Tài chính số trong công cuộc phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam: Một số giải pháp cho nhà cung ứng dịch vụ
Tài chính số giúp đại bộ phận cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức được tiếp cận các dịch vụ tiền gửi, tín dụng, thanh toán và các dịch vụ tài chính khác với chi phí thấp, an toàn, thuận tiện. Trong công cuộc phát triển tài chính toàn diện, phát triển tài chính số và nhà cung ứng dịch vụ đóng vai trò rất quan quan trọng, bởi đây chính là một mắt xích mấu chốt trong hệ sinh thái tài chính toàn diện.
Tóm tắt: Cung ứng dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, trên nền tảng kĩ thuật hiện đại, an toàn tới người tiêu dùng là một mục tiêu vô cùng quan trọng ở nước ta hiện nay. Tài chính số giúp đại bộ phận cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức được tiếp cận các dịch vụ tiền gửi, tín dụng, thanh toán và các dịch vụ tài chính khác với chi phí thấp, an toàn, thuận tiện. Không chỉ làm cho nền kinh tế tăng trưởng, tài chính số còn góp phần gia tăng thu nhập, gia tăng chất lượng sống và văn minh tài chính của người dân. Trong công cuộc phát triển tài chính toàn diện, phát triển tài chính số và nhà cung ứng dịch vụ đóng vai trò rất quan quan trọng, bởi đây chính là một mắt xích mấu chốt trong hệ sinh thái tài chính toàn diện. Bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển dịch vụ nhìn từ góc độ nhà cung ứng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam.
Từ khóa: Tài chính số, giải pháp, tài chính toàn diện, nhà cung ứng dịch vụ tài chính số
DIGITAL FINANCE IN THE PROCESS OF FINANCIAL INCLUSION DEVELOPMENT IN VIETNAM: SOME SOLUTIONS FOR THE SERVICE PROVIDERS
Abstract: Providing financial services at reasonable costs, on advanced and safe technical platform to consumers is an extremely important goal in our country at present. Digital finance helps the majority of individuals, businesses and organizations access basic financial services such as deposit, credit, payment and other financial services at low cost but safe and convenient. Digital finance not only supports economic growth but also contributes to increase people's income, quality of life and financial civilization. In the development process of financial inclusion, digital finance and service providers play very important role, as it is a key link in the ecosystem of financial inclusion. The article offers some solutions to promote the development of services from the perspective of digital financial service providers in Vietnam.
Keywords: Digital finance, solutions, financial inclusion, digital financial service provider
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tài chính số bao gồm các sản phẩm tài chính mới, các doanh nghiệp tài chính, phần mềm liên quan đến tài chính và các hình thức giao tiếp và tương tác mới của khách hàng - được cung cấp bởi các công ty Fintech và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính sáng tạo. Vai trò của tài chính số đối với sự phát triển của tài chính toàn diện ngày càng được khẳng định. Để phát triển tài chính số, không thể không nhắc tới các nhà cung ứng dịch vụ, đó là các công ty Fintech, các nhà cung ứng dịch vụ tài chính sáng tạo, trong đó có các ngân hàng. Nguồn cung của dịch vụ tài chính số là vô cùng quan trọng, không chỉ quyết định số lượng hàng hóa, dịch vụ được cung ứng, cách thức giao dịch, mà còn góp phần định hướng thị trường. Thị trường chỉ phát triển khi các nhà cung ứng dịch vụ phát triển và phát huy được năng lực, nhằm phục vụ cho khách hàng ngày càng tốt hơn.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số mới đang trong giai đoạn đầu, các nhà cung ứng dịch vụ tài chính số đang trong giai đoạn đầu tư phát triển dịch vụ mạnh mẽ. Bài viết với mục tiêu đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nhà cung ứng dịch vụ tài chính số như một công cụ chính trong việc phát triển tài chính số và tài chính toàn diện tại Việt Nam.
