Chủ tịch FECON: "Nhà thầu nội đủ năng lực tham gia làm đường sắt tốc độ cao"
Với chiều dài 1.541 km, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự báo sẽ đem lại khối lượng công việc khổng lồ cho thị trường xây lắp hạ tầng của Việt Nam. Cuộc chạy đua của những nhà thầu trong nước cũng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết, khi mà các nhà thầu trong nước hiện đã có đủ năng lực để đảm nhận hầu hết công việc phần xây lắp.
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với quy mô đặc biệt lớn, dự kiến tổng chi phí hơn 67 tỷ USD đang thu hút sự quan tâm lớn từ Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp và người dân. Dự án này không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề lớn của hạ tầng giao thông trục Bắc - Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các nhà thầu xây dựng hạ tầng trong nước khi đề xuất nội địa hóa đang được ưu tiên.
Theo ước tính, trên phạm vi cả nước có 20-30 doanh nghiệp, nhà thầu nội đủ năng lực triển khai phần hạ tầng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam như: Đèo Cả, FECON, Trường Sơn, Cienco 4, Sơn Hải, Phương Thành, Vinaconex,… Hiện, các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang rục rịch chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng đón đầu cơ hội tham gia vào dự án.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FECON - một trong những nhà thầu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam.
Phóng viên: Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đang được đề xuất với một số cơ chế chính sách để doanh nghiệp trong nước có cơ hội cùng tham gia. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?
Ông Phạm Việt Khoa: Dưới góc độ nội địa hóa, tôi cho rằng đây là hướng đi phù hợp để giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nước. Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải hiện đang khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng tối đa nguyên vật liệu và công nghệ trong nước. Hiện tại, mức độ nội địa hóa của các dự án đường sắt đô thị đang ở mức 30%, nhưng tôi kỳ vọng tỷ lệ này sẽ được nâng lên trên 70% tại các dự án đường sắt nói chung và đường sắt tốc độ cao nói riêng.
Theo tôi, việc nội địa hóa sẽ giúp tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, thúc đẩy GDP và giữ nguồn thu ở lại trong nước. Đồng thời, chỉ có cách này mới giúp phát triển năng lực cho các nhà thầu và chuỗi cung ứng trong nước trở nên mạnh mẽ và chủ động hơn.
Phóng viên: Từ góc độ của một doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong ngành xây dựng, ông nhận định ra sao về năng lực của các nhà thầu trong nước?
Ông Phạm Việt Khoa: Các nhà thầu trong nước đều mong muốn được đóng góp cho sự phát triển hạ tầng Việt Nam. Đây là cơ hội để nhà thầu, nhà cung cấp Việt Nam được tiếp cận, làm chủ công nghệ và phát triển năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng xây dựng hạ tầng đường sắt trong dài hạn.
Thực tế tại một số đất nước có ngành công nghiệp đường sắt tốc độ cao phát triển trước Việt Nam như các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…, các hạng mục liên quan đến xây dựng đều do các đơn vị trong nước đảm nhận.
Chính vì thế, theo tôi, dự án này cần phải huy động tất cả các nhà thầu Việt Nam có năng lực, đặc biệt là các nhà thầu hạ tầng. Các nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể hình thành các tổ hợp theo từng mảng, mỗi đơn vị có thể đảm nhận một phần công việc và chịu trách nhiệm theo hợp đồng với phần công việc đảm nhận. Khi cần, các nhà thầu sẽ mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Phóng viên: Cụ thể, theo ông doanh nghiệp nội có thể tham gia thực hiện cấu phần nào của đường sắt tốc độ cao?
Ông Phạm Việt Khoa: Nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể chia thành 2 hợp phần: Hợp phần 1 là các hạng mục từ phần dưới ray trở xuống có tính chất tương tự công trình đường bộ (cầu, đường, hầm), cần giao cho doanh nghiệp trong nước có năng lực thực hiện.
Đối với hợp phần 1, hiện nhiều doanh nghiệp nhà thầu xây dựng có kinh nghiệm tại các công trình trọng điểm Quốc gia khẳng định tự tin có đủ năng lực để triển khai.
