TP. Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch xử lý dự án tồn đọng, chậm tiến độ
Để xử lý dự án tồn đọng, chậm tiến độ, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ phân loại các nhóm dự án tồn đọng, sau đó lên kế hoạch xử lý với 5 bước chính. Cùng với đó, kế hoạch cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực; đồng thời khuyến khích những sáng kiến giúp tháo gỡ khó khăn.
Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch chi tiết để xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.
Theo kế hoạch, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ phân loại các nhóm dự án tồn đọng thành 5 nhóm chính gồm: các dự án đầu tư công, đầu tư theo Luật Đầu tư hoặc thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP); các tài sản công như trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả; các dự án của doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn góp của nhà nước, bao gồm cả các dự án do doanh nghiệp FDI thực hiện nhưng sử dụng tài sản công; các dự án vướng mắc pháp lý do thanh tra, điều tra, xét xử; các khu đất lớn tại vị trí đắc địa nhưng chưa được khai thác.
Việc xử lý các dự án tồn đọng, thi công chậm tiến độ… được UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai qua 5 bước chính.
Một là, rà soát tổng thể, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện hoàn thành việc rà soát toàn diện các dự án tồn đọng trước ngày 20/11.
Hai là, phân loại và phân công xử lý, trong đó các dự án được phân chia theo mức độ vướng mắc và thẩm quyền giải quyết. TP. HCM cũng tập trung vào khoảng 10-20 dự án nổi bật, có khả năng xử lý dứt điểm trong năm 2024 để tạo động lực thúc đẩy chung.
Ba là, lập kế hoạch chi tiết, triển khai từ ngày 1/12 đến 31/12. TP. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng dự án gồm các thông tin về hồ sơ pháp lý, nguyên nhân chậm trễ và các thủ tục cần thiết để tháo gỡ. Các dự án ưu tiên sẽ được đẩy nhanh tiến độ ngay trong giai đoạn này.
Bốn là, thực hiện giải quyết các vướng mắc theo kế hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Các cơ quan được phân công sẽ chịu trách nhiệm hoàn thành thủ tục hành chính, đảm bảo các dự án được triển khai hoặc xử lí triệt để theo đúng quy định pháp luật.
Năm là, tổng kết và đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện, dự kiến diễn ra từ ngày 1/12/2025 đến 31/12/2025.
Ngoài ra, kế hoạch cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực; đồng thời khuyến khích những sáng kiến giúp tháo gỡ khó khăn.