2. KHÁI NIỆM TÀI CHÍNH SỐ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA TÀI CHÍNH SỐ ĐẾN PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN
2.1. Khái niệm tài chính số
Nhìn từ giác độ nghiệp vụ, tài chính số là những dịch vụ tài chính được cung ứng thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân, mạng internet hoặc thẻ được liên kết với một hệ thống thanh toán số đáng tin cậy (Manyika, Lund, Singer, White, & Berry, 2016). Theo Gomber, Koch, and Siering (2017), tài chính số bao trùm hàng loạt các sản phẩm tài chính hiện đại, ngành dịch vụ tài chính, phần mềm hỗ trợ xử lý giao dịch tài chính, và cả vấn đề giao tiếp và truyền thông với khách hàng – tất cả được cung cấp bởi các công ty Fintech và các nhà cung ứng dịch vụ tài chính sáng tạo khác. Như vậy, có thể hiểu tài chính số bao hàm tất cả các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và (hoặc) cơ sở hạ tầng cho phép cá nhân và tổ chức có khả năng tiếp cận với dịch vụ thanh toán, tiết kiệm, tín dụng thông qua mạng internet mà không cần tới chi nhánh hay điểm giao dịch của nhà cung cấp. Tại châu Âu, mạng internet đã trở thành kênh phân phối chính thức cho ngành Ngân hàng, và các ngân hàng truyền thống cũng như các nhà cung cấp dịch vụ mới đã coi đây là kênh phân phối vô cùng hiệu quả so với các kênh phân phối khác (Barbesino, Camerani, & Gaudino, 2005).
Mục tiêu của các dịch vụ tài chính số là nhằm góp phần giảm nghèo đói và gia tăng tiếp cận dịch vụ tài chính tại các nền kinh tế đang phát triển. (United Nations, 2016). Có 3 thành tố chính của dịch vụ tài chính số: Cổng giao dịch số, đại lý bán lẻ, người sử dụng (CGAP, 2015). Để có thể sử dụng dịch vụ, khách hàng cần có tài khoản tại ngân hàng, có số dư nhất định để có thể thanh toán, nhận tiền thông qua các cổng thanh toán số bao gồm: Điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, hoặc mạng internet.
2.2 Nhà cung ứng dịch vụ tài chính số
Thuật ngữ Fintech có nghĩa “công nghệ tài chính” và được định nghĩa như là việc cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng thông qua sự đổi mới về công nghệ dẫn dắt bởi việc lập trình trên máy tính và các thuật toán. Nhà cung cấp Fintech được định nghĩa như là một cá nhân hay tổ chức có sử dụng nền tảng công nghệ, có thể có kết nối mạng hoặc không, để cung cấp dịch vụ tài chính mới hoặc để cải tiến dịch vụ tài chính hiện có.
Một nhà cung ứng dịch vụ tài chính được xem như là một Fintech nếu công ty này sử dụng công nghệ để cung ứng, hoặc cải tiến, quá trình cung ứng dịch vụ tài chính mà trong đó số lượng các rào cản giữa yêu cầu về dịch vụ tài chính và sử dụng dịch vụ tài chính được giảm đi đáng kể cho người sử dụng.
Nhà cung ứng dịch vụ Fintech đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số và trong phát triển tài chính toàn diện. Công ty Fintech vừa là đối thủ cung ứng các dịch vụ tài chính tương tự như của ngân hàng, vừa là các công ty cung ứng các dịch vụ tài chính mới mà hiện tại các ngân hàng chưa cung cấp. Nhà cung ứng dịch vụ Fintech có thể bán dịch vụ với giá tương đối cao so với ngân hàng nhưng thời gian khách hàng phải chờ đợi lại rút ngắn tương đối.
Có nhiều lợi ích cho khách hàng khi giao dịch với nhà cung ứng dịch vụ mới. Các dịch vụ tài chính số được cung cấp bởi công ty Fintech dựa trên công nghệ hiện đại nên thời gian giao dịch được rút ngắn, tạo điều kiện cho khách hàng có những giao dịch nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa nhà cung ứng dịch vụ là Fintech và ngân hàng giúp làm gia tăng lợi ích cho cả hai bên. Các công ty Fintech sẽ tận dụng được cơ sở khách hàng của các nhà cung ứng truyền thống, sự am hiểu về khách hàng và dịch vụ. Còn các nhà cung ứng dịch vụ truyền thống như ngân hàng có thể học hỏi và áp dụng công nghệ mới nhằm cải tiến dịch vụ.
