Các quy định mới của pháp luật về đất đai, nhà ở tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các tổ chức tín dụng
Đó là lý do được Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Hùng lý giải cho Hội nghị “Các quy định mới của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 tác động đến hoạt động ngân hàng” được Hiệp hội Ngân hàng phối hợp cùng Ủy ban chính sách, Câu lạc bộ Pháp chế, Câu lạc bộ Xử lý nợ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 29/11/2024.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 là 3 luật hết sức quan trọng, đều có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật trên có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng.
Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Quốc Hùng, trong quá trình xây dựng luật, nghị định và thông tư liên quan đến 3 luật này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đồng hành với Bộ Tài Nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng... tham gia góp ý, truyền đạt các ý kiến của các tổ chức hội viên, ý kiến chuyên gia đến các cơ quan soạn thảo.
Thực tế cho thấy, trong quá trình xây dựng Luật, các cơ quan soạn thảo, đặc biệt là Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của các hội viên. Tuy nhiên, cũng có vấn đề, nội dung đã kiến nghị, đề nghị sửa đổi hợp lý nhưng không được tiếp thu.
Khi luật đã ban hành, các tổ chức tín dụng (TCTD) xác định tổ chức thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai 3 Luật từ tháng 8 đến nay xuất hiện những vấn đề, vướng mắc khiến cho các TCTD chưa hiểu hết được và rất muốn được giải đáp liên quan đến cả 3 Luật để làm sao việc tổ chức thực hiện, triển khai tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
"Hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng nhận được hàng trăm ý kiến của các TCTD về những vướng mắc trong việc triển khai 3 Luật trên, kiến nghị các Cơ quan soạn thảo Luật xem xét có hướng dẫn/giải đáp nhằm tháo gỡ, xử lý các vướng mắc này để bảo đảm hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng an toàn, hiệu quả trong thời gian tới", TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Nhằm mục tiêu giúp các TCTD hội viên thực hiện đúng các quy định tại Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 tác động đến hoạt động ngân hàng, góp phần giúp thị trường đất đai, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững hơn, Ủy ban chính sách, Câu lạc bộ Pháp chế, Câu lạc bộ Xử lý nợ thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị rất quan trọng này tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị có sự tham dự đầy đủ của các cơ quan xây dựng luật là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và khách mời Văn phòng Chính phủ.
Hội nghị cũng có sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 62 tỉnh, thành phố; lãnh đạo, các cán bộ liên quan của hơn 60 TCTD hội viên để cùng lắng nghe, trao đổi, thảo luận.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, qua tổng hợp nhận thấy, các ý kiến vướng mắc của các TCTD trong quá trình triển khai 3 Luật tập trung vào một số nội dung chính như:
Đối với Luật Đất đai: Các vướng mắc về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất nông nghiệp; xử lý khi thu hồi đất là tài sản thế chấp; việc cấp, đăng ký biến động Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Luật Đất đai 2024 trong quá trình tổ chức thi hành án...
Luật Nhà ở: Các vướng mắc về điều kiện huy động vốn dự án bất động sản là nhà ở; tài sản bảo đảm là nhà ở riêng lẻ xây dựng có giấy phép xây dựng nhưng chưa được cập nhật trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; mục đích để thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án; điều kiện thế chấp một phần/toàn bộ dự án cần quyết định giao đất như thế nào...
Luật Kinh doanh bất động sản: Các vướng mắc về chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình xây dựng hình thành trong tương lai; bảo lãnh trong bán nhà ở hình thành trong tương lai; chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở có sẵn/chuyển nhượng hợp đồng mua bán công trình hình thành trong tương lai; giải chấp trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai; chuyển nhượng nhà ở có sẵn trong dự án khi chưa tách sổ...
Với các vướng mắc trên, TS. Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng, hội nghị sẽ nhận được những ý kiến trao đổi thẳng thắn, cũng như giải đáp liên quan đến cả 3 Luật từ cơ quan xây dựng luật, đại diện bộ, ngành có liên quan và Văn phòng Chính phủ, qua đó giúp việc triển khai 3 Luật trong thực tiễn của các TCTD tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.