UOB: Bất chấp "mùa đông tài trợ", đầu tư vào Fintech tại ASEAN tăng gấp 10 lần kể từ năm 2015
Theo báo cáo Fintech ASEAN 2024 do UOB, PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore công bố mới đây, lĩnh vực Fintech của ASEAN đã có sự tăng trưởng đáng kể, với số tiền đầu tư tăng gấp 10 lần kể từ năm 2015.
Sự tăng trưởng này, chủ yếu ở hoạt động thanh toán và cho vay thay thế, sẽ còn tiến xa hơn nữa với sự tích hợp của trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử.
Bất chấp những thách thức kinh tế toàn cầu và "mùa đông tài trợ" gần đây, các khoản đầu tư vào Fintech của ASEAN đã cho thấy khả năng phục hồi, với nguồn tài trợ tại 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực đạt 1,41 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024.
Con số này chiếm 4% tổng nguồn vốn Fintech toàn cầu và đánh dấu mức tăng 1% theo năm (YoY).
Mặc dù tổng nguồn vốn giảm nhẹ, chưa đến 1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng điều này phản ánh sự phục hồi sau mức giảm 71% vào năm 2023 so với năm 2022.
Trong thập kỷ qua, các khoản đầu tư vào Fintech tại ASEAN đã vượt quá 20 tỷ USD thông qua gần 1.500 giao dịch, trong đó lĩnh vực thanh toán và cho vay thay thế vẫn chiếm ưu thế. Các lĩnh vực này đã lần lượt thu hút được tổng cộng 6,5 tỷ USD và 4,1 tỷ USD.
Bà Wong Wanyi, Trưởng nhóm Fintech của PwC Singapore, đã lưu ý đến khả năng phục hồi của ngành, thu hút sự tin tưởng của các nhà đầu tư dài hạn và định vị ASEAN là trung tâm đổi mới sáng tạo.
Bà nói thêm rằng, những tiến bộ trong điện toán lượng tử và GenAI sẽ thúc đẩy hơn nữa những ranh giới mới trong dịch vụ tài chính, cung cấp các giải pháp nhanh hơn và an toàn hơn. Theo bà, động lực quan trọng vào năm 2024 là Singapore và Thái Lan, hai trong số các quốc gia dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư Fintech của ASEAN.
Trong đó, Singapore là nước có số lượng giao dịch cao nhất, chiếm hơn một nửa tổng số giao dịch tại ASEAN với 745 triệu USD. Thái Lan đứng thứ 2, vượt qua Indonesia, với 341 triệu USD.
Điều này phần lớn là nhờ vào 2 thương vụ lớn: 195 triệu đô la Mỹ cho công ty thanh toán Ascend Money và 140 triệu USD cho công ty Blockchain tài chính GuildFi.
Singapore và Thái Lan chiếm tới 76% tổng vốn đầu tư của ASEAN vào năm 2024, với 4 thương vụ lớn được thực hiện giữa hai nước.
Sự quan tâm đến các công ty Fintech giai đoạn đầu rất đáng chú ý, với các khoản đầu tư hạt giống và giai đoạn đầu chiếm hơn 60% nguồn vốn của ASEAN vào năm 2024, cho thấy sự lạc quan của nhà đầu tư đối với sự đổi mới công nghệ tài chính đang nổi lên trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm lãi suất gần đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ hỗ trợ tăng trưởng hơn nữa.
Khi lãi suất được cắt giảm trước đó từ năm 2019 đến năm 2021, nguồn vốn Fintech của ASEAN đã đạt đỉnh ở mức 6,36 tỷ USD vào năm 2021, đây là tổng mức hằng năm cao nhất của khu vực trong thập kỷ qua.
Bà Janet Young, Tổng Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Kênh, Số hóa và Truyền thông chiến lược, Thương hiệu, UOB, cho biết: “Fintech đã phát triển thành một phần thiết yếu của hệ sinh thái tài chính trong thập kỷ qua. Lĩnh vực Fintech của ASEAN tiếp tục cho thấy triển vọng, được hỗ trợ bởi môi trường vĩ mô đang cải thiện và sự xuất hiện của các công nghệ tiên tiến. UOB từ lâu đã là đơn vị ủng hộ lĩnh vực này và sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác để mang lại sự đổi mới và giải pháp tốt hơn cho khách hàng và các bên liên quan trên khắp ASEAN.”
Ông Shadab Taiyabi, Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, bày tỏ niềm vui khi ASEAN vẫn là trung tâm sôi động cho đổi mới công nghệ tài chính, lĩnh vực này thể hiện khả năng phục hồi và thích ứng trước sự biến động liên tục. Hệ sinh thái Fintech tại Singapore tiếp tục thu hút nguồn tài trợ mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ mạnh mẽ của cơ quan quản lý và cơ hội hợp tác xuyên biên giới.
Nhìn về phía trước, SFA vẫn cam kết thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Fintech, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho các công ty Fintech tận dụng các công nghệ mới nổi và quan hệ đối tác chiến lược nhằm củng cố hơn nữa hệ sinh thái.