2.3 Tác động của tài chính số đến phát triển tài chính toàn diện
Tài chính số mang lại nhiều tác động tích cực. Đầu tiên, tài chính số đóng góp rất lớn cho sự phát triển của tài chính toàn diện, sự gia tăng bao trùm của dịch vụ tài chính tới các khu vực phi tài chính, và sự mở rộng của các dịch vụ cơ bản tới các cá nhân và hộ gia đình (World Bank, 2021).
Thứ hai, tài chính số giúp cho người nghèo, người thu nhập thấp có khả năng tiếp cận với dịch vụ tài chính với giá thấp, thuận tiện và an toàn (CGAP). Sự phát triển gần đây của mạng lưới cung cấp dịch vụ tài chính với giá cả phải chăng đã giúp khách hàng yếu thế chuyển từ các giao dịch dựa trên tiền mặt sang sử dụng các dịch vụ tài chính số thông qua các nền tảng tài chính an toàn (CGAP).
Thứ ba, tài chính số đóng góp vào gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế số thông qua cung ứng sự tiếp cận dịch vụ tài chính thuận tiện cho các cá nhân, doanh nghiệp, thông qua đó, gia tăng chi tiêu, đầu tư và kết quả là góp phần tăng GDP. Tài chính số cũng dẫn tới sự ổn định của nền tài chính và hiệu quả của thị trường tài chính như một kênh trung gian giữa người tiết kiệm và người đầu tư.
Thứ tư, tài chính số cũng mang lại những tác động tích cực đối với các hoạt động của chính quyền bằng việc cung cấp các nền tảng tạo điều kiện thúc đẩy tổng chi tiêu. Từ đó làm gia tăng doanh thu thuế từ việc gia tăng doanh số của các giao dịch tài chính (Manyika et al., 2016).
Thứ năm, tài chính số có ảnh hưởng tích cực đối với các cơ quan quản lý tài chính và tiền tệ, bởi vì việc sử dụng hoàn toàn dịch vụ tài chính số có thể làm giảm đáng kể việc sử dụng tiền mặt, tiền giả,…. Các tác động khác của tài chính số có thể kể tới như: Giúp người sử dụng có thể kiểm soát chi tiêu tốt hơn, đưa ra các quyết định tài chính nhanh chóng hơn, khả năng thanh toán nhiều giao dịch chỉ trong thời gian ngắn.
3. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH SỐ TRONG TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TẠI VIỆT NAM
Việt Nam là quốc gia có mức độ tăng trưởng về sử dụng Internet và điện thoại thông minh (smart phone) rất nhanh. Tính đến năm 2011, Việt Nam có 68 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số và có 75,03 triệu người dùng điện thoại di động, chiếm 76% dân số, độ bao phủ sóng 3G/4G đạt 95% diện tích cả nước1. Tính đến cuối tháng 6/2021, có trên 73 triệu tài khoản cá nhân, số người dân có tài khoản tại ngân hàng là 45,2 triệu người, chiếm khoảng 52% dân số trong độ tuổi trưởng thành từ 15 tuổi trở lên. Giá trị giao dịch của các kênh trực tuyến (Internet Banking và Mobile Banking) còn thấp so với tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt, chiếm khoảng 15% tổng giá trị.
Giống như tại các quốc gia đang phát triển khác, tại Việt Nam, dịch vụ thanh toán là dịch vụ tài chính có ứng dụng số lớn nhất so với bất cứ một dịch vụ tài chính nào khác.
