Tin Hiệp hội Ngân hàng

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trao đổi với nhóm chuyên gia CIEM và CSIS về thanh toán xuyên biên giới

Minh Ngọc 12/11/2024 20:45

Chiều ngày 12/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi làm việc với các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) về các vấn đề liên quan đến thanh toán xuyên biên giới ASEAN.

Quang cảnh buổi làm việc

Bà Mai Fujita, đại diện CSIS cho biết, CSIS đang thực hiện nghiên cứu tính khả thi trong việc triển khai thanh toán xuyên biên giới dành cho khách du lịch, người lao động quốc tế tại Việt Nam và mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp từ VNBA về các vấn đề liên quan.

Chia sẻ thông tin tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, việc liên thông hệ thống thanh toán xuyên biên giới giữa các nước ASEAN bằng mã QR là sự mở rộng tất yếu của đổi mới tài chính số, nhằm bắt kịp nhu cầu thanh toán của người dân các nước khi đi du lịch, làm việc và sinh sống tại nước ngoài.

Với lợi thế tăng trưởng Internet nhanh, ASEAN cũng là một trong các thị trường có mức độ kết nối số cao nhất thế giới, các phương thức thanh toán điện tử trên ứng dụng di động đang tăng trưởng mạnh mẽ và tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán qua điện thoại ngày càng cao.

Do đó, việc liên thông kết nối thanh toán xuyên biên giới giữa các nước dự kiến sẽ góp phần hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại và du lịch giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, kích thích tăng trưởng thương mại nội khối ASEAN.

af2i45331.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng tại buổi làm việc

Hiện nay, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan (năm 2019), Campuchia (năm 2023), Lào (năm 2024) nhưng chủ yếu là QR chuyển tiền. Do vậy, Napas và các ngân hàng cũng đang tích cực phát triển mảng QR thanh toán cả trong nội địa và quốc tế.

Trong quá trình triển khai hệ thống thanh toán xuyên biên giới, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Việt Nam gặp nhiều thách thức do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa merchant (người bán hàng) và các ngân hàng, khiến khách du lịch nước ngoài gặp khó khăn khi thanh toán tại Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao VNBA làm đầu mối để triển khai hợp nhất các mã QR chuyển tiền và thanh toán của các tổ chức hội viên, qua đó, mã QR của ngân hàng nào cũng có thể liên kết và thanh toán.

Đến thời điểm này, VNBA đã thành lập Tổ công tác xây dựng Sổ tay hướng dẫn cung cấp, vận hành và sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR. Đồng thời sẽ đẩy mạnh các giải pháp tăng tốc độ kết nối các quốc gia để mở rộng thị trường chấp nhận thanh toán QR xuyên biên giới. VNBA cũng đã kiến nghị NHNN đẩy mạnh truyền thông về sản phẩm để phổ cập sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Nhấn mạnh việc phát triển merchant đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nước sở tại, do đó, trong vai trò là đầu mối, VNBA sẽ kêu gọi các TCHV thống nhất về hạ tầng, hệ sinh thái merchant và mức phí chung. Đây là tiền đề để mở rộng hạ tầng thanh toán xuyên biên giới.

Ngoài ra, để thúc đẩy quy trình thanh toán xuyên biên giới trong khu vực ASEAN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho rằng, các quốc gia trong khu vực nên triển khai đồng bộ, tùy điều kiện từng nước mà phát triển hoạt động giao lưu thông thương, hướng đến tiện ích, hiệu quả chi phí và lợi ích của người dân giữa các nước.

Kết thúc buổi làm việc, đại diện CIEM gửi lời cảm ơn đến những chia sẻ hữu ích từ VNBA, đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ VNBA trong thời gian tới khi thực hiện triển khai dự án thanh toán xuyên biên giới tại khu vực ASEAN.

af2i4555.jpg
Đại diện VNBA và nhóm chuyên gia chụp ảnh lưu niệm

Minh Ngọc