Xu hướng tích lũy hình thành, thị trường giao dịch ảm đạm
Sau chuỗi phiên tăng điểm khá ấn tượng vừa qua, tâm lý thận trọng quan sát quay trở lại khiến thị trường có phiên giao dịch khá ảm đạm. Tuy vậy, vẫn có lực cầu giải ngân tại một số cổ phiếu blue-chips giúp VN-Index giữ được cân bằng.
Sau nhịp hồi tốt vừa qua, động lực thị trường sang phiên hôm nay (ngày 27/11) đã có phần chững lại với sự xuất hiện của các nhịp rung lắc, trồi sụt quanh mốc tham chiếu. Diễn biến điều chỉnh lan tỏa diện rộng và sắc đỏ bắt đầu chiếm ưu thế trong bối cảnh dòng tiền duy trì ở mức lấp.
Đến giữa phiên, cổ phiếu ngành công nghệ thông tin với FPT bật tăng mạnh gần 3% nhờ những thông tin tích cực ngắn hạn. Thanh khoản yếu với đa số các nhóm ngành trong VN30 và chỉ tập trung ở một số nhóm ngành với những thông tin tích cực như công nghệ thông tin (FPT) và điện (POW).
Bước sang phiên chiều, dòng tiền cho thấy dấu hiệu suy yếu so với phiên sáng khi đa số các cổ phiếu ngân hàng đều giảm nhẹ. Thị trường tiếp tục lình xình đi ngang, tăng giảm, với biên độ nhẹ cho đến cuối phiên.
FPT là cái tên sáng nhất trên bảng điện tử hôm nay với mức đóng góp hơn 1,3 điểm cho VN-Index. Kết phiên, mã này tăng 2,74% với hơn 9,8 triệu đơn vị khớp lệnh. FPT cũng là mã tăng mạnh nhất nhóm VN30 hôm nay.
Ở chiều ngược lại, hai mã họ nhà Vingroup là VHM và VIC là hai mã kéo lùi chỉ số nhiều nhất. Đóng cửa, VHM giảm 1,18% và VIC giảm 0,17%.
Thanh khoản lại quay đầu suy yếu xuống mức thấp hơn trung bình 20 phiên, giá trị giao dịch cả 3 sàn chỉ đạt khoảng 12.730 tỷ đồng.
Khối ngoại duy trì đà mua ròng sang phiên thứ tư liên tiếp. Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 359 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung mua các mã FPT, MSN, VNM. Ở chiều ngược lại, HPC, DCM và VRE là 3 mã bị bán mạnh nhất.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 0,16 điểm (-0,01%), xuống 1.241,97 điểm, với 124 mã tăng và 237 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 428,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 11.356 tỷ đồng, giảm 25% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 62,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.092 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,61 điểm (-0,27%), xuống 223,09 điểm, với 59 mã tăng và 88 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 570 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 23,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.601 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,10 điểm (-0,11%), xuống 91,96 điểm với 151 mã tăng và 105 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43 triệu đơn vị, giá trị đạt 806 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 18,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 489 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, VN30F2412 tăng 0,8 điểm, tương đương 0,06% lên 1.307,80 điểm, khớp lệnh hơn 143.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 60.900 đơn vị. Ngoài ra, VN30F2501 cũng tăng điểm, trong khi VN30F2503 và VN30F2506 quay đầu giảm.
Với diễn biến giao dịch giai đoạn hiện tại, CTCK VPS đánh giá, cung – cầu trên thị trường đang cho thấy dấu hiệu ổn định trở lại khi khối ngoại đã tạm ngưng bán ròng ở cường độ cao, các cổ phiếu riêng lẻ và cổ phiếu cơ bản tốt bật tăng tích cực từ vùng đáy ngắn hạn mở ra kỳ vọng bứt phá khỏi nền tích lũy. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tận dụng nhịp hồi của thị trường nhằm cơ cấu danh mục theo hướng đầu tư tập trung, ưu tiên duy trì vị thế nắm giữ đối với các cổ phiếu cơ bản, có tiềm năng tăng trương trong quý IV/2024 và quý I/2025.