Đến cuối năm 2022, có 50 tổ chức không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam. Đã có 40 NHTM tham gia phối hợp với các tổ chức trung gian thanh toán triển khai dịch vụ Ví điện tử. Với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin và các ứng dụng của cuộc cách mạng 4.0 vào các dịch vụ tài chính, nhiều dịch vụ ngân hàng đã được cung cấp trên nền tảng In-ternet và điện thoại di động như: Tra cứu thông tin, quản lý tài khoản, chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm trực tuyến, thanh toán tiền vay/thẻ tín dụng… và mới đây tiếp tục được bổ sung nhiều tính năng như chuyển tiền định kỳ, tính năng mở/khóa thẻ; thanh toán bằng mã QR, cá nhân hóa giao diện, ứng dụng công nghệ sinh trắc học (vân tay) để nâng cao độ bảo mật. Mặc dù ra đời sau nhưng Internet Banking và Mobile Banking đã đạt được tốc độ phát triển nhanh và đạt được quy mô tương đương với dịch vụ thẻ. Để mở rộng các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho các đối tượng khách hàng khác nhau, các tổ chức tín dụng tăng cường kết nối với các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc, điện lực, viễn thông, bảo hiểm xã hội, bệnh viện, trường học… để cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán phù hợp với nhu cầu và mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Dịch vụ tiết kiệm: Hệ thống TCTD hiện là kênh cung cấp dịch vụ tiết kiệm duy nhất của nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ tiết kiệm đa dạng hướng đến nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, kể cả khách hàng có khoản tiết kiệm giá trị rất nhỏ (từ 1.000 đồng). Khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ gửi tiền tiết kiệm thông qua nhiều kênh tại chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng, tại điểm giao dịch của tổ chức tài chính vi mô, gửi tiền tại máy ATM, gửi tiền trực tuyến, gửi tiền thông qua các tổ chức có liên kết với ngân hàng như bưu điện, gửi tiền tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn.
Dịch vụ tín dụng: Dịch vụ tín dụng được cung cấp theo các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng, bao thanh toán, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, phát hành thẻ tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Về mức độ tiếp cận tín dụng, tỷ lệ người trưởng thành có khoản vay tại các tổ chức tài chính của Việt Nam chưa cao và có nhiều khoản vay phải tiếp cận từ các dịch vụ tài chính phi chính thức (World Bank, 2021).
4. GIẢI PHÁP CHO NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ TÀI CHÍNH SỐ TRONG CÔNG CUỘC PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN
Nhà cung cấp dịch vụ cần phát triển các sản phẩm TCTD số hoá sáng tạo, có tính năng dẫn dắt
Thứ nhất, về nội dung thiết kế sản phẩm. Để thực sự kích thích nhu cầu của người tiêu dùng trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính số, các nhà cung cấp dịch vụ cần thiết kế được các sản phẩm tài chính số sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người tiêu dùng, vừa khai thác được nhu cầu tiềm năng của họ trong tương lai, để tài chính số đi vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của người tiêu dùng.
Sản phẩm, dịch vụ tài chính bao gồm sản phẩm lõi (mang lại những giá trị căn bản mà khách hàng mong muốn và tìm kiếm từ phía nhà cung ứng, loại sản phẩm này mất nhiều chi phí nhưng hiệu quả trong việc thu hút khách hàng không tương xứng với chi phí bỏ ra), sản phẩm mong đợi và sản phẩm bổ sung (phần tăng thêm vào sản phẩm cốt lõi những dịch vụ hay lợi ích khác giúp sản phẩm dịch vụ của ngân hàng hoàn thiện hơn, thoả mãn được nhiều hơn và cao hơn nhu cầu, mong muốn của khách hàng tạo ra nhiều giá trị trong việc thu hút khách hàng và tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho tổ chức cung cấp dịch vụ). Trong quá trình thiết kế sản phẩm, các nhà cung cấp dịch vụ cần tập trung nhiều vào các lớp sản phẩm bao quanh (sản phẩm mong đợi và sản phẩm bổ sung). Các nhà cung cấp sản phẩm cũng có thể thực hiện các nghiên cứu về hành vi khách hàng để nắm bắt được nhu cầu, đặc điểm, thói quen, sở thích của họ để làm cơ sở thiết kế sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Sản phẩm được thiết kế thành công không chỉ đáp ứng được nhu cầu hiện tại của khách hàng, mà còn có thể thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng của khách hàng trong tương lai. Việc thiết kế những sản phẩm có tính chất dẫn dắt như vậy sẽ có tác dụng trong việc tạo động lực, thói quen và thay đổi hành vi khách hàng trong việc sử dụng các giao dịch tài chính mà các sản phẩm có tính chất truyền thống không thể thực hiện được.
