Các Hiệp hội ngành, nghề

Thúc đẩy tín dụng nông sản chủ lực khu vực đồng bằng sông Cửu Long

ThS. Trần Trọng Triết 18/11/2024 - 10:53

Sáng ngày 18/11, tại TP. Cần Thơ, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhanh, bền vững”.

Tham dự hội thảo, có: Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển; TS. Trần Du Lịch, ĐBQH Khóa IX, XII, XIII, chuyên gia kinh tế...

Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của: đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương; các chuyên gia kinh tế; đại diện lãnh đạo UBND, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL; cùng gần 200 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nông sản chủ lực, tổ chức tín dụng của ĐBSCL...

toan-canh-hoi-thao..jpg
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân bà Phạm Thị Thanh Huyền nêu rõ, với vị trí đặc biệt là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, ĐBSCL đã khẳng định vai trò của mình, đóng góp giá trị lớn cho nền kinh tế quốc gia và bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước. Tuy nhiên, trong hành trình phát triển, ĐBSCL đang đối diện với vô vàn thách thức: từ sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập, đến những khó khăn trong hạ tầng giao thông, logistics và tiếp cận nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển các sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm: thủy sản, trái cây và lúa gạo, trong đó yêu cầu tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung và sự phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực nói riêng, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững cũng như hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 13-NQ/TW đặt ra, các nguồn vốn đầu tư (gồm: ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, nguồn vốn của khu vực tư nhân, của các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển) đóng vai trò đòn bẩy mạnh mẽ. Trong đó, nguồn vốn tín dụng từ hệ thống các tổ chức tín dụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các sản phẩm, ngành hàng kinh tế chủ lực của vùng. Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng tại khu vực ĐBSCL đạt 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn.

Dù những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc triển khai tín dụng tại khu vực ĐBSCL đạt kết quả tích cực, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL hiện đang gặp nhiều khó khăn như Rủi ro - Thiên tai - Biến đổi khí hậu: ĐBSCL là vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt. Những rủi ro này làm cho các tổ chức tín dụng e ngại khi cho vay, vì ngành nông sản ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thiên nhiên.

Ngoài ra, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, phần lớn nông hộ ở ĐBSCL có quy mô sản xuất nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ, làm cho việc áp dụng công nghệ và quản lý trở nên khó khăn... khiến các ngân hàng khó kiểm soát và khó đánh giá chính xác về rủi ro tín dụng.

Do vậy, để ĐBSCL phát triển bền vững, không chỉ cần sự nỗ lực từ phía bà con nông dân, doanh nghiệp mà rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ phía Nhà nước, các tổ chức tín dụng và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bên liên quan. Việc thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản không chỉ là giải pháp tài chính, mà còn là cam kết dài hạn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ổn định đời sống người dân và nâng cao vị thế của nông sản ĐBSCL trên bản đồ thế giới.

ThS. Trần Trọng Triết