Trung Quốc công bố kế hoạch giảm nợ, có thể thêm loạt gói kích thích mới
Cuộc họp Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc (NPC) kéo dài một tuần vừa kết thúc ngày 8/11 với các kế hoạch hướng tới tương lai nhằm điều chỉnh con tàu kinh tế Trung Quốc.
Bắc Kinh đã bắn mũi tên đầu tiên ra khỏi kho vũ khí kích thích của mình, bằng cách công bố thêm hạn ngạch trái phiếu trị giá 6 nghìn tỷ Nhân dân tệ (837 tỷ USD) để giải quyết cái gọi là nợ ẩn của chính quyền địa phương, đồng thời cam kết các biện pháp hỗ trợ tài chính “mạnh mẽ hơn” để củng cố tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Động thái hoán đổi nợ này, bắt đầu “ngay lập tức”, sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm bớt núi nợ đang tồn tại ở các cấp địa phương trên toàn quốc - được coi là "quả bom hẹn giờ" tài chính - xuống còn 12 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2028, và các nhà kinh tế nói rằng điều này có thể giúp đập tan trở ngại lớn cản trở sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực thanh khoản của chính quyền địa phương và giải phóng các nguồn lực để phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lan Foan cho biết sau khi phiên họp kéo dài một tuần của cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc kết thúc.
Bộ trưởng Lan cam kết, mặc dù không có biện pháp kích thích tài khóa mới nào được công bố để trực tiếp thúc đẩy nền kinh tế, nhưng nhiều biện pháp khác đang được triển khai, bao gồm cả “chính sách tài khóa hỗ trợ nhiều hơn” cho năm tới.
“Chính quyền trung ương vẫn còn nhiều dư địa để vay và tăng thâm hụt. Hiện tại, chúng tôi đang tích cực lên kế hoạch cho bước tiếp theo của chính sách tài khóa và đang đẩy mạnh các điều chỉnh ngược chu kỳ”, ông nói.
Theo thông báo đưa ra ngày thứ Sáu (ngày 8/11), việc tăng hạn ngạch trái phiếu đặc biệt địa phương thêm 6 nghìn tỷ Nhân dân tệ sẽ được thực hiện trong ba năm tới - 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ mỗi năm - để đưa khoản nợ ngoại bảng có lãi suất cao vào ngân sách, cho phép trả lãi thấp hơn.
Con số này đã được Ủy ban Thường vụ NPC thông qua.
Trong khi đó, tổng cộng 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ đã được tái phân bổ từ ngân sách chính quyền địa phương để hoán đổi các khoản nợ ẩn trong 5 năm, với 800 tỷ Nhân dân tệ được sử dụng hàng năm cho đến năm 2028.
Ngoài ra, khoản nợ ẩn trị giá 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ để tái thiết khu ổ chuột – đã được công bố trước đó và đáo hạn vào năm 2029 hoặc sau đó – vẫn sẽ được hoàn trả theo hợp đồng ban đầu.
Nhà kinh tế học Huang Yiping, cố vấn của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết: “Kế hoạch hoán đổi nợ quy mô lớn có thể giảm bớt áp lực trả nợ ngay lập tức đối với nhiều chính quyền địa phương, và do đó làm giảm bớt 'hiệu ứng thu hẹp' khi thực hiện các biện pháp kích thích của chính quyền trung ương”.
Tình hình tài chính của chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm qua khi doanh thu tài chính sụt giảm trong bối cảnh khủng hoảng lĩnh vực bất động sản và áp lực trả lãi do khoản nợ ẩn lớn. Và điều này đã đặt ra câu hỏi liệu họ có đủ khả năng thực hiện một cách trung thực các chính sách hỗ trợ mà các nhà lãnh đạo cấp cao đã kêu gọi hay không.
Nhà kinh tế học Huang, đồng thời là hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh, cho biết “tác động thu hẹp” xuất phát từ thực tế là nhiều địa phương gặp khó khăn về tài chính không thể thực hiện hiệu quả các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của chính quyền trung ương và năng lực không cho phép để có thể làm được nhiều hơn (do nguồn tài chính eo hẹp) đang làm giảm tác dụng của nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của chính quyền trung ương.
Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho biết động thái này nhằm giảm bớt căng thẳng từ việc doanh thu bán đất trong thu nhập của địa phương yếu và khả năng trả nợ của chính quyền địa phương, vốn dẫn đến “nút thắt cổ chai trong việc truyền tải chính sách tài chính và niềm tin”.
Theo ông Lan, thông qua các biện pháp trên, nợ ẩn của chính quyền địa phương dự kiến sẽ giảm từ 14,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào cuối năm ngoái xuống còn 2,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2028.
Ông Lan cho biết thêm, chính quyền trung ương cũng sẽ giảm gánh nặng trả lãi cho chính quyền địa phương khoảng 600 tỷ Nhân dân tệ trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, khoản tiết kiệm 600 tỷ Nhân dân tệ chỉ là “khiêm tốn”, ông Larry Hu, kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group cho biết, vì nó chỉ chiếm chưa đến 0,1% GDP mỗi năm.