Thứ hai, về quy trình xây dựng và phát triển, thương mại hoá sản phẩm. Để thiết kế các sản phẩm tài chính số mang lại hiệu quả trong việc phủ sóng rộng rãi về mặt địa lý, các ngành nghề trong nền kinh tế, các đối tượng khách hàng với các thu nhập khác nhau mà vẫn đảm bảo mức chi phí hợp lý, các tổ chức tài chính có thể lựa chọn những phương thức hợp tác bao gồm: Hợp tác với các công ty công nghệ/Fintech; hợp tác với các công ty viễn thông; hợp tác với các tập đoàn lớn của một ngành nghề cụ thể nào đó. Việc hợp tác với một bên thứ ba có những lợi thế riêng giúp các tổ chức tài chính tiếp cận với đa dạng đối tượng khách hàng hơn với mức chi phí thấp hơn, đồng thời các sản phẩm được thiết kế sẽ sát với mục đích giao dịch và tình trạng tài chính của khách hàng hơn.
Hợp tác với công ty công nghệ/Fintech: Để giải pháp này thành công cần một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch, nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo khuôn khổ pháp lý thử nghiệm, phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức trong thời gian tới.
Thứ hai, mở rộng cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng, cũng như giải được bài toán đầu tư quá lớn và rủi ro vào công nghệ của hệ thống ngân hàng. So với các nước trên thế giới và khu vực, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam mới tập trung chủ yếu vào phân khúc thanh toán (chiếm gần 60%). Ngân hàng có thể bắt tay với các công ty Fintech trong các lĩnh vực khác như tiết kiệm, đầu tư và tín dụng. Sự hợp tác của các công ty Fintech sẽ làm thay đổi và thúc đẩy các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống, mở rộng giao dịch trực tuyến thông qua Internet Banking, Mobile banking, mạng xã hội, ngân hàng không giấy…
Thứ ba, cần quy định về các loại dữ liệu cung cấp cho Fintech. Khi đưa sản phẩm vào ứng dụng, ngân hàng cũng cần giám sát các dữ liệu có được sử dụng đúng mục đích, đồng thời phải có chính sách bảo mật thông tin khách hàng. Với các doanh nghiệp Fintech, cần quan tâm đến khía cạnh bảo mật ngay từ khi đưa ra ý tưởng, thực hiện song song giữa sáng tạo và tăng cường bảo mật cho giao dịch của khách hàng.
Nhà cung cấp hợp tác với các công ty viễn thông chính là các nhà vận hành mạng di động
(MNO - Mobile Network operators). Đối với MNO, các dịch vụ giao dịch tiền qua điện thoại di động khi mới bắt đầu được coi như là sản phẩm bổ sung của sản phẩm lõi là kinh doanh viễn thông. Các công ty này thường tận dụng mạng lưới cơ sở hạ tầng về truyền thông có sẵn, mạng lưới các đại lý, các mối quan hệ hợp đồng có sẵn với các khách hàng, tương tác với khách hàng thông qua điện thoại di động để cung cấp dịch vụ. Hiện nay, tại Việt Nam, các công ty viễn thông cũng được phép và tự mình phát triển các phần mềm, ứng dụng thanh toán trên các thiết bị điện thoại thông minh. Tuy nhiên, dịch vụ mà các công ty này cung cấp còn nghèo nàn, chỉ là dịch vụ thanh toán, chuyển khoản, trong khi đó lợi thế của các công ty viễn thông là có một hệ thống cơ sở khách hàng cực lớn và sở hữu thông tin giao dịch của khách hàng trong thời gian dài. Ví dụ: Qquity Bank đã triển khai ở Ken-ya thành công trong dự án có tên Equitel My Money, triển khai một nhà vận hành mạng di động ảo.2 Nếu các ngân hàng có thể hợp tác với các công ty này, số lượng các dịch vụ tài chính cung cấp cho khách hàng sẽ đa dạng hơn bao gồm tín dụng, bảo hiểm, tiết kiệm và ngân hàng sẽ tiếp cận được với lượng khách hàng khổng lồ với chi phí thấp.
