Các Hiệp hội ngành, nghề

Thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến

Uyên Tô 26/11/2024 - 16:24

Thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh doanh số, nắm bắt và phản hồi nhanh đối với nhu cầu thị trường, thoát khỏi giới hạn của thị trường về quy mô, mùa vụ...

Ngày 26/11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 với chủ đề "Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt” với mục tiêu đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển đầy tự hào của thương mại điện tử. Riêng năm 2023, quy mô thương mại điện tử đã đạt 20,5 tỷ USD, quy mô kinh tế số đạt 30 tỷ USD, nằm trong top 3 Đông Nam Á và dự kiến đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Báo cáo từ Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%.

Đáng nói, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, qua khảo sát 53% doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử có 47% sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây dựng. Ngoài ra, 60% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử chiếm 10 - 30%. Thị trường phổ biến ứng dụng thương mại điện tử cho hoạt động xuất khẩu phải kể tới là Hàn Quốc chiếm 45%; Nhật Bản 40%, Trung Quốc 38%...

Thực tế thời gian qua, thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh doanh số. Trung bình số lượng nhà mua hàng các sản phẩm Việt Nam đã tăng 55%; số lượng sản phẩm của Việt Nam có mặt trên nền tảng tăng 24%.

Bên cạnh đó, nền tảng này còn giúp doanh nghiệp nắm bắt và phản hồi nhanh đối với nhu cầu thị trường; thoát khỏi giới hạn của thị trường về quy mô, mùa vụ; cũng như xây dựng và nâng cao nhận diện thương hiệu ở thị trường nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khác.

Trao đổi tại sự kiện, ông Yap Kwong Weng, CEO Superport Việt Nam nhận định, hoạt động thương mại của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng trong 5 năm tới nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các khoản đầu tư công, tạo ra triển vọng tích cực cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng hoạt động trên nền tảng số.

Đại diện Sở Thương mại Vân Nam, Trung Quốc, ông Liu Liang - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam Trung Quốc - đánh giá: "Những năm gần đây, Việt Nam đã có sự phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm vượt 25%. Việt Nam có một lượng lớn người tiêu dùng trẻ, nhu cầu mua sắm trực tuyến quốc tế mạnh mẽ, điều này tạo mối quan hệ bổ trợ tự nhiên với thị trường Trung Quốc...".

Tuy nhiên, thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn gặp không ít những thách thức. Bà Lê Hoàng Oanh chỉ ra những thách thức chính, bao gồm các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn tình trạng trốn thuế, buôn lậu, bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài...

b5afd67f4dc7f699afd6.jpg

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán giữ chi phí logistics thấp và giao hàng đúng hạn, khó khăn trong việc nắm vững quy định pháp luật của thị trường đích, rào cản ngôn ngữ, yêu cầu cung cấp dịch vụ khách hàng thời gian thực...

Trong bối cảnh đó, để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới bền vững, bà Lê Hoàng Oanh cho rằng, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thương mại điện tử xuyên biên giới (Luật Thương mại điện tử, Nghị định Quản lý xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử), tăng cường quản lý hàng qua xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử chuyển phát nhanh, kết nối khai báo thuế cho thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ngoài ra, cần ban hành, thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia 2026 - 2030 tập trung phát triển, tối ưu hóa hệ thống logistics, thanh toán phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) - cho biết, một nền tảng thương mại điện tử hoạt động cần rất nhiều sàn. Để lên sàn kinh doanh được có nhiều vấn đề, như tiếp thị, quản lý giao hàng đảm bảo vượt trội… VNPost xác định định hướng xây dựng nền tảng số dựa trên lợi thế hạ tầng về logistics phục vụ tổ chức phân phối hàng hoá từ nhà sản xuất đến hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng.

Dưới góc nhìn của một đối tác thương mại, ông Liu Liang đề xuất: Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới logistics kho bãi, xây dựng thêm kho ngoại quan và trung tâm phân loại, đảm bảo hàng hóa Việt Nam thông quan nhanh chóng; thông qua dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực hiện phân tích thị trường chính xác, giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thương mại điện tử có tầm nhìn quốc tế...

Uyên Tô