Tin tức

“Có tiền mới làm” chứ không phải là “không có tiền vẫn làm”

M.Đ 08/11/2024 - 11:23

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Luật Đầu tư công sửa đổi lần này quy định kế hoạch đầu tư công trung hạn được xác định để cân đối tài khóa, không phá vỡ tài khóa trong nhiệm kỳ 5 năm. Nghĩa là “có tiền mới làm” chứ không phải là “không có tiền vẫn làm” để xảy ra nợ nần mà nhiệm kỳ sau phải chịu.

ptt.jpg

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dữ trữ quốc gia (Dự án 1 luật sửa 7 luật) trong phiên họp toàn thể tại hội trường Quốc hội, ngày 7/11, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu.

Theo đó, đối với Luật NSNN, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc sửa Luật NSNN tại Dự án Luật nhằm mục tiêu giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong thời gian ngắn. Còn trong nhiệm kỳ tới, sẽ sửa Luật NSNN theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách để tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.

Trước một số ý kiến băn khoăn liệu sửa Luật NSNN xung đột với Luật Đầu tư công hay không vì đều là chi ngân sách, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bàn rất kỹ. Vấn đề sửa Luật NSNN là phù hợp với Luật Đầu tư công sửa đổi lần này.

Luật Đầu tư công sửa đổi lần này quy định, Kế hoạch đầu tư công trung hạn được xác định để cân đối tài khóa, không phá vỡ tài khóa trong nhiệm kỳ 5 năm. Nghĩa là “có tiền mới làm” chứ không phải là “không có tiền vẫn làm” để xảy ra nợ nần mà nhiệm kỳ sau phải chịu. Còn những khoản thu hay các khoản phát sinh ở trong năm ngân sách thì được bố trí để chi cho nhưng dự án, công trình cần thiết nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn…

Dẫn ví dụ thực tế trường hợp cầu Phong Châu bị sập mới đây, Phó Thủ tướng cho biết, nếu theo luật cũ, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì không xử lý được nhưng bây giờ dùng nguồn dự phòng NSNN hoặc nguồn tiết kiệm chi để đầu tư, để sớm hoàn thành công trình cho nhân dân đi lại.

“Đây là vấn đề thực tiễn, vừa đảm bảo cho điều hành bền vững của chính sách tài khóa nhưng vừa đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực NSNN”, Phó Thủ tướng cho biết.

Về dự toán đã được Quốc hội phân bổ, có ý kiến cho rằng không nên giao Chính phủ điều hành khoản dự toán này. Phó Thủ tướng cho biết, vấn đề này đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập. Theo Phó Thủ tướng, nếu dự toán đã được Quốc hội phê duyệt rồi nhưng khi điều chỉnh phân bổ mà không thay đổi tổng dự toán nhưng vẫn đưa ra Quốc hội quyết định sẽ tốn nhiều công sức, ảnh hưởng quá trình điều hành.

“Nếu trình qua Quốc hội 1 lần nữa thì vô hình trung biến Quốc hội thành cơ quan điều hành. Chúng tôi cho rằng, những vấn đề đó cần cá thể hóa trách nhiệm, Chính phủ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của khoản chi đó. Việc quyết định pháp luật là tư duy tập thể của cơ quan quyền lực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công phân quyền quy định về thẩm quyền điều động, thẩm quyền quản lý, thẩm quyền phê duyệt, những tài sản thuộc tỉnh thì HĐND tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ, giao UBND tỉnh điều hành, quản lý tài sản nào, tài sản nào giao cho UBND huyện điều hành.

“Chúng tôi dự kiến HĐND tỉnh quy định chứ không phải HĐND tỉnh quyết định. Còn tài sản của các bộ, ngành, thì do Bộ trưởng quy định. Bộ Tài chính chỉ quyết định các vấn đề tài sản điều chuyển từ ngành này qua ngành khác, điều từ địa phương này sang địa phương khác, điều từ địa phương lên trung ương, từ trung ương về địa phương; việc quản lý, điều hành là do phân cấp, phân quyền; tài sản thuộc an ninh quốc phòng là do Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền sẽ quyết định”, Phó Thủ tướng cho biết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, vấn đề tài sản liên doanh, liên kết đã được quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Liên quan đến đất đai thì thực hiện theo đúng Luật Đất đai. Các đơn vị sự nghiệp công lập có quyền liên doanh, liên kết để thực hiện các dịch vụ theo các chức năng, nhiệm vụ của mình tuy nhiên “không được làm mất tài sản công”, không được làm mất đất.

Về ý kiến ĐBQH cho rằng cần bổ sung quy định kiểm toán viên đăng ký hành nghề kiểm toán phải tham gia hiệp hội kiểm toán, Phó Thủ tướng cho rằng, Hiệp hội Kiểm toán là hiệp hội tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, chủ yếu đảm bảo quyền lợi của thành viên và hướng dẫn về mặt nghiệp vụ. Kiểm toán viên không nhất thiết phải tham gia hiệp hội kiểm toán, khi họ thấy có lợi sẽ tự nguyện vào, không ai bắt ép họ vào, quy định này chưa hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Về kiểm toán bắt buộc, Phó Thủ tướng cho biết, dự án Luật bổ sung nhóm đối tượng các doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn phải thực hiện kiểm toán bắt buộc. Còn lớn ở mức nào thì giao Chính phủ quy định để đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.

Làm rõ thêm vấn đề chào bán trái phiếu ra công chúng, Phó Thủ tướng chia sẻ, ban đầu khi thiết kế luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đưa quy định trên vào dự thảo. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dự thảo, qua nhiều lần tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, các bộ, ngành, Chính phủ đã họp và tiếp thu là không quy định điều kiện ngân hàng phải bảo lãnh hoặc có tài sản đảm bảo vì nếu đưa quy định này vào dự thảo Luật sẽ thu hẹp, ảnh hưởng thị trường chứng khoán hiện nay.

"Vì vậy, phải đánh giá theo thông lệ quốc tế là xếp hạng tín nhiệm để thực hiện phát hành ra công chúng. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh rủi ro", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định.

M.Đ