Thúc đẩy tài chính toàn diện: Chỉ tăng trưởng tài khoản ngân hàng là chưa đủ
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP tư vấn EY Việt Nam (EY Việt Nam), để thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam không có nghĩa chỉ có tăng trưởng về tài khoản ngân hàng là đủ, mà cần phải có những hỗ trợ để cho nhóm người yếu thế, người nghèo, người thu nhập thấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ có được tiếp cận phù hợp, với chi phí hợp lý và bền vững với các dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Phóng viên: Dưới góc nhìn của chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bà có nhận định như thế về sự phát triển của tài chính toàn diện tại Việt Nam?
Bà Nguyễn Thùy Dương: Việt Nam có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Điều này được thể hiện qu những con số: trên 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán, tăng từ 31% của giai đoạn 2015-2017; giao dịch thanh toán qua kênh di động bình quân cho giai đoạn 2021-2023 tăng 103,3%; số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet bình quân cho giai đoạn 2021-2023 tăng 52%; số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code cho giai đoạn 2021-2023 tăng trên 170%. Đến nay, Việt Nam đứng thứ 3 khu vực ASEAN về tài chính toàn diện, chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Dù đã có những bước tiến lớn, tuy nhiên, để thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển theo Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến hết năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/1/2020 thì không có nghĩa chỉ có tăng trưởng về tài khoản ngân hàng là đủ, mà cần phải có những hỗ trợ để cho nhóm người yếu thế, người nghèo, người thu nhập thấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ có được tiếp cận phù hợp, với chi phí hợp lý và bền vững với các dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Do vậy, chúng tôi thấy rằng, vai trò của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong việc làm cầu nối trung gian giữa người yếu thế, khó tiếp cận với các dịch vụ tài chính – ngân hàng là cần thiết. Cùng với các công nghệ mới như Blockchain, AI,… sự nỗ lực và quyết tâm từ các công ty Fintech, sự cởi mở hơn từ các quy định pháp lý, đặc biệt Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) sẽ thúc đẩy nhanh tài chính toàn diện, giúp cho các công ty Fintech phát triển hơn nữa, đồng thời cũng thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển nhanh và bền vững.
Phóng viên: Bà có thể chia sẻ rõ hơn về vai trò của các công ty Fintech, cũng như mối quan hệ giữa Fintech – ngân hàng trong phát triển tài chính bền vững?
Bà Nguyễn Thùy Dương: Trước đây, chúng ta thường nghĩ Fintech là con “ngáo ộp” và không biết Fintech làm gì. Nhưng trải qua 5-7 năm phát triển, các cơ quan quản lý, cũng như các ngân hàng và ngay cả các công ty Fintech cũng nhìn nhận được vai trò, trách nhiệm, cũng như các mảng công việc mà các công ty Fintech có thể đảm nhiệm.
Tôi cho rằng, nếu như đã có sự hợp tác thì chúng ta sẽ cùng cộng hưởng để làm thế nào có thể tận dụng được nguồn lực lẫn nhau để cung cấp những sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng tốt nhất cho người dùng. Với các giải pháp đổi mới sáng tạo, Fintech đang khắc phục những hạn chế của các tổ chức tín dụng truyền thống gặp phải, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng và đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tài chính toàn diện của Việt Nam tiến lên phía trước.
Phóng viên: Tại báo cáo “Thúc đẩy Tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của Fintech trong phối hợp với tổ chức tín dụng” vừa được EY Việt Nam công bố đã chỉ ra rằng, 42% nhóm underbank (khách hàng dưới chuẩn) sử dụng tín dụng không chính thống. Vậy, Fintech có thể làm gì để thay thế tín dụng phi chính thống này bằng các giải pháp an toàn hơn, có chi phí hợp lý hơn không?
