Các Hiệp hội ngành, nghề

Tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành bia

Minh Nhật 18/11/2024 - 15:59

Xét chung về tác động kinh tế, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của 21 ngành làm đầu vào cho ngành bia trong nền kinh tế.

thue-tieu-thu-dac-biet.jpg
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của 21 ngành làm đầu vào cho ngành bia trong nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Đó là thông tin được đưa ra tại công trình nghiên cứu nghiên cứu Đánh giá tác động kinh tế định lượng của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia do nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổng Cục Thống Kê thực hiện.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án dự kiến tăng đối với mặt hàng bia gồm: Phương án 1, tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 90%; phương án 2, tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 100%.

Hiệp hội Bia Rượu, Nước Giải Khát Việt Nam (VBA) đề xuất 1 phương án tăng thuế với nội dung: lùi thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đến năm 2027. Từ năm 2027, mỗi năm tăng 5%, tới năm 2030, tăng tiếp lên 5% với lộ trình 2 năm tăng 5% lên tổng số 15% như thông lệ đã và đang làm với ngành đồ uống.

Đánh giá về các tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đánh giá trên cả 3 phương án này, sắp sếp theo thứ tự: Phương án 1 - Bộ Tài chính, Phương án 2 - Bộ Tài chính, Phương án - VBA.

Ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người lao động

Theo kết quả nghiên cứu, xét chung về tác động kinh tế, với cả 3 phương án tăng thuế đều ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của 21 ngành làm đầu vào cho ngành bia trong nền kinh tế. Vì thế, khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp giảm, kéo theo lợi nhuận giảm sút, làm giảm thu nhập của người lao động dẫn đến thuế trực thu giảm.

Đối với ngân sách nhà nước, nghiên cứu cho biết, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) trong cả 3 phương án đều tăng. Tuy nhiên, nguồn thu này chỉ tăng trong ngắn hạn.

“Ở các chu kỳ sản xuất tiếp theo trong trung và dài hạn, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm sẽ giảm do doanh nghiệp ngành bia và các ngành liên quan trong nền kinh tế thu hẹp sản xuất. Mặt khác, việc tăng thuế ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế”, nhóm nghiên cứu phân tích thêm.

Cụ thể hơn, xét về giá trị GDP, cộng dồn theo giai đoạn 2026-2030 (đối với phương án 1 và phương án 2) và giai đoạn 2027-2031 (đối với phương án 3) cho thấy, kết quả tác động của việc tăng thuế tới GDP của nền kinh tế như sau: phương án 1, GDP của nền kinh tế giảm 14.276 tỷ đồng, tương đương giảm 0,0354% GDP; phương án 2, GDP của nền kinh tế giảm 32.259 tỷ đồng, tương đương giảm 0,08% GDP; phương án 3, GDP của nền kinh tế giảm 8.590 tỷ đồng, tương đương giảm 0,0172% GDP.

“So sánh với GDP theo kịch bản tăng trưởng bình thường khi chưa tăng thuế (tăng trưởng 6,5%), kết quả tính toán cho thấy phương án 2 tác động làm giảm tăng trưởng GDP của nền kinh tế ở mức lớn nhất; tiếp đến là phương án 1; phương án 3 có mức độ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng GDP thấp nhất. Đáng chú ý là mức giảm GDP của phương án 2 cao gấp 2,26 lần so với mức giảm của phương án 1 và gấp 3,76 lần mức tác động của phương án 3. Như vậy, phương án 3 có mức độ ảnh hưởng tiêu cực ít nhất tới GDP”, kết quả nghiên cứu chỉ ra.

Xét về giá trị tăng thêm của ngành bia, nghiên cứu cho biết, cộng dồn theo giai đoạn 2026-2030 (đối với phương án 1 và phương án 2) và giai đoạn 2027-2031 (đối với phương án 3) cho thấy kết quả tác động của việc tăng thuế tới Giá trị gia tăng của doanh nghiệp (VA) ngành bia như sau: phương án 1 VA ngành bia sụt giảm 44.359 tỷ đồng, tương đương giảm 9,4% VA của ngành; phương án 2 VA ngành bia sụt giảm 61.899 tỷ đồng, tương đương giảm 13,12% VA của ngành; phương án 3 VA ngành bia sụt giảm 38.329 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 6,5% VA của ngành.

“Kết quả phân tích cho thấy phương án 2 tác động làm giảm tăng trưởng VA của ngành bia ở mức lớn nhất; phương án 3 có mức độ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng VA của ngành bia thấp nhất. Mức giảm VA ngành bia của phương án 2 gấp hơn 3,5 lần tác động giảm VA ngành bia của phương án 3. Như vậy, có thể thấy phương án 2 sẽ gây tổn thương nặng nề tới sự phát triển của ngành này”, nhóm nghiên cứu cho hay.

