ra, việc người tiêu dùng thường có thiện cảm hơn với các công ty đề cao tính bền vững cho thấy các hoạt động thân thiện với môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức độ thân thiết của người tiêu dùng với thương hiệu. Hơn ba phần tư (77%) người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm cho bao bì bền vững khi mua quà tặng, cho thấy họ sẵn sàng ủng hộ và thực hiện các lựa chọn thân thiện với môi trường.
Theo kết quả khảo sát, tính bền vững không còn là một lựa chọn “cộng thêm” cho các doanh nghiệp SME muốn mở rộng hoạt động thương mại điện tử mà nó đã trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định của người tiêu dùng.