Bà Nguyễn Thùy Dương: Nghiên cứu của EY Việt Nam chỉ ra rằng, Fintech đã trở thành một động lực quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt tại Việt Nam. Có 5 lợi ích mà Fintech mang lại cho nhóm khách hàng dưới chuẩn khi tiếp cận với các dịch vụ tài chính – ngân hàng, đó là:
Thứ nhất, người dùng tiếp cận các dịch vụ một cách đơn giản và thuận tiện thông qua nền tảng công nghệ;
Thứ hai, giúp người dùng có được sự hiểu biết hơn về các kiến thức tài chính. Các sáng kiến của Fintech nhằm thúc đẩy kiến thức tài chính đã giúp người dùng phần nào tự tin hơn khi đưa ra các quyết định tài chính…
Thứ ba, cân bằng giữa tốc độ cung cấp và sự hài lòng của người dùng. Fintech tại Việt Nam đang thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ tài chính – ngân hàng với tốc độ nhanh hơn.
Thứ tư, động lực cho việc tiếp nhận dịch vụ tài chính – ngân hàng số. Mức độ bao phủ của điện thoại di động và Internet đã thúc đẩy khả năng tiếp nhận dịch vụ tài chính – ngân hàng số của
người dân. Mặt khác, các chương trình chuyển đổi số của các ngân hàng truyền thống cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc tiếp nhận các dịch vụ tài chính – ngân hàng số.
Thứ năm, giúp giảm chi phí giao dịch giữa những nhận thức trái chiều của khách hàng.
Phóng viên: Thực tế cho thấy, Fintech hiện nay đang tập trung nhiều vào mảng thanh toán, trong khi đó các lĩnh vực khác như bảo hiểm, đầu tư… lại chưa có sự xuất hiện nhiều của các công ty Fintech. Vậy làm sao có thể tận dụng được các thế mạnh của Fintech trong các lĩnh vực khác, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển nhanh và bền vững, thưa bà?
Bà Nguyễn Thùy Dương: Bất cứ một quốc gia nào khi triển khai tài chính toàn diện cũng đều bắt đầu từ nhu cầu căn bản là thanh toán. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều công ty Fintech tại Việt Nam đang tập trung vào lĩnh vực này. Theo xu hướng của thế giới và cũng được phát triển tại Việt Nam, Fintech ngày nay không chỉ dừng lại ở thanh toán, mà họ còn có thể làm được nhiều hơn thế, ví như: chấm điểm tín dụng, cho vay ngang hàng, công nghệ bảo hiểm… Tuy nhiên, để thúc đẩy các công ty Fintech tập trung kinh doanh vào những lĩnh vực khác nữa, theo tôi, có 3 yếu tố:
Thứ nhất, phải có nguồn lực tài chính từ bản thân các công ty Fintech hoặc nhu cầu trên thị trường;
Thứ hai, khung pháp lý cần rõ ràng và mở để khuyến khích đổi mới và quản lý rủi ro công nghệ tài chính, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện. Việt Nam nên xem xét áp dụng các thông lệ
quốc tế vào khung pháp lý tài chính. Đồng thời, sớm ban hành cơ sở pháp lý cho cơ chế thử
nghiệm có kiểm soát (Sandbox) trên cơ sở Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định về bảo mật dữ liệu, Blockchain… Các quy định được ban hành cần bảo đảm theo kịp và đón đầu các xu hướng công nghệ trên thế giới.
Khi có sự kết hợp của nhiều bên, cộng với nguồn lực, quyết tâm và hành lang pháp lý đầy đủ sẽ cho ra được kết quả tốt. Khi đó, các công ty Fintech mới thực sự hoạt động trong các lĩnh vực khác.
Ngoài ra, để tiến tới được một hệ sinh thái tài chính toàn diện ở mức độ sâu và rộng hơn nữa, nỗ lực phối hợp giữa các bên cần được tiếp tục phát huy nhằm giải quyết những thách thức còn tồn tại và vận dụng phù hợp các công nghệ mới nổi và tăng cường công tác giáo dục tài chính. Sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech là đặc biệt quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ tài chính trong bối cảnh quy định hiện hành, nhằm đảm bảo rằng lợi ích của quá trình đổi mới sáng tạo tài chính sẽ đến được với tất cả người dân.