Phát triển dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu cung cấp bởi bên thứ 3 tại Việt Nam
Ngày 22/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam (FiinGroup) tổ chức Toạ đàm “Phát triển dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu cung cấp bởi bên thứ 3 tại Việt Nam”.
Thực trạng ngành dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Quân, thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc TPBank thông tin, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, đồng hành cùng các ngân hàng thương mại (NHTM) xây dựng lộ trình chuyển đổi số từ năm 2019 đến nay.
Cụ thể, Quyết định 810/QĐ-NHNN năm 2021 phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã làm rõ các tiêu chí khác nhau đặt ra cho các cơ quan quản lý và hệ thống NHTM, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực quản lý, đồng thời xây dựng mô hình ngân hàng số hiệu quả. Cho đến nay, NHNN đã ban hành thêm nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực thi Quyết định này.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chứng kiến bước tiến đáng kể trong hành trình chuyển đổi số, đặc biệt là việc kết nối với hệ thống dữ liệu dân cư và dữ liệu căn cước công dân được quản lý bởi Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06). Trên nền tảng dữ liệu đó, các ngân hàng đang hưởng lợi rất nhiều từ quá trình số hóa, biến các dịch vụ của ngành Ngân hàng có thể truy cập được trên không gian kỹ thuật số.
Có thể nói, dù phải đối mặt với một số khó khăn nhưng thời gian qua, ngành Ngân hàng vẫn đạt được những kết quả tích cực, trong đó, "điểm sáng" là triển khai thành công Quyết định 2345/QĐ-NHNN của NHNN về thu thập dữ liệu sinh trắc học, tạo điều kiện tiên quyết để phòng ngừa gian lận, lừa đảo trên không gian mạng.
Bên cạnh việc thực thi có hiệu quả các chủ trương chính sách của Chính phủ và NHNN, ông Nguyễn Hồng Quân cho biết thêm, các NHTM còn đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số bởi áp lực cạnh tranh. Do đó, các ngân hàng đang rất quan tâm đến dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu nâng cao, sử dụng công cụ phức tạp như thuật toán trí tuệ nhân tạo/học máy (AI/ML), xử lý dữ liệu lớn (big data), nhằm đưa ra dự báo của các xu hướng tài chính.
Đánh giá về bối cảnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng, Trưởng nhóm Phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế tài chính, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, IFC cho biết, các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đã và đang nỗ lực phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính số nhằm cải thiện tài chính bao trùm dành cho các cá nhân và doanh nghiệp.
Để phát triển tài chính số, một trong các trụ cột không thể thiếu là các sản phẩm và dịch vụ về dữ liệu và phân tích dữ liệu dành cho lĩnh vực tài chính. Với xu hướng phát triển mạnh mẽ các sản phẩm tài chính ngân hàng dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu, các dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu cung cấp bởi bên thứ 3 đang có hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ, cung cấp nhiều loại hình dữ liệu khác nhau hỗ trợ cho các tổ chức tài chính.
Do đó, trong bối cảnh các dịch vụ tài chính số của Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực và chưa có doanh nghiệp chuyên biệt về dữ liệu, ông Jinchang Lai cho rằng, việc tăng cường tương tác, trao đổi về lĩnh vực này là hết sức cần thiết. Cùng với đó, ngành Ngân hàng cần phấn đấu đạt 80% số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số, đặc biệt ở 2 hạng mục dịch vụ thuần túy của bên thứ 3 là dữ liệu logistics và dữ liệu điện tử.
Đẩy mạnh khai thác sức mạnh dữ liệu và phân tích dữ liệu
Với thế mạnh nguồn lực và vị thế trong ngành Ngân hàng, ông Vishnu Bhan, Giám đốc Sáng kiến của Techcombank cho biết, ngân hàng đã tập trung đầu tư xây dựng các giải pháp phân tích dữ liệu nhằm chuyển đổi trở thành ngân hàng được dữ liệu và AI trợ lực, mang đến trải nghiệm ý nghĩa và hấp dẫn cho khách hàng.
Dựa trên "hồ dữ liệu" với dữ liệu từ trên 50 hệ thống chủ đạo của ngân hàng, kết nối trên nền tảng điện toán đám mây của AWS, Techcombank đã nâng cấp khả năng phân tích dữ liệu và ứng dụng trong mọi hoạt động của ngân hàng, bao gồm: quản lý ngân quỹ, dự báo dòng tiền, quản trị rủi ro, phòng chống gian lận, tự động hóa các hoạt động tài chính và chuẩn hóa dữ liệu...
Ngoài ra, với "bộ não dữ liệu" và khai thác dữ liệu từ hơn 1.000 thuộc tính khách hàng có sẵn, Techcombank vận hành 45 mô hình học máy tiên tiến, cho phép ngân hàng có thể dự đoán và đáp ứng nhu cầu của khách hàng với độ chính xác vượt trội.
