Hoạt động ngân hàng

“Cánh tay nối dài” hỗ trợ các Quỹ tín dụng nhân dân phát triển bền vững

ThS. Trần Trọng Triết 14/11/2024 14:00

Theo ông Đặng Hoàng Ngọ, Giám đốc Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam chi nhánh An Giang, với vai trò là “cánh tay nối dài” của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam chi nhánh An Giang đã tích cực đẩy mạnh các mặt hoạt động liên kết hệ thống, góp phần hỗ trợ các Quỹ tín dụng nhân dân trên cả hai địa bàn phát triển bền vững.

Phóng viên: Là "cánh tay nối dài" của hệ thống QTDND, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam chi nhánh An Giang đã triển khai những hoạt động như thể nào để hệ thống QTDND 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp phát triển bền vững, thưa ông?

Ông Đặng Hoàng Ngọ: Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam chi nhánh An Giang đã nỗ lực, tích cực đẩy mạnh các mặt hoạt động liên kết hệ thống nhằm hỗ trợ từng QTDND trên địa bàn hoạt động bằng những việc làm cụ thể, tiến hành phân tích, đánh giá khả năng lợi thế của từng nhóm đơn vị QTDND để có sự phối hợp khai thác từng thế mạnh của các QTDND về tiềm năng huy động tiền gửi nhàn rỗi trong thành viên và dân cư. Qua đó, góp phần tạo dư địa và khả năng đẩy mạnh đầu ra cung ứng tín dụng phục vụ vốn sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng phục vụ đời sống của thành viên.

Chúng tôi cũng phối hợp đẩy mạnh hoạt động tư vấn huy động vốn tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của QTDND, phần dôi dư được gửi điều hòa về Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam vừa làm nguồn dự trữ thanh khoản an toàn, vừa hiệu quả sinh lời nhất định.

z6030269696945_e192db594140dc9227f356b11cca707e.jpg
Ông Đặng Hoàng Ngọ, Giám đốc Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam chi nhánh An Giang

Phóng viên: Vậy kết quả đạt được ra sao?

Ông Đặng Hoàng Ngọ: Kết quả đạt được rất khả quan, nếu thời điểm ngày 31/3/2024, số dư tiền gửi huy động vốn của các QTDND là 4.361 tỷ đồng, các QTDND gửi điều hòa tại Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam là 934 tỷ đồng; thời điểm ngày 30/9/2024 số dư tiền gửi huy động vốn của các Quỹ là 4.840 tỷ đồng, gửi điều hòa tại Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam là 717 tỷ đồng.

Để tạo niềm tin khách hàng và nâng cao vị thế thương hiệu hệ thống QTDND trong thu hút nguồn vốn thành viên và dân cư, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam An Giang đã xử lý linh hoạt mọi tình huống để hỗ trợ QTDND đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời. Từ đó, đã giúp cho QTDND yên tâm đẩy mạnh công tác huy động vốn…

Phóng viên: Còn về công tác điều hòa vốn và hoạt động tín dụng của Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ QTDND như thế nào?

Ông Đặng Hoàng Ngọ: Về công tác điều hòa vốn và hoạt động tín dụng của đơn vị được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chuỗi liên kết hệ thống. Do vậy, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam luôn chú trọng và quan tâm đúng mức, ưu tiên mọi nguồn vốn để cung ứng cho QTDND sử dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng trong mọi thời điểm, để đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn được kịp thời.

Đáng chú ý, đơn vị đã ứng dụng kỹ thuật công nghệ tin học trong xử lý hồ sơ giao dịch đối với những QTDND nằm trên các địa bàn có cự ly xa bằng cách truyền tải dữ liệu hồ sơ thông qua hệ thống mạng, sau đó giải ngân vốn điều hòa nhanh nhạy đến tài khoản giao dịch QTDND. Qua đó giúp QTDND tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại trong giao dịch một cách đáng kể; đơn vị đã áp dụng mức phí điều hòa vốn một cách linh hoạt, luôn ở trạng thái khuyến khích QTDND sử dụng vốn tích cực để mạng lại hiệu quả tài chính. Tính đến ngày 30/9/2024, dư nợ cho vay điều hòa QTDND tăng lên 140 tỷ đồng.

Đối với hoạt động tín dụng, chúng tôi đã đẩy mạnh phối hợp cho vay hợp vốn cùng QTDND; tăng cường công tác giám sát hoạt động, công tác kiểm tra sử dụng vốn vay… Tích cực phối hợp giải quyết cho vay đối với các thành viên thuộc diện thu hẹp địa bàn để các QTDND nhanh chóng thu hồi nợ, đồng thời các thành viên cũng không bị gián đoạn thời gian sử dụng vốn, góp phần đẩy nhanh tiến độ chấn chỉnh các hoạt động trên địa bàn và xử lý nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Phóng viên: Thưa ông, vai trò của Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam trong công tác đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của hệ thống QTDND như thế nào?

Ông Đặng Hoàng Ngọ: Với vai trò ngân hàng đầu mối của QTDND thời gian qua, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam chi nhánh An Giang đã tích cực kết nối triển khai mạnh mẽ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số đa kênh, đa tiện ích hiện đại tới các QTDND, hỗ trợ QTDND đẩy mạnh chuyển đổi số.

Tính đến ngày 30/9/2024 đã có 24/41 QTDND tham gia kết nối hệ thống thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank, với doanh số chuyển tiền đi là 5.964 món, số tiền là 423 tỷ đồng; chuyển tiền đến là 8.690 món, số tiền 548 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng thực hiện nghiệp vụ ủy thác trả lương qua tài khoản, định danh Alias, dịch vụ định danh CF-eAM, ứng dụng Co-opBank CFeBiz, hệ thống khởi tạo dịch vụ từ xa dành cho QTDND (CFeBCF), đồng thời đẩy mạnh triển khai cài đặt ứng dụng Co-opBank Mobile Banking, thẻ chip Co-opBank Napas đến từng cán bộ nhân viên và thành viên QTDND….

Điều đó đã minh chứng cho sự hòa nhịp cùng xu thế chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của chính phủ và NHNN, kết nối và thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn – thành thị, mang dịch vụ tài chính – tín dụng và ngân hàng đến gần dân hơn với chi phí hợp lý nhất. Đây cũng là điều kiện, là nền tảng để phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ bán lẻ trên kênh ngân hàng số của QTDND, giúp cho từng QTDND tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín hoạt động.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ThS. Trần Trọng Triết