VN-Index tăng hơn 7 điểm dù hạ nhiệt cuối phiên
Dù hạ nhiệt về cuối phiên do áp lực chốt lời song VN-Index vẫn ghi nhận phiên tăng hơn 7 điểm, vượt ngưỡng kháng cự 1.240 với thanh khoản khởi sắc.
Nối tiếp nhịp hồi phục của thị trường, mở phiên tăng mạnh và dễ dàng bật qua ngưỡng kháng cự 1.240 nhờ lực cầu vẫn tiếp tục duy trì tập trung ở nhóm các ngân hàng quốc doanh như VCB và BID. Đến giữa phiên, các nhóm ngành khác như công nghệ thông tin (FPT), bán lẻ (MSN) và điện (POW) đều đồng loạt tăng với thanh khoản cải thiện.
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành ghi nhận thu hút lực cầu với biên độ tăng điểm tốt như bất động sản (NHA, DXG, NLG), chứng khoán (VIX, HCM) đóng góp tích cực vào chỉ số chung.
Bước sang phiên chiều, áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện khiến VN-Index thu hẹp biên độ tăng, tuy nhiên mốc 1.240 vẫn được giữ vững. Dòng tiền cho thấy dấu hiệu suy yếu so với phiên sáng khi các cổ phiếu ngành bất động sản và dầu khí với đại diện là VHM và PLX đều bị bán chốt lời. Chỉ số tiếp tục lình xình đi ngang đến giữa phiên. Nửa cuối phiên đa số các cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán và thép đều không giữ được đà tăng như trong phiên sáng.
Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về phía tích cực với 12/19 nhóm ngành tăng điểm, ngoại trừ các nhóm ngành: viễn thông, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, dầu khí, bảo hiểm, du lịch, ô tô và linh kiện phu tùng, truyền thông.
VCB, BID và FPT là 3 mã đóng góp nhiều nhất cho thị trường hôm nay, trong đó VCB đóng góp 1,5 điểm tích cực. Kết phiên , VCB tăng 1,2%, khớp lệnh 1,76 triệu đơn vị, BID tăng 1,54 và FPT tăng 0,97%. Ở chiều ngược lại. HVN giảm 2,67%, VHM giảm 0,7 và VTP giảm 4,06 là 3 mã tác động tiêu cực nhất tới chỉ số chung.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là điểm nhấn trong phiên hôm nay, với các mã ngành xây dựng, bất động sản EVG, NHA, QCG, KHG chạm giá trần.
Thanh khoản khởi sắc đạt ngưỡng trung bình 20 phiên, giá trị giao dịch cả 3 sản đạt khoảng 14.830 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi khối này duy trì đà mua ròng sang phiên thứ ba liên tiếp. Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 253 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung mua các mã FPT, DPM, MSN. Ở chiều ngược lại, PNJ, DGC và VCB là 3 mã bị bán mạnh nhất.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 7,43 điểm (+0,60%), lên 1.242,13 điểm với 290 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 575,1 triệu đơn vị, giá trị đạt 13.299 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 71,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.072 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 1,45 điểm (+0,65%), lên 223,70 điểm, với 104 mã tăng và 53 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 812 tỷ đồng, tăng 13% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.346 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,26%), lên 92,06 điểm với 186 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 719 tỷ đồng, tăng 82% về khối lượng và 129% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 390 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng điểm, với VN30F2412 tăng 8,6 điểm, tương đương 0,66% lên 1.307,00 điểm, khớp lệnh hơn 195.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 54.200 đơn vị.
Nhận định về thị trường hôm nay, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, tâm lý thị trường chung đã cởi mở hơn, không còn lo lắng bán mạnh khi VN Index chạm tới các ngưỡng kháng cự.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng những nhịp rung lắc trong các phiên tiếp theo để giải ngân từng phần với mục tiêu T+ đối với những mã có tín hiệu đi lên từ nền tích lũy/vùng hỗ trợ với lực cầu ổn định, hạn chế những mã đang ở vùng đỉnh hoặc kháng cự có tín hiệu chốt lời gia tăng. Một số nhóm ngành ưu tiên chọn lọc cổ phiếu bao gồm bất động sản, ngân hàng, phân đạm-hóa chất, chứng khoán.