Hoạt động ngân hàng

Vốn tín dụng động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế An Giang

ThS. Trần Trọng Triết 30/11/2024 10:30

Nhu cầu mua sắm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối năm, đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán 2025 được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, SHB, VIB... đang đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang chia sẻ, nhờ có giải pháp đồng bộ ngay từ đầu năm 2024, kết quả đạt được tổng số dư huy động vốn đến cuối tháng 10/2024, đạt 71.811 tỷ đồng, tăng 3,54% so cuối năm 2023. Vốn huy động đáp ứng được 59,23% cho hoạt động cấp tín dụng.

Về tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 10 năm 2024, đạt 121.244 tỷ đồng, tăng 7,75% so với cuối năm 2023, lãi suất bình quân là 8,299%/năm. Trong đó: dư nợ cho vay khách hàng pháp nhân đạt 30.435 tỷ đồng, tăng 7,0% so với cuối năm 2023; dư nợ cho vay khách hàng thể nhân đạt 90.809 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cuối năm 2023.

untitled-1.jpg

Dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh tế gồm: nông lâm thủy sản đạt 31.866 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,3% trên tổng dư nợ; thương mại và dịch vụ đạt 77.867 tỷ đồng, chiếm 64,1%; công nghiệp đạt 8.420 tỷ đồng, chiếm 6,9% và xây dựng đạt 3.232 tỷ đồng, chiếm 2,7% trên tổng dư nợ; dư nợ cho vay du lịch, ăn uống, lưu trú đạt 534,24 tỷ đồng; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng đạt 1.324,5 tỷ đồng, với 79.001 thẻ đang hoạt động. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu chiếm 2,68%/tổng dư nợ.

Đáng chú ý, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55 và Thông tư số 10 của NHNN) dư nợ đạt 76.679 tỷ đồng, tăng 8,73% so với cuối năm 2023, chiếm 63,9% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó: dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 17.900 tỷ đồng, tăng 7,67% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 16.759 tỷ đồng, tăng 12,24% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ theo Chương trình tín dụng với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (quy mô 60.000 tỷ đồng) đạt 739 tỷ đồng, lãi suất giao động từ 5% - 7%/năm cho 13 doanh nghiệp, 27 hộ cá nhân.

Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 12.113 tỷ đồng, tăng 12,37% so với năm 2023 với 1.226 doanh nghiệp. Cho vay ứng dụng công nghệ cao khác (hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ) đạt khoảng 16,43 tỷ đồng, tăng 15,04% so với cuối năm 2023.

Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ với tổng dư nợ là 23,60 tỷ đồng, với tổng số hộ vay là 212 khách hàng, doanh số cho vay từ đầu chương trình là 112,73 tỷ đồng.

Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 100/2015/NQ-CP ngày 20/10/2015 được NHCSXH thực hiện ở 2 Dự án Khu Golden City và Khu Tây sông Hậu, với tổng dư nợ 178, tỷ đồng, cho 408 hộ dân, doanh số từ đầu chương trình đạt 191 tỷ đồng và TPBank cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ với tổng dư nợ là 2,01 tỷ đồng, cho 7 hộ dân.

Cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã: hiện tại ngành Ngân hàng An Giang đã hỗ trợ vốn tín dụng cho 1 HTX với hạn mức tín dụng 700 triệu đồng, dư nợ hiện tại 301,54 triệu đồng. Bên cạnh đó, các thành viên và HĐQT của HTX đã thế chấp tài sản cá nhân để vay vốn tại các NHTM với số tiền khoảng 5.480,6 triệu đồng. Dư nợ cho vay OCOP 3,2 tỷ đồng, 2 doanh nghiệp.

Dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2025, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ tiếp tục ưu tiên vốn tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng và các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt chú trọng đến các dự án nhà ở xã hội, các dự án tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường phù hợp với định hướng phát triển bền vững của tỉnh.

Theo báo cáo từ Cục Thống kê tỉnh An Giang, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 ước đạt 7,50%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,77%; khu vực dịch vụ tăng 8,30%; thuế trừ trợ cấp tăng 2,98%. GRDP bình quân đầu người đạt từ 68,34 - 70,27 triệu đồng/năm (tương đương 2.733 USD - 2.810 USD).

Về cơ cấu kinh tế năm 2024 của An Giang khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 34,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 15,42%; khu vực dịch vụ chiếm 46,44%; thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm chiếm 3,40%.

ThS. Trần Trọng Triết