Sống đẹp

Dự án của Quỹ Quốc tế Singapore tăng cường hỗ trợ giáo dục cho trẻ tự kỷ trong các trường học tại TP. Hồ Chí Minh

{Tên tác giả} 29/11/2024 16:14

Dự án hợp tác kéo dài 5 năm giữa các giáo viên với chuyên môn giáo dục đặc biệt tại Singapore và Việt Nam đã nâng cao năng lực giáo dục nhằm xây dựng môi trường học tập hòa nhập cho trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.

quy-quoc-te-singapore-truong-dh-su-pham-tp.-ho-chi-minh-va-trung-tam-rainbow-centre-singapore-vua-to-chuc-le-tong-ket-du-an-_day-va-hoc-danh-cho-tre-em-mac-roi-loan-pho-tu-ky_-tai-tp.-ho-chi-minh.jpg
Lễ tổng kết 5 năm dự án vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Quỹ Quốc tế Singapore

Dự án giáo dục đặc biệt của Quỹ Quốc tế Singapore (Singapore International Foundation - SIF) đã tăng cường chất lượng giáo dục về rối loạn phổ tự kỷ (ASD) tại TP. Hồ Chí Minh bằng cách nâng cao năng lực cho 170 giáo viên với chuyên môn giáo dục đặc biệt từ 15 trường học và một bệnh viện.

Dự án "Dạy và Học dành cho trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ" kéo dài 5 năm được tổ chức cùng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (HCMUE) và Trung tâm Rainbow Centre Singapore, nhằm nâng cao năng lực cho các nhà giáo dục trong việc xây dựng môi trường học tập hòa nhập dành cho trẻ mắc ASD thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng và chia sẻ các cách thức thực hành hiệu quả nhất.

Dự án hướng đến các mục tiêu: Trang bị cho giáo viên với chuyên môn giáo dục đặc biệt những kiến thức sâu hơn về tự kỷ và các cách thức hiệu quả để làm việc với trẻ em mắc ASD; Phát triển một hệ thống hỗ trợ cho các nhà giáo dục để giải quyết nhu cầu cụ thể của học sinh mắc ASD; Xây dựng một khung chương trình phối hợp với phụ huynh và người chăm sóc để hỗ trợ trẻ tự kỷ một cách toàn diện.

Khoảng 170 giáo viên Việt Nam đã tham gia các hội thảo đào tạo do các tình nguyện viên quốc tế Singapore (SIV) từ Trung tâm Rainbow Centre Singapore tổ chức. Một số giáo viên trong đoàn cũng đã tham dự hội thảo chuyên đề và chuyến thăm quan học hỏi tại Singapore. Các hoạt động này đã giúp giáo viên nâng cao cách thức giảng dạy và trang bị cho họ kiến thức để xây dựng môi trường học tập hòa nhập cho trẻ mắc ASD. Trong số đó, mười giáo viên đã được lựa chọn để trở thành Giảng viên Nòng cốt để chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn với đồng nghiệp trong ngành, đảm bảo duy trì dự án và tiếp tục mang lại giá trị cho cộng đồng giáo dục địa phương.

vien-quoc-te-singapore-ba-erni-noorhaidah-ao-cam-giao-vien-truong-trung-tam-rainbow-centre-tham-trung-tam-giao-duc-dac-biet.jpg
Bà Tan Sze Wee (ở giữa), Giám đốc Điều hành Trung tâm Rainbow Centre, và tình nguyện viên quốc tế từ Singapore, bà Erni Noorhaidah (áo cam), Giáo viên Trưởng của Trung tâm Rainbow Centre, tham gia tìm hiểu về các hoạt động được