Hợp phần 2 là đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu… có thể cân nhắc xem xét giao doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài triển khai.
Phóng viên: Còn với FECON thì sao, ông tự tin doanh nghiệp có thể thực hiện tốt phần nào của dự án nếu được chọn?
Ông Phạm Việt Khoa: Về phía FECON, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào các dự án đường sắt đô thị và các hạng mục kết cấu hạ tầng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đặc biệt trong các hạng mục đòi hỏi công nghệ cao và kỹ thuật phức tạp.
Theo đề án được đưa ra, trong cơ cấu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, khoảng 60% là cầu cạn, 30% trên mặt đất và 10% hầm ngầm. Trong đó, FECON có thể tham gia mạnh mẽ vào các công đoạn như xử lý nền móng trên mặt đất, thi công cọc móng và tường chắn, thi công cấu kiện dầm cầu và tà vẹt bê tông cốt thép cho phần cầu cạn, cầu qua sông qua núi, thi công các giải pháp TBM đào đường ngầm qua núi…
Tôi phải nhấn mạnh rằng, đường sắt, nhất là đường sắt cao tốc có yêu cầu về độ chính xác và tính ổn định rất cao. Đặc biệt, đường sắt tốc độ cao không cho phép chờ lún như đường bộ nên việc xử lý nền, móng đòi hỏi phải đạt ổn định ngay khi đưa vào khai thác, không cho phép bất cứ sai sót dù là nhỏ nhất. Để đảm bảo điều đó, các phương án thiết kế kết cầu cần được các tổ chức thiết kế có kinh nghiệm thực hiện, lựa chọn các công nghệ hiện đại nhất hiện nay áp dụng cho kết cấu hạ tầng đường sắt.
Với FECON, doanh nghiệp chúng tôi đã và đang sở hữu nhiều công nghệ về xử lý nền, thi công móng, thi công phần ngầm cấp tiến trên thế giới ở thời điểm hiện tại, hoàn toàn tự tin và sẵn sàng giải quyết tốt các bài toán yêu cầu cao cho kết cấu hạ tầng đường sắt.
Ngoài ra FECON hiện đang hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu về xử lý nền, xây dựng hạ tầng ngầm đến từ Nhật Bản và Trung Quốc… Nếu triển khai dự án này, các đối tác sẵn sàng vào cuộc để cùng thực hiện công việc với giá cạnh tranh trên nguyên tắc tỷ lệ nội địa hóa cao.
Đồng thời, FECON xác định đường sắt tốc độ cao sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển 5 -10 năm tới của chúng tôi nên FECON đang ráo riết chuẩn bị nguồn nhân sự chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy trao đổi nghiên cứu với các đối tác giàu kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ… để sẵn sàng tham gia vào “siêu dự án” này.
Phóng viên: Thực tế, không chỉ FECON mà nhiều nhà thầu có năng lực khác cũng đang rốt ráo chuẩn bị nguồn lực để tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ông có kiến nghị gì để các nhà thầu nội có thể cùng thực hiện dự án một cách hiệu quả?
Ông Phạm Việt Khoa: Theo tôi để nhà thầu Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, điểm quan trọng nhất là việc chỉ định thầu đối với các nhà thầu nội địa. Do đó, tôi đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định thầu, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào từng hạng mục/hoặc hợp thành các tổ hợp đảm nhiệm các phần việc khác nhau của dự án. Điều này giúp phát triển năng lực trong nước một cách hiệu quả lâu dài, phát triển được ngành công nghiệp hạ tầng đường sắt nội địa tương tự kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước phát triển khác đã làm trong 30 năm qua.
Đồng thời, để đảm bảo chất lượng, tiến độ và chi phí dự án, tôi kiến nghị nên mời các nhà thiết kế và chuyên gia quốc tế tham gia vào khâu thiết kế và quản lý dự án. Đây là các khâu quan trọng, yêu cầu tiêu chuẩn cao và không thể có sai sót, bởi đường sắt cao tốc là lĩnh vực có yêu cầu kỹ thuật và an toàn đặc biệt. Chúng ta nên kết hợp với các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm để đảm bảo quản lý chặt chẽ các yếu tố chất lượng, tiến độ và chi phí.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!