Hoạt động ngân hàng

Đồng Nai: Dư nợ tín dụng 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 8,4 nghìn tỷ đồng

ThS. Trần Trọng Triết 02/12/2024 - 09:19

Chỉ chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm 2024. Thời điểm này, các doanh nghiệp đang tập trung sản xuất, hoàn thành kế hoạch đặt ra của cả năm. Ngành Ngân hàng tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực tập trung cân đối nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để sản xuất kinh doanh hàng hóa phục vụ mua sắm dịp Tết năm 2025.

no-luc-cho-vay-von-nen-kinh-te..jpeg
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Theo Báo cáo thống kê từ Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, cuối năm sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định. Trong thời gian qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá ở các ngành trọng điểm của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới và gia tăng sản xuất, đáp ứng yêu cầu khách hàng trong những tháng cuối năm.

Thị trường nội địa và xuất khẩu có những diễn biến thuận lợi hơn. Kết quả là chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng của năm 2024 tăng gần 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho thấy, đến cuối tháng 11/2024, dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt hơn 402,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ tín dụng ngắn hạn là 252,6 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng trung, dài hạn là 149,6 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 8,4 nghìn tỷ đồng với số khách hàng vay vốn đạt trên 4,5 nghìn khách hàng.

Bên cạnh đó, theo ông Tạ Thanh Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai chia sẻ, tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống có tốc độ tăng trưởng khá, nhất là trong những tháng gần đây tốc độ tăng cao gắn liền với xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế và xã hội. Đặc biệt là các dịch vụ thẻ, các tổ chức tín dụng phát triển mạnh hoạt động cho vay qua phương thức điện tử là những yếu tố chính tác động lên tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.

Về lĩnh vực cho vay mua nhà ở xã hội, ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, chi nhánh đã cho vay đối với 212 hộ vay vốn mua nhà ở xã hội với tổng số tiền 92,3 tỷ đồng tại các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh, gồm: dự án nhà ở xã hội ở phường Bảo Vinh (TP. Long Khánh) và dự án nhà ở xã hội A6-A7 (phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa). Bình quân mỗi hộ vay từ 600 -850 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 25 năm. Lãi suất cho vay là 6,6%/năm (bằng lãi suất cho vay hộ nghèo).

Trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tổ chức rà soát đối tượng thụ hưởng, có nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh để đôn đốc các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai thực hiện trên địa bàn sớm hoàn thành mở bán (hiện có 2 dự án nhà ở xã hội đang mở bán gồm: dự án nhà ở xã hội ở phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh và dự án nhà ở xã hội A6-A7 tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) để báo cáo UBND tỉnh bố trí nguồn vốn.

Trên thực tế, kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, bên cạnh nỗ lực hoàn thành đơn hàng đã ký kết, các doanh nghiệp cũng tích cực, chủ động các giải pháp đa dạng hóa thị trường, gia tăng năng lực sản xuất bền vững.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng là giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất hiệu quả hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, tỉnh có biện pháp thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cắt giảm thuế phí để gia tăng sức mua, tăng tổng cầu tiêu dùng, tạo động lực cho doanh nghiệp gia tăng sản xuất trở lại.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, các ngành, hàng thiết yếu của nền kinh tế…

ThS. Trần Trọng Triết