Chia sẻ về hiện trạng chuyển đổi số tại TPBank, ông Nguyễn Quang Hoàng, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu TPBank cho biết, ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư vào nền tảng ngân hàng số dựa trên hệ thống công nghệ thông tin, ngân hàng lõi hiện đại; sáng tạo mô hình kinh doanh "ngân hàng tiện lợi" và đẩy mạnh tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hướng đến các mô hình kinh doanh mới.
Từ đó, TPBank tối đa hóa giá trị dữ liệu và phân tích dữ liệu với 3 mục tiêu: (1) tích hợp chủ động các nguồn dữ liệu nội bộ và dữ liệu từ các tổ chức thông tin tín dụng, dữ liệu thu thập từ nguồn bên ngoài để đảm bảo dữ liệu sẵn sàng cung ứng cho các nhu cầu khai thác, phân tích dữ liệu của ngân hàng; (2) ứng dụng phân tích dữ liệu phục vụ phân tích, dự đoán nhu cầu, tối ưu hóa hành trình trải nghiệm khách hàng, phát hiện gian lận, tiết giảm chi phí và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tức thời cho khách hàng thông qua trợ lý ảo, robot; (3) áp dụng giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ kiệu khách hàng, dữ liệu mở, dữ liệu bên thứ 3 và mô hình chấm điểm đáng tin cậy để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay bằng phương thức điện tử.
Thách thức và cơ hội phát triển thị trường dữ liệu và phân tích dữ liệu trong lĩnh vực tài chính
Tại toạ đàm, các diễn giả cho rằng, dù có đầy đủ tiềm năng phát triển và mở rộng thị trường nhưng Việt Nam vẫn gặp rào cản đối với việc thực hiện phân tích dữ liệu nâng cao trong ngành dịch vụ tài chính. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc khối Thông tin Doanh nghiệp FiinGroup cho biết, hầu hết các tổ chức tài chính Việt Nam vẫn dựa vào phương pháp phát hiện gian lận, chấm điểm tín dụng và đánh giá rủi ro truyền thống dựa trên quy tắc, hạn chế khả năng tạo ra thông tin chi tiết và chính xác.
Trong khi đó, nguồn dữ liệu bên thứ 3 mà các tổ chức tài chính tài Việt Nam tiếp cận chủ yếu là cơ sở dữ liệu cơ bản như hồ sơ doanh nghiệp, định danh cá nhân và thông tin tín dụng; cùng với sự ngăn cách dữ liệu giữa các tổ chức do hoạt động biệt lập, khiến việc chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng với nhau và với đối tác bên ngoài còn hạn chế.
Chuyên gia đến từ FiinGroup cũng nhận thấy, Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường dữ liệu tập trung. Bởi, các tổ chức tài chính hiện đang tích cực mở rộng hệ sinh thái số thông qua việc tích hợp các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận các loại dữ liệu mới; chuyển đổi sang các giải pháp đám mây để quản lý dữ liệu và mở rộng tốt hơn; thử nghiệm AI/ML để phát hiện gian lận, chấm điểm tín dụng và dịch vụ khách hàng. Các Open API cũng đang được áp dụng để tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu an toàn giữa các tổ chức tài chính, Fintech và các nhà cung cấp bên thứ 3.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Jackal Ma, chuyên gia đến từ TrustDecision cho rằng, hoạt động chuyển đổi số nhanh chóng tại Việt Nam sẽ tạo ra cơ hội đổi mới tài chính. Trong đó, dữ liệu thay thế và dữ liệu của bên thứ 3 có thể thúc đẩy phổ cập tài chính và tăng trưởng bền vững.
Theo ông Jackal Ma, để phát triển thị trường dữ liệu và phân tích dữ liệu trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, các tổ chức tài chính cần nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin như API, lưu trữ đám mây, mô hình AI/ML và hồ dữ liệu (data lake); giám sát chất lượng dữ liệu và phát triển hạ tầng cho tuân thủ quyền riêng tư.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý là rất quan trọng trong việc thiết lập khung quy định về sử dụng dữ liệu có đạo đức, khuyến khích quan hệ đối tác công tư; hỗ trợ các sáng kiến tài trợ xanh, tài trợ nông thôn và tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để đảm bảo chất lượng dữ liệu và quy trình giám sát nội bộ, các chuyên gia tham dự toạ đàm cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mới; cần có cơ chế thu thập dữ liệu đảm bảo đến từ đúng nguồn, được cấp phép theo quy định pháp luật và cần có văn bản hướng dẫn sử dụng dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu cho toàn ngành.
Bên cạnh đó, các chính sách quản lý được xây dựng cần đảm bảo thuận lợi cho việc chia sẻ, khai thác dữ liệu số. Đồng thời tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu số, quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân. Từ đó, các tổ chức tài chính có thể sử dụng đa dạng các loại hình dịch vụ được cung cấp bởi bên thứ 3 để phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính hiệu quả, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, hướng tới phổ cập tài chính và tăng trưởng bền vững.