Câu lạc bộ Xử lý nợ tổ chức thành công Hội nghị Nhiệm kỳ III, đại diện VAMC được tín nhiệm tái đắc cử chủ nhiệm
Ngày 28/11/2024, sau buổi chiều làm việc sôi nổi, khẩn trương và hiệu quả, Câu lạc bộ Xử lý nợ (Câu lạc bộ AMC) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Nhiệm kỳ III (2024-2026), bầu và ra mắt Ban Chủ nhiệm mới.
Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước; ông Đỗ Giang Nam, Thành viên HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Chủ nhiệm Câu lạc bộ AMC và đại diện các thành viên Câu lạc bộ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Giang Nam cho biết: Câu lạc bộ AMC ra đời theo Quyết định số 35/QĐ-HHNH ngày 17/9/2020 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Nhiệm kỳ 2022-2024 là nhiệm kỳ thứ hai Câu lạc bộ AMC chính thức đi vào hoạt động. Ngay từ những tháng đầu nhiệm kỳ II, Câu lạc bộ đã xây dựng các Kế hoạch hoạt động cụ thể, giao các đơn vị đầu mối triển khai theo kế hoạch; đẩy mạnh triển khai các hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra.
“Trải qua 2 nhiệm kỳ hoạt động và phát triển, Câu lạc bộ AMC đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hội nghị Câu lạc bộ AMC lần này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những kết quả, đóng góp trong việc thực hiện mục tiêu đề ra, mà quan trọng hơn là từ những kết quả, bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua, chúng ta sẽ cùng thảo luận và đề ra phương hướng, giải pháp triển khai trong nhiệm kỳ III tới”, ông Đỗ Giang Nam nhấn mạnh.
Một số kết quả nổi bật của CLB AMC nhiệm kỳ II
Báo cáo tổng kết hoạt động của Câu lạc bộ AMC chỉ rõ, được sự chỉ đạo, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ AMC đã đạt hiệu quả tích cực, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên và cải thiện khả năng hợp tác giữa các tổ chức trong ngành; nhận được sự phản hồi tích cực của các hội viên về sự minh bạch và kịp thời của thông tin được chia sẻ, giúp hội viên chủ động trong các chiến lược xử lý nợ của đơn vị mình, góp phần thúc đẩy chất lượng xử lý nợ và xây dựng thị trường mua bán nợ minh bạch và lành mạnh. Thông qua việc tăng cường trao đổi thông tin hàng hóa trên thị trường mua, bán nợ; vận động, khuyến khích các TCTD, các công ty mua bán nợ tham gia sàn giao dịch nợ VAMC và khai thác thông tin, sử dụng dịch vụ của sàn, Câu lạc bộ AMC góp phần tạo lập, phát triển thị trường mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp và hiệu quả; kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các thành viên với Sàn giao dịch nợ VAMC.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ tích cực tham gia góp ý cơ chế chính sách, góp phần hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu tại Việt Nam như: Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và các Thông tư liên quan đến quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và của VAMC.
Câu lạc bộ còn thường xuyên trao đổi, cập nhật về chính sách, pháp luật và các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ xử lý nợ, phát triển thị trường mua, bán nợ tới các hội viên; nắm bắt và tổng hợp, phản ánh khó khăn, vướng mắc của các hội viên để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ qua hệ thống các văn bản; hay trực tiếp phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền thông qua việc tham dự phát biểu ý kiến tại các toạ đàm, hội thảo.
Câu lạc bộ cũng trực tiếp tổ chức thành công nhiều hội nghị, tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động mua, bán và xử lý nợ; đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động của Câu lạc bộ và các hội viên thông qua các kênh truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng như Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, Trang tin điện tử Hiệp hội Ngân hàng… và các đơn vị báo chí, truyền thông trong và ngoài ngành.
Công tác truyền thông nội bộ tại các đơn vị hội viên cũng được đẩy mạnh thông qua việc chủ động chia sẻ thông tin về hoạt động của Câu lạc bộ trên các kênh truyền thông của mình; duy trì trao đổi thông tin nhóm trên mạng xã hội, đảm bảo tất cả hội viên có thể cập nhật và trao đổi thông tin kịp thời, từ đó thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ và hiệu quả giữa các thành viên.
Câu lạc bộ cũng chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức mua, bán và xử lý nợ trong và ngoài nước, nhằm mở rộng phạm vi hoạt động và nâng cao năng lực xử lý nợ của các hội viên; thúc đẩy các mối quan hệ quốc tế và tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các kinh nghiệm và mô hình xử lý nợ tiên tiến từ các thị trường quốc tế. Cùng với đó là việc mở rộng và kết nạp hội viên liên kết là tổ chức nước ngoài, có hoạt động và kinh nghiệm trong công tác mua, bán nợ, bao gồm 2 thành viên OK DTC và Welcome DTC.
Kể từ thời điểm chính thức ra đời theo Quyết định số 35/QĐ-HHNH của Hiệp hội Ngân hàng ngày 17/9/2020, tới nay, Câu lạc bộ có 23 thành viên gồm: VAMC; 20 Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (các AMC) của 20 tổ chức tín dụng và 2 hội viên liên kết. Thời gian gần đây, Câu lạc bộ cũng đang xem xét đề nghị gia nhập của một số tổ chức, cá nhân quan tâm, có nhu cầu.
Phát huy hơn nữa vai trò trong tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động mua, bán và xử lý nợ
Về phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới, Câu lạc bộ xác định tiếp tục phát huy vai trò trong việc tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động mua, bán và xử lý nợ thông qua tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm… Thường xuyên cập nhập tới hội viên các cơ chế, chính sách mới có tác động tới hoạt động xử lý nợ; thông tin mới liên quan đến sự phát triển của thị trường mua bán nợ theo hình thức phù hợp. Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn theo từng chủ đề hội viên quan tâm.
Song song với đó, Câu lạc bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia góp ý cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xử lý nợ, góp phần thúc đẩy môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của hội viên. Tăng cường kết nối, hỗ trợ các hội viên trong hoạt động mua bán, xử lý nợ; nâng cao vị thế, tiếng nói của Câu lạc bộ, hội viên đối với xã hội.
Đồng thời, góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường mua, bán nợ tại Việt Nam thông qua việc tăng cường sự trao đổi hàng hóa trên thị trường mua, bán nợ; tham gia thúc đẩy phát triển thị trường mua, bán nợ xấu tập trung, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm.
Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức mua, bán và xử lý nợ trong và ngoài nước.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, theo đó chú trọng tối ưu hóa các nền tảng thông tin và kết nối nội bộ, bao gồm cập nhật website chính thức và tạo thêm kênh truyền thông trên mạng xã hội, giữ mối liên hệ thường xuyên với cơ quan báo chí uy tín trong ngành và tham gia truyền thông chủ động ra ngoài xã hội.
Xây dựng và phát triển Câu lạc bộ AMC theo hướng mở rộng thành phần hội viên, khuyến khích các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xử lý nợ xấu tham gia vào Câu lạc bộ. Trong đó, tiếp tục ưu tiên kết nạp các Hội viên là các AMC của các ngân hàng thương mại.
Nghiên cứu hoàn thiện các quy định nội bộ để phù hợp với tình hình thực tiễn đồng thời tích cực tham dự các hội nghị, tọa đàm liên quan đến lĩnh vực xử lý nợ do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các đơn vị khác tổ chức.
Những đánh giá khách quan và kỳ vọng vào sự thay đổi về chất trong nhiệm kỳ mới
Tại Hội nghị, cơ bản đồng tình với các nội dung nêu trong báo cáo, nhiều ý kiến của đại diện các tổ chức hội viên cũng rất tâm huyết, thẳng thắn chỉ rõ các mặt làm được và tồn tại của Câu lạc bộ, trong đó có các vấn đề về khung quy định hiện tại của Câu lạc bộ, đối tượng tham gia cũng như chức năng, nhiệm vụ của Câu lạc bộ, biến động nhân sự tại các hội viên, cùng khối lượng và áp lực công việc nội bộ phần nào ảnh hưởng tới sự tham gia vào các hoạt động chung...
Đáng chú ý, tại Hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng thuận với đề nghị mở rộng đối tượng tham gia Câu lạc bộ, không chỉ AMC của các ngân hàng thương mại mà cả các trung tâm, khối xử lý nợ của các ngân hàng, bởi mạng lưới càng rộng, tiếng nói trong thị trường càng lớn.
Sau phần thảo luận sôi nổi, Hội nghị đã tiến hành bầu Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ III (2024-2026). Theo đó, với sự nhất trí cao, Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ mới gồm 5 đại diện tới từ Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank AMC), Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Quân đội (MB AMC), Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank AMC); Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB AMC). VAMC tiếp tục được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao sự nỗ lực của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ và Câu lạc bộ AMC trong việc đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Bà Lan bày tỏ hy vọng, thời gian tới, Câu lạc bộ AMC sẽ tiếp tục phát huy được những kết quả đã đạt được, đáp ứng được kỳ vọng của các hội viên, góp phần vào thành công chung của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đồng thời tiếp tục đóng góp các ý kiến tích cực cho Ngân hàng Nhà nước đối với các hoạt động xử lý nợ xấu.