Hợp tác với các tập đoàn lớn của một ngành nghề cụ thể. Tương tự như các công ty viễn thông, các doanh nghiệp lớn trong một lĩnh vực ngành nghề sở hữu một khối lượng lớn khách hàng với các thông tin về lịch sử giao dịch của họ. Việc liên kết với họ giúp các ngân hàng nắm bắt được tần suất giao dịch, số tiền giao dịch và nhu cầu giao dịch của khách hàng trong lĩnh vực đó, từ đó, thiết kế được các sản phẩm đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của một nhóm đối tượng khách hàng cụ thể.
Ví dụ, nếu các ngân hàng liên kết với các công ty điện lực, khi đó, các ngân hàng được phép biết được thông tin của khách hàng về các hoá đơn tiền điện hàng tháng và thông tin đó được hiển thị ngay trên app của ngân hàng khi có các hoá đơn phải nộp để nhắc báo khách hàng nộp tiền điện. Khi đó, khách hàng chỉ cần 1 cú click chuột là hoàn thành việc thanh toán hoá đơn. Ví dụ, tại Pa-kistan, công ty dịch vụ tài chính Telenor Easypaisa hợp tác với công ty Nestlé để thiết lập một tài khoản tiền di động (mobile money accounts) và nhận được các khoản thanh toán thường xuyên của 15.000 nông dân - những người bán sữa cho công ty Nestlé.3
(2) Nhà cung cấp dịch vụ xây dựng các quy định nội bộ về giao dịch các sản phẩm tài chính số hoá
Sự phát triển nhanh của các dịch vụ tài chính số hoá sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện thành công. Ở các quốc gia mới ở giai đoạn đầu của quá trình số hoá thì quá trình các giao dịch tài chính được số hoá nhanh hay chậm, thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của các bên trong các giao dịch này. Đối với người tiêu dùng, để gia tăng niềm tin và kích thích họ sử dụng các giao dịch tài chính số hoá, một số vấn đề quan trọng nhà cung cấp dịch vụ cần đảm bảo được với khách hàng bao gồm:
Đảm bảo tính an toàn trong các giao dịch và tính bảo mật về thông tin khách hàng. Theo các nguyên tắc cấp cao của G20 về các nguyên tắc cho TCTD số hoá, khi cung cấp các dịch vụ tài chính số hoá trong chiến lược phát triển TCTD cần có một cách tiếp cận toàn diện tới khách hàng và bảo vệ dữ liệu khách hàng. Một khung bảo vệ người tiêu dùng tài chính và bảo vệ dữ liệu của khách hàng mạnh là yếu tố quan trọng xây dựng niềm tin và sự tự tin của khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính số hoá, đặc biệt đối với những khách hàng có kiến thức tài chính hạn chế. Ví dụ, thiết kế khung bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính số hoá để giải quyết các rủi ro cụ thể của môi trường kỹ thuật số, thống kê các dữ liệu liên quan phản ánh hành vi của người tiêu dùng và các yếu tố hỗ trợ thực hiện các giao dịch tài chính số (hotline cho người tiêu dùng miễn phí, diễn đàn trực tuyến).
