Bất động sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu 7 khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Đất đai

M.Đ 20/11/2024 - 15:31

Báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai tại các địa phương trong cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra 7 khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật này.

dat-dai.png

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau 3 tháng triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, bước đầu cho thấy các chính sách mới này đã mang lại hiệu quả trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,... Những quy định mới cũng đã nhận được sự đồng thuận của đa số người dân, doanh nghiệp và sự thống nhất của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua nắm bắt tình hình thực tế và báo cáo của các địa phương trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thi hành Luật Đất đai. Cụ thể, có 7 khó khăn, vướng mắc khi thi hành, gồm:

Thứ nhất, do có sự điều chỉnh về thời điểm có hiệu lực sớm của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành 3 Luật này kể từ ngày 1/8/2024 nên các địa phương có sự bị động nhất định.

Thứ hai, việc yêu cầu các địa phương phải xây dựng ban hành các văn bản theo thẩm quyền để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với hiệu lực thi hành của các luật và nghị định là tương đối khó khăn. Trong khi số lượng biên chế của các cơ quan chuyên môn được giao chủ trì xây dựng còn ít.

Thứ ba, các văn bản quy định chi tiết được các luật giao cho tỉnh ban hành có nhiều nội dung mới, có nội dung khá phức tạp, phải mất nhiều thời gian; đồng thời có nhiều nội dung thực tế ở địa phương chưa phát sinh. Ví dụ như nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng để cho thuê; nhà lưu trú công nhân,...

Thứ tư, một số văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở có tầm quan trọng nên cần phải có thời gian lấy ý kiến góp ý rộng rãi, đảm bảo văn bản ban hành đúng quy định pháp luật dẫn đến chậm ban hành văn bản.

Thứ năm, số lượng cán bộ tại các phòng chuyên môn được giao chủ trì xây dựng văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương còn ít, hạn chế trình độ, chưa có đủ thời gian tiếp cận để đọc, hiểu tinh thần của luật, các nghị định hướng dẫn thi hành…

Thứ sáu, một số nội dung còn có cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan của địa phương, nên một số địa phương có văn bản hỏi các bộ, ngành chuyên môn để có cơ sở triển khai xây dựng, trình ban hành.

Thứ bảy, khó khăn trong việc điều chỉnh bảng giá đất để tiếp tục áp dụng đến ngày 31/12/2025, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác lập bảng giá đất, xác định giá đất, công tác đo đạc,…

Từ những vướng mắc nêu trên, Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi trực tiếp với các địa phương, hướng dẫn, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đất đai.

M.Đ