Ông Hu nói: “Khoản tiền 600 tỷ Nhân dân tệ có thể làm giảm rủi ro nợ của chính quyền địa phương, nhưng không trực tiếp tạo ra nhu cầu như kiểu trợ cấp của chính phủ cho tiêu dùng”.
Ông Hu cho biết, mục tiêu chính sách của Trung Quốc là đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP – đã được đặt ra ở mức “khoảng 5%” trong năm nay – và giảm thiểu rủi ro, chứ không phải để tái cơ cấu nền kinh tế theo bất kỳ cách nào.
Nền kinh tế của Trung Quốc gần đây đã có dấu hiệu phục hồi, với chỉ số quản lý mua hàng chính thức – theo một cuộc khảo sát về tâm lý của các chủ nhà máy - quay trở lại phạm vi mở rộng trong tháng 10 sau 5 tháng ở dưới mốc 50 điểm.
Ông Hu cho biết không mong đợi các nhà hoạch định chính sách sẽ tăng cường kích thích trong năm nay, vì họ cần biết thêm về chính sách thương mại mới của Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ.
Ông Trump đã đe dọa áp mức thuế 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nếu điều này được thực hiện, nó có thể làm ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải tăng cường kích thích lên cấp độ tiếp theo.
“Nhưng lịch sử cho thấy Bắc Kinh có xu hướng phản ứng với tình hình thực tế chứ không phòng vệ trước”, ông Hu nói.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo rằng Trung Quốc có “công cụ và nguồn lực dồi dào” trong kho vũ khí của mình để duy trì sức khỏe tài chính.
Tính đến cuối năm 2023, tổng nợ chính phủ của Trung Quốc là 85 nghìn tỷ Nhân dân tệ (11,86 nghìn tỷ USD), với tỷ lệ nợ ở mức 67,5% – thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia Nhóm 7 (G7) là 123,4%.
Và các khoản nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng hình thành nên “tài sản hiệu quả” khổng lồ – bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng – đang tạo ra lợi nhuận bền vững, là nguồn trả nợ quan trọng và hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển kinh tế chất lượng cao, Bộ trưởng Tài chính Lan nói thêm.
“Nhìn chung, Chính phủ Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để tăng nợ”, ông Lan nói.
Nhưng không có chỗ cho những khoản nợ ẩn. Ông nói thêm rằng sẽ “không khoan nhượng” đối với các khoản nợ ẩn mới.
Hầu hết các khoản nợ ẩn đều gắn liền với các phương tiện tài trợ vốn của chính quyền địa phương, tức là các công ty thay mặt chính quyền địa phương vay để tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ông Lan cho biết, trong năm tới, Trung Quốc sẽ “tích cực tận dụng” dư địa để tăng thâm hụt ngân sách, đồng thời mở rộng hạn ngạch trái phiếu đặc biệt và tiếp tục phát hành trái phiếu kho bạc có kỳ hạn siêu dài.
Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết đây là thông điệp quan trọng nhất từ cuộc họp báo.
Ông Zhang cho biết, sẽ là không thực tế nếu mong đợi chính phủ công bố chi tiết về gói kích thích tài chính cho năm tới.
Ông nói: “Có một quy trình về cách chuẩn bị ngân sách tài chính, sau khi chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng trong hội nghị công tác kinh tế trung ương vào tháng 12”.
Ông Zhang nói thêm: “Tuy nhiên, thông tin mang tính định hướng này chỉ ra rằng chính phủ có thể đã đưa ra quyết định tăng thâm hụt tài chính vào năm tới. Tôi nghĩ, những thông điệp từ cuộc họp báo là tích cực cho triển vọng vĩ mô của Trung Quốc.”
Trung Quốc thường đưa ra các kế hoạch kinh tế tại hội nghị công tác cuối năm và sau đó công bố các mục tiêu vĩ mô - chẳng hạn như mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm - trong các cuộc họp hàng năm của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào tháng 3. Khi đó, mọi biện pháp kích thích bổ sung cũng sẽ được thông qua.
Tỷ lệ thâm hụt tài chính trên GDP mục tiêu của Trung Quốc được đặt ở mức 3% vào năm 2024.
Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết Bắc Kinh cũng sẽ công bố một số chính sách thuế nhằm hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Đồng thời cũng đang tiến tới thủ tục bổ sung vốn tại các ngân hàng thương mại lớn thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt, và chính phủ đang xây dựng chính sách mua lại đất nhàn rỗi và mua nhà ở chưa bán thông qua trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt và sẽ đẩy nhanh việc thực hiện. Hai biện pháp này đã được Bộ Tài chính công bố vào giữa tháng 10.
Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, cho biết mặc dù việc hoán đổi nợ không thể hiện bất kỳ khoản vay gia tăng nào và do đó không nên được coi là biện pháp kích thích, nhưng Bắc Kinh có thể cần phải nỗ lực nhiều hơn để thực hiện một biện pháp kích thích tài chính rất cần thiết.
Ông nói: “Có vẻ như Bắc Kinh cần thêm thời gian để đưa ra những con số chính xác hơn cho gói kích thích tài chính trong những tháng tới”.