Đảm bảo sự công khai và minh bạch thông tin cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch số hoá. Phát triển những chuẩn mực đối với các dịch vụ tài chính số hoá bao gồm: (i) rõ ràng, đơn giản, thông tin về các điều khoản và điều kiện của dịch vụ được công khai và có thể so sánh; (ii) báo cáo tài khoản định kỳ hiển thị các giao dịch và phí; (iii) đường dây nóng khách hàng miễn phí; (iv) thủ tục và trách nhiệm đối với các giao dịch trái phép hoặc nhầm lẫn và ngừng hoạt động hệ thống; (v) thực hành cho vay và đòi nợ có trách nhiệm và công bằng; (vi) hướng dẫn của người tiêu dùng về cách sử dụng dịch vụ tài chính kỹ thuật số cũng như các biện pháp bảo vệ an ninh để bảo vệ chống lại việc sử dụng trái phép, tiết lộ, sửa đổi và phá hủy dữ liệu cá nhân; (vii) chi tiết liên hệ của chính phủ cho các truy vấn của người tiêu dùng (như số điện thoại và trang web).
Đảm bảo có cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả cho các giao dịch số hoá. Đảm bảo rằng cơ chế giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng có thể tiếp cận dễ dàng, dễ hiểu và miễn phí, đặc biệt việc tiếp cận có thể được thực hiện từ xa. Ví dụ như tổng đài tư vấn qua điện thoại, website của tổ chức hoặc truyền thông xã hội. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần chỉ rõ cho khách hàng bên thứ ba có thẩm quyền để giải quyết các tranh chấp giữa hai bên. Bởi trong mối quan hệ với tổ chức tài chính, khách hàng thường là đối tượng yếu thế hơn khi tranh chấp xảy ra. Do đó, việc có một bên thứ ba vừa là giám sát, vừa làm trọng tài sẽ khiến người tiêu dùng tự tin khi thực hiện các giao dịch số.
Kết luận
Rõ ràng, sự phát triển tài chính số đã đóng góp rất lớn vào sự phủ sóng các dịch vụ tài chính tới người tiêu dùng. Để có thể tiếp tục phát triển tài chính toàn diện với sự giúp sức của nhà cung ứng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam hiện nay, cần áp dụng một số giải pháp như giải pháp liên quan đến nội dung thiết kế sản phẩm, quy trình xây dựng và phát triển, thương mại hoá sản phẩm. Bên cạnh đó, các giải pháp liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính như đảm bảo tính an toàn trong các giao dịch và tính bảo mật về thông tin khách hàng, cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả cho các giao dịch số hoá cũng vô cùng quan trọng trong công cuộc phát triển tài chính số, góp phần thúc đẩy nhà cung ứng dịch vụ tài chính số phát triển
CHÚ THÍCH:
1 Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2 Xem: https://www.itu.int/dms_pub/itu-d/opb/pref/D-PREF-BB.REG_OUT02-2016-PDF-E.pdf
3 Xem Easypaisa and Nestlé Launch Payments Mechanism for Dairy Farmers, Pro Pakistan, 12 April 2016: http:// propakistani.pk/2016/04/12/easypaisa-and-nestle-launch-payments-mechanism-for-dairy-farmers/
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Barbesino, P., Camerani, R., & Gaudino, A. (2005). Digital finance in Europe: Competitive dynamics and online behaviour. Journal of Financial Services Marketing, 9(4), 329e343.
- CGAP. Consultative Group to Assist the Poor. Available at: http://www.cgap. org/topics/digital-financial-services Accessed 9 November 2017.
- Gomber, P., Koch, J. A., & Siering, M. (2017). Digital finance and FinTech: Current research and future research directions. Journal of Business Eco- nomics, 67(5), 537e580.
- Manyika, J., Lund, S., Singer, M., White, O., & Berry, C. (2016). Digital finance for all: Powering inclusive growth in emerging economies. USA: McKinsey Global Institute. September.
- United Nations. (2016). Digital financial inclusion. international telecommunication union, issue brief series, inter-agency task force on financing for development, July.
- World Bank. (2014). Digital finance: Empowering the poor via new technologies, April 10. Available at: http://www.worldbank.org/en/news/feature/ 2014/04/10/digital-finance-empowering-poor-new-technologies. (Accessed 10 November 2017)
- World Bank Group (2022), Global Financial Inclusion (Global Findex) Database). Available at: https://openknowledge.worldbank.org/entities/publication/4be9972a-3b1d-5db8-8534-6a885e7bb7bb
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 17 năm 2023