Thách thức khơi thông dòng vốn xanh
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong nhận thức cũng như thực hành ESG. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho cả cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các đơn vị thực thi...
Trong những năm gần đây, khái niệm ESG và xanh hóa ngày càng phổ biến trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Các dự án theo chuẩn ESG và xanh không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn đảm bảo lợi ích dài hạn về mặt kinh tế và xã hội, hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững và công bằng.
Tại Việt Nam, xu hướng đầu tư ESG hay đầu tư bền vững đang ngày càng được quan tâm của cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó dự báo, cũng như chi phí vốn này càng đắt như hiện nay.
“Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư này nhờ môi trường chính trị ổn định, tiềm năng phát triển năng lượng xanh lớn, tốc độ đô thị hoá cao, cũng như gia tăng tầng lớp trung lưu. Mặt khác, các nhà đầu tư Việt Nam cũng đang tìm kiếm các mục tiêu bền vững hơn trong bối cảnh có nhiều biến động”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) chia sẻ trong khuôn khổ chương trình Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với sự phát triển của dòng vốn đầu tư bền vững tại Việt Nam. Bà Hiền chỉ ra rằng, các thách thức chủ yếu của hoạt động này hiện nay tại Việt Nam bao gồm: các doanh nghiệp có mức độ áp dụng thực hành tốt ESG trong hoạt động kinh doanh chưa nhiều, do đó mục tiêu đầu tư còn hạn chế; nguồn thông tin và dữ liệu về thực hành phát triển bền vững của doanh nghiệp còn hạn chế và chưa đồng bộ, do đó việc tiếp cận và đánh giá còn gặp khó khăn.
Trong khi đó, ông Lê Hoài Ân, CFA Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi sang tín dụng và trái phiếu xanh gặp nhiều thách thức, chủ yếu do thiếu một bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá các yếu tố xanh trong các dự án này.
“Thị trường trái phiếu xanh nội địa cũng chỉ mới đạt khoảng 1 tỷ USD trong khi đó quy mô tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng cũng chỉ đạt mức khoảng 500.000 tỷ đồng. Các khoản tín dụng xanh tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, trong khi các tiêu chí đánh giá vẫn phụ thuộc vào tiêu chuẩn riêng của từng ngân hàng thay vì dựa trên các thông lệ quốc tế. Đối với phân khúc tài trợ từ các quỹ đầu tư xanh quốc tế, với yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt hơn, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện”, ông Ân đánh giá.
Còn đối với ngành Ngân hàng, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam thông tin, có khoảng 70% các ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai tiêu chuẩn ESG. Tuy nhiên, cân đối lợi ích trước mắt và lợi ích dài hạn trong triển khai là việc khó khăn nhất của các ngân hàng.
“Các ngân hàng đã dành nguồn lực đáng kể, từ con người đến tài chính, để đi đầu trong việc triển khai các tiêu chuẩn ESG. Thậm chí, một số ngân hàng không ngại chi phí, thuê các đơn vị chuyên môn để phát hành báo cáo minh bạch và thực hiện kiểm toán theo các chuẩn mực ESG. Điều đó cho thấy họ là những người tiên phong sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để hướng đến mục tiêu dài hạn", bà Dương cho biết thêm.
Trước những thách thức đặt ra, để đẩy mạnh thực thi ESG, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ESG, Ngân hàng Agribank kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành, hướng dẫn, tuyên truyền khung pháp lý cụ thể và rõ ràng hơn về tiêu chí xã hội và quản trị đối với doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng xu hướng hội nhập của nền kinh tế, quốc tế; có chính sách ưu đãi về thuế, phí, cơ chế bảo hiểm, lãi suất, dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp, ngân hàng thương mại chủ động triển khai thực thi ESG hiệu quả, được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao.
Nhìn rộng hơn, để thúc đẩy dòng vốn đầu tư bền vững tại Việt Nam, bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, cần có sự hợp tác mạnh mẽ giữa các thành viên tham gia thị trường bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các công ty quản lý quỹ và các doanh nghiệp trên thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp cần công bố báo cáo phát triển bền vững theo các quy định cụ thể và được giám sát bởi cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp các quỹ đầu tư có nguồn dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy trong việc xây dựng các sản phẩm đầu tư bền vững.
Ngoài ra, bà Hiền đề xuất cần có thêm các cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư bền vững, cũng như ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các quỹ này, nhằm tạo cú hích cho dòng vốn vào lĩnh vực này trọng giai đoạn đầu.
Chia sẻ kinh nghiệm thực thi ESG từ các nước phát triển, bà Lý Thu Nga, Trưởng hợp phần cải cách khu vực Tài chính xanh, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết thêm: “Tại châu Âu, vấn đề không còn là khuyến khích mà đã được đưa vào văn bản pháp quy liên quan tới việc phân loại xanh hay công bố thông tin về tài chính bền vững, báo cáo bền vững… Hiện nay, các nước phát triển đang cam kết tài trợ mạnh mẽ cho các nước đang phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Việt Nam cần coi đây là cơ hội để triển khai mạnh hơn thực thi ESG, xác định thực thi ESG là cơ hội trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn”.