Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền
Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước khẳng định sự lớn mạnh của một tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Cơ sở pháp lý và chính sách bảo vệ người gửi tiền
Từ khung pháp lý ban đầu là Nghị định 89/1999/NĐ-CP, ngày 18/6/2012, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13; tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho hoạt động BHTGVN. Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một trong số ít những lĩnh vực chính sách có một đạo luật riêng. Tiếp theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 và năm 2024 có những quy định mới về bảo hiểm tiền gửi; điều này một lần nữa khẳng định sự quan tâm sát sao của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Về chính sách bảo vệ người gửi tiền, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được thay đổi qua các thời kỳ. Hiên nay, hạn mức 125 triệu đồng bảo vệ toàn bộ được 92,36% số người gửi tiền được BHTGVN. Con số này đã đáp ứng được khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) là hạn mức trả tiền bảo hiểm nên bảo vệ toàn bộ 90% đến 95% người gửi tiền được bảo hiểm.
Nâng cao năng lực tài chính
Trong thời gian qua, BHTGVN luôn thực hiện tốt công tác quản lý thu phí bảo hiểm tiền gửi, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN.
Phí bảo hiểm tiền gửi là một trong những nguồn thu chủ yếu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. BHTGVN luôn chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi theo nguyên tắc thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định. Phí bảo hiểm tiền gửi thu hàng năm tăng nhanh cùng tốc độ tăng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng phí thu lũy kế đạt trên 90 nghìn tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động đầu tư hàng năm cũng liên tục tăng trưởng ổn định năm sau cao hơn năm trước và đóng góp một tỷ lệ đáng kể vào sự gia tăng nguồn vốn của BHTGVN. Mức thu lãi từ hoạt động đầu tư tăng từ 900 tỷ đồng (năm 2011) lên xấp xỉ 2,14 nghìn tỷ đồng (năm 2017) và đạt trên 4 nghìn tỷ đồng (năm 2023).
Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của BHTGVN đạt trên 120 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt trên 115 nghìn tỷ đồng, là nguồn lực quan trọng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ
Giám sát từ xa: Tính đến tháng 9/2024, tổng số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là 1.278 tổ chức, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.177 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. BHTGVN thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; thực hiện giám sát chuyên sâu đối với các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề; định kỳ hoàn thành báo cáo giám sát đối với tổ chức tham gia BHTG và báo cáo giám sát chuyên sâu quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề.
Kiểm tra tại chỗ: Tập trung nguồn lực, kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, chủ động xây dựng và hoàn thành tốt kế hoạch kiểm tra hàng năm về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Từ năm 2019, BHTGVN đã tham gia kiểm tra chuyên sâu đối với các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, kết quả kiểm tra được ghi nhận và đánh giá tốt.
Chi trả tiền bảo hiểm: Trong giai đoạn đầu thành lập, BHTGVN đã tiến hành trả tiền bảo hiểm một cách chính xác, kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, góp phần quan trọng ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương. BHTGVN đã chi trả bảo hiểm cho 1.793 người người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố.
Hiện tại, BHTGVN đang triển khai nghiên cứu và thực hiện mô phỏng trả tiền bảo hiểm tại ngân hàng thương mại có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế.
Tham gia kiểm soát đặc biệt: BHTGVN đã cử 80 cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt tại các QTDND được kiểm soát đặc biệt. BHTGVN theo dõi và cử cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt tại các quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố; thường xuyên cập nhật diễn biến hoạt động cũng như số liệu, xác định số tiền dự kiến chi trả của các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý các tình huống phát sinh. BHTGVN cũng đã cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của NHNN, đồng thời tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi đối với quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Luật Các TCTD năm 2024.
Truyền thông chính sách: Hoạt động truyền thông của BHTGVN được thực hiện đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung đã và đang đóng góp tích cực trong việc nâng cao nhận thức của đông đảo người dân về chính sách bảo hiểm tiền gửi, tạo sự an tâm và tin tưởng của người gửi tiền đối với hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Bước sang một giai đoạn phát triển mới, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phát huy những kết quả đã đạt được trong 25 năm qua, BHTGVN cho biết quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nỗ lực tối đa để hoàn thành tốt hơn vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đóng góp tích cực hơn nữa vào đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng.