Kinh doanh cá cược: Nhà nước đang mất một nguồn thu thuế
Hơn 7 năm Nghị định 06/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế có hiệu lực, đến nay mới chỉ có một nhà đầu tư kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép. Thực tế việc cá cược vẫn đang diễn ra và một lượng lớn nguồn tiền từ hoạt động cá cược đang chảy ra nước ngoài, kéo theo khoản thất thu thuế khá lớn…
Cơ hội của quốc gia đứng thứ 4 các nước châu Á đang phát triển về kinh doanh cá cược
Chiều ngày 28/11, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (VAFIE)/ Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 /2017/NĐ-CP Về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế (Nghị định 06)".
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VAFIE cho hay kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế là xu thế chung và phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Hiện tổng doanh thu toàn cầu của ngành này lên tới hàng trăm tỷ USD.
Tại Việt Nam, từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển ngành kinh doanh này. Tuy nhiên, đến nay Nghị định 06 vẫn chưa đi vào cuộc sống, dẫn đến một số hệ lụy tiêu cực về kinh tế - xã hội.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thông tin: “Thế giới hiện nay ghi nhận doanh số các trò chơi, hoạt động liên quan đến cá cược là 70 tỷ USD, dự báo tăng lên 141 tỷ USD đến năm 2030. Tốc độ tăng trưởng là 11,5%/năm. Thị trường Việt Nam khá tiềm năng, một công ty từ Anh đánh giá doanh thu cá cược Việt Nam (khu vực chính thức và không chính thức) tương đương 3-5% GDP…”.
Cùng với cơ hội, thách thức lớn nhất được TS. Cấn Văn Lực chỉ ra là câu chuyện pháp lý khi Việt Nam quản lý tương đối chặt. Thứ hai là tính bảo mật; Thứ ba là tính ảnh hưởng đến xã hội, quản lý không tốt gây ra nghiện, lừa đảo, tác động tiêu cực đến xã hội.
“Chúng ta vẫn coi cờ bạc là xấu. Thực tiễn, đây là nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần và du lịch...”, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, đồng thời cho biết, kinh nghiệm từ quốc tế, qua khảo sát 5 nước, cho thấy: Thứ nhất, đây là hoạt động đem lại doanh thu ngày càng lớn, đóng góp quan trọng cho du lịch, giải trí. Thứ hai, các nước thường áp dụng giai đoạn thử nghiệm (từ 3-5 năm) và chính thức. Thứ ba, các nước có quy định tương đối chặt chẽ như giới hạn số lượng doanh nghiệp được tham gia và quy định chặt chẽ người chơi (có nước quy định trên 18 tuổi hoặc 21 tuổi). Thứ tư, về hình thức đặt cược, các nước cho áp dụng cả trực tiếp và trực tuyến.
“Chúng ta nên cho phép thực hiện trực tuyến và nghĩ cách để quản lý thay vì cấm hoàn toàn’, TS. Lực đề xuất.
Đề cập nạn “cá độ”, “cờ bạc” bất hợp pháp len lỏi lôi kéo lượng lớn người tham gia, ông Hoàng Ngọc Nhất, Chủ tịch Công ty CP Thiên Phúc cho biết, theo tính toán của các nhà nghiên cứu trong ngoài nước, hàng năm có ít nhất 5-6 tỷ USD, nhiều nhất 9-10 tỷ USD tiêu tốn trên lĩnh vực này (nhiều nhất là cá độ bóng đá). “Lượng tiền này phần lớn là chảy ra nước ngoài. Nếu quản lý và kiểm soát được sẽ ngăn chặn sự tổn thất nguồn lực, tiền bạc và có thể thu được khoản thuế khá lớn…”, ông Nhất quả quyết.
Về việc sau 7 năm triển khai Nghị định 06 mới có 1 nhà đầu tư kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép, đua ngựa và bóng đá chưa có nhà đầu tư nào được cấp phép, Chủ tịch Công ty CP Thiên Phúc cho rằng: “Không phải không có nhà đầu tư, mà theo chúng tôi được biết, có rất nhiều nhà đầu tư mong muốn được đầu tư dự án, nhất là đặt cược bóng đá. Nhưng khi tiếp cận các quy định của Nghị định 06 họ thấy có nhiều vướng mắc pháp lý, có những điều bất hợp lý, khó làm và nếu có làm thì chắc chắn thua lỗ…”, đồng thời kiến nghị Chính phủ nên sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 06…
Cần ban hành Nghị định mới thay thế
Dẫn Điều 67a, Luật Thể dục, Thể thao 2018, GS,TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE khẳng định quy định kinh doanh đặt cược (đặt cược thể thao) đã được Luật hóa. Tuy nhiên, việc thực thi chưa nghiêm.
“Chúng tôi cho rằng, không thể chậm trễ hơn nữa việc Chính phủ ban hành Nghị định mới về đặt cược thể thao để thi hành Luật Thể dục, Thể thao 2018 theo hướng ứng dụng công nghệ số và tận dụng một số Trung tâm công nghệ thông tin nhằm hạn chế tình trạng cá cược phi phạm pháp, tạo thuận lợi cho các đối tác tham gia, làm lành mạnh hoá thi trường đầy tiềm năng này”, ông Mại đề nghị.
Theo Chủ tịch Công ty CP Thiên Phúc, ông Hoàng Ngọc Nhất, có 7 vấn đề các nhà đầu tư nêu ra ở Nghị định 06: Thứ nhất, về quy định năm đầu dự án chỉ được kinh doanh trong phạm vi 20 tỉnh thành, sau đó mới được mở rộng. Thứ hai, về quy định chỉ được sử dụng thiết bị đầu cuối để bán vé trong năm đầu, sau 1 năm mới được sử dụng điện thoại di động và công cụ Internet. Thứ ba, về danh mục thi đấu bóng đá quốc tế: phải là các trận đấu, giải thi đấu được liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) công bố và phê chuẩn, trong khi FIFA chỉ công bố giải đấu, trận đấu do FIFA tổ chức (rất ít) và không phê chuẩn danh mục trận đấu. Thứ tư, về quy định nhà đầu tư cam kết đóng góp ngân sách không thấp hơn 5% doanh thu. Thứ năm, về thời hạn thí điểm đặt cược bóng đá là 5 năm, rồi sau đó sẽ như thế nào? Thứ sáu, về đấu thầu: không nêu rõ là đấu thầu dự án, đấu thầu chọn nhà đầu tư hay đấu thầu giấy phép kinh doanh đặt cược. Thứ bảy, Bộ Tài chính được giao quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh đặt cược nhưng không quy định rõ việc tiếp nhận các nhà đầu tư, tiếp nhận hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đối với nhà đầu tư nước ngoài là do Bộ Tài chính hay Bộ KH&ĐT thụ lý và giải quyết.
“Dưới góc độ nghiên cứu pháp luật và nhà tư vấn pháp lý, hỗ trợ các nhà đầu tư trong ngoài nước, tham khảo kinh nghiệm thành công của các nước chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 06…”, ông Nhất đề nghị.
Theo Nghị quyết số 1035/NQ-UBTVQH15 ngày 8/4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chậm nhất năm 2025, phải hoàn thành việc sửa đổi Nghị định 06.
Tuy nhiên, đề cập đến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 06, Chủ tịch VAFIE, GS,TSKH. Nguyễn Mại chỉ ra một loạt những quy định bất cập, đơn cử như quy định về: Phương thức phân phối vé đặt cược, mức đóng góp 5% doanh thu từ việc thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, quảng cáo, quy định chuyển tiếp…
“Đã đến lúc cần tư duy làm luật mới, không phải cứ không quản được là cầm”, Chủ tịch VAFIE đề nghị.
Phân tích lý do Nghị định 06 chưa đi vào thực tiễn cuộc sống, PGS,TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp thẳng thắn chỉ ra 2 nguyên nhân: Một là, bản thân Nghị định có nhiều hạn chế; Hai là, muốn luật vào cuộc sống thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, tức có bộ máy đủ mạnh để đưa Nghị định vào cuộc sống.
“Đối chiếu Nghị định 06, rõ ràng có nhiều bất cập. Cần phải nghiên cứu sửa đổi cơ bản Nghị định này, nâng lên luật là càng tốt. Tốt nhất, chúng ta nên tạm thời nghiên cứu sửa đổi Nghị định này…”, PGS,TS. Dương Đăng Huệ nêu quan điểm.
Chia sẻ từ kinh nghiệm triển khai internet vào Việt Nam, TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin truyền thông) cho rằng, Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định làm thí điểm 3- 4 năm, sau đó ban hành Nghị định thay thế. “Về cách làm, chúng ta nên dựa vào các chuyên gia, nhóm nghiên cứu. Đừng lo chúng ta không quản lý được, tất cả đều có dấu vết”, ông Trực đề xuất.
Đồng tình với việc phải có Nghị định mới trên tinh thần đổi mới, không phải là “không quản được thì cấm”, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, nhu cầu tham gia đặt cược là thực tiễn và chúng ta đang chảy mất rất nhiều tiền, người chơi không chính thức thì vi phạm pháp luật. “Cần có một nghị định mới để điều chỉnh hoạt động này, giúp nhà nước có nguồn thu thuế mới, người chơi được kiểm soát…”, ông Phụng đề nghị.