Xét về khấu hao tài sản cố định và lợi nhuận của doanh nghiệp bia, phương án 1 cộng dồn giai đoạn 2026-2030, khấu hao tài sản cố định giảm 932 tỷ đồng. Cộng dồn giai đoạn 2026-2030, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong nền kinh tế giảm 2.468 tỷ đồng. Trong khi đó, phương án 2 cộng dồn giai đoạn 2026-2030, khấu hao tài sản cố định giảm 1.245 tỷ đồng. Cộng dồn giai đoạn 2026-2030, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong nền kinh tế giảm sâu ở mức – 3.282 tỷ đồng. Phương án 3 cộng dồn giai đoạn 2027-2031, khấu hao tài sản cố định giảm 603 tỷ đồng. Cộng dồn giai đoạn 2027-2031, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong nền kinh tế giảm 1.592 tỷ đồng.

Sản xuất ngành bia sụt giảm, dẫn tới các ngành trong nền kinh tế giảm theo. Do đó, khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp giảm, và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Tương tự, mức độ tác động tới lợi nhuận bởi Phương án 3 ít tiêu cực hơn tới doanh nghiệp so với phương án 1 và phương án 2.

Xét về giá trị tăng thêm của nền kinh tế (tác động liên ngành), phương án 1 làm giảm 10.169 tỷ đồng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế; phương án 2 làm giảm 13.546 tỷ đồng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế; phương án 3 làm giảm 6.577 tỷ đồng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế giảm

Với kết quả nêu trên, mức độ làm giảm Tổng giá trị gia tăng (GVA) của nền kinh tế của phương án 3 chỉ bằng một nửa mức độ tác động của phương án 2. Như vậy, phương án của VBA ít tác động tiêu cực tới ngành bia và các ngành khác trong nền kinh tế.

Xét về thu ngân sách nhà nước (NSNN), phương án 1, cộng dồn giai đoạn 2026-2030, thu NSNN từ thuế gián thu (thuế sản phẩm) tăng 4.442 tỷ đồng. Cộng dồn giai đoạn 2026-2030, thu NSNN từ thuế trực thu giảm 1.320 tỷ đồng.

Trong khi đó, phương án 2 cộng dồn giai đoạn 2026-2030, thu NSNN từ thuế gián thu (thuế sản phẩm) tăng 5.877 tỷ đồng. Cộng dồn giai đoạn 2026-2030, thu NSNN từ thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp) giảm 1.752 tỷ đồng.

Phương án 3 cộng dồn giai đoạn 2027-2031, thu NSNN từ thuế gián thu (thuế sản phẩm) tăng 2.874 tỷ đồng. Cộng dồn giai đoạn 2026-2030, thu NSNN từ thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp) giảm 856 tỷ đồng.

Kết quả tính toán cho thấy, với phương án 1 và phương án 2, thuế sản phẩm tăng chỉ bù được một phần cho phần giảm giá trị tăng thêm của ngành bia. Với phương án 3, thuế sản phẩm tăng đủ bù được cho phần giảm giá trị tăng thêm của ngành bia.

Ngoài ra, do ngành bia giảm đã lan tỏa mạnh đến sản xuất của các ngành khác là đầu vào của ngành bia, khiến các ngành khác giảm theo nên tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế giảm nhiều hơn đáng kể mức tăng về thuế gián thu ở cả 3 phương án.

Mặt khác, khi sản xuất giảm dẫn tới khấu hao tài sản cố định giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động giảm. Điều này dẫn tới nguồn thu NSNN từ thuế trực thu giảm. Vì thế, nguồn thu NSNN (gồm thuế gián thu và thuế trực thu) trong cả 3 phương án đều không bù đắp được mức độ sụt giảm về giá trị tăng thêm của ngành bia và càng không bù đắp được mức độ sụt giảm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Xét về tác động tới thu nhập người lao động, phương án 1 làm giảm 3.422 tỷ đồng thu nhập của người lao động trong nền kinh tế (cộng dồn giai đoạn 2026-2030); phương án 2 làm giảm 4.585 tỷ đồng và phương án 3 giảm 2.215 tỷ đồng .

Cả 3 phương án đều làm giảm thu nhập của người lao động trong nền kinh tế.

Trong đó, mức giảm thu nhập của người lao động bởi tăng thuế theo phương án 2 cao gấp hơn 2 lần tác động của tăng thuế theo phương án 3. Điều này cho thấy, phương án 3 ít gây tổn thương tới người lao động so với phương án 1 và phương án 2.

Từ đó, nhóm nghiên cứu khẳng định, việc tăng thuế theo phương án 3 do Hiệp hội Bia Rượu, Nước Giải Khát Việt Nam (VBA) đề xuất đảm bảo được tăng thu NSNN nhưng gây tác động ít tiêu cực hơn tới ngành bia và 21 ngành trong nền kinh tế. Phương án này cũng đảm bảo tính cân bằng với các mục tiêu xã hội, đảm bảo mức độ bền vững về thu nhập và an sinh của người lao động.

Minh Nhật