Theo bà Lan chia sẻ, đối với ngành Ngân hàng, công tác xử lý nợ xấu đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian thí điểm Nghị quyết 42 không dài, tuy nhiên đã đóng góp quan trọng cho ngành Ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu. Tại hội nghị với Thủ tướng Chính phủ mới đây, các ngân hàng thương mại đã kiến nghị về một số bất cập trong quá trình xử lý nợ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các kiến nghị trên để báo cáo với Thủ tướng.
Ngày 25/11 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng đã ký văn bản kiến nghị với Văn phòng Chính phủ về 3 nội dung liên quan tới thu giữ tài sản; kê biên tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và vụ việc hành chính; kê biên tài sản bảo đảm trong thi hành án. Đây là 3 nội dung đã được quy định tại Nghị quyết 42 nhưng chưa được luật hóa, vì vậy, việc xử lý nợ liên quan đến các nội dung này từ ngày 1/7/2024 và trong thời gian tới dự báo sẽ gặp khó khăn.
Cũng theo bà Lan, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, công tác xử lý nợ xấu rất quan trọng và cần thiết nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% vào năm 2025.
Để thực hiện được mục tiêu trên, bên cạnh tạo ra cơ chế chính sách, sự tham gia góp ý của các TCTD cũng rất quan trọng, bởi đây là những phản ánh từ thực tiễn, giúp các cơ quan quản lý hoàn thiện chính sách và đưa chính sách đi vào cuộc sống.
“Xử lý nợ xấu còn nhằm tháo gỡ được các điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực, tạo dựng thêm nguồn vốn để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cung ứng vốn cho doanh nghiệp và cho người dân”, bà Lan nhấn mạnh.
Nhân dịp này, bà Lan cũng làm rõ một số nội dung được đưa ra tại hội nghị, liên quan đến việc: nắm giữ tài sản, hoạt động AMC của một số NHTM Nhà nước,…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng thay mặt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chúc mừng Ban Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ mới đã giành được sự tín nhiệm của các tổ chức hội viên.
“Đây là vinh dự, cũng là trách nhiệm. Thời gian tới, Câu lạc bộ Xử lý nợ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ các tổ chức hội viên”, ông Hùng nói.
Sau khi lắng nghe các báo cáo, các ý kiến góp ý tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng đã thẳng thắn đánh giá về một số tồn tại của Câu lạc bộ AMC trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng thời cho rằng, hoạt động của Câu lạc bộ cần phải đi vào thực chất hơn nữa trong nhiệm kỳ tới để phát huy được vai trò quan trọng của mình.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng công tác phổ biến, truyền thông đối với các hoạt động mua bán nợ, do đó, Câu lạc bộ AMC cần nỗ lực điều chỉnh, tích cực hơn nữa.
“Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ là chỗ dựa cho Câu lạc bộ AMC và Câu lạc bộ AMC sẽ là chỗ dựa cho các hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD”, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký đề nghị Câu lạc bộ AMC tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát quy chế, điều lệ hoạt động và quy chế tài chính của Câu lạc bộ; Phân công nhiệm vụ rõ ràng cho Ban Chủ nhiệm; Thường xuyên kết nối các thành viên Câu lạc bộ; Chủ động tham gia phản biện cơ chế chính sách; Phối hợp với các kênh truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng (Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Website VNBA) nhằm tăng cường công tác truyền thông; Tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo; Chủ động phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các Câu lạc bộ trực thuộc để tổ chức các hội thảo, tọa đàm. Ngoài ra, cần đa dạng các hoạt động, tăng cường giao lưu thể thao, văn hóa nhằm gắn kết các thành viên.
Đối với các hội viên tham gia Câu lạc bộ, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị cần tham gia hoạt động một cách trách nhiệm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ. Các ban chuyên môn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc hoạt động của Câu lạc bộ.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng, Câu lạc bộ AMC sẽ hoạt động hiệu quả hơn nữa trong nhiệm kỳ tới, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các hội viên.
“Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ luôn chia sẻ, đồng hành, phối hợp, hỗ trợ các hoạt động của Câu lạc bộ trong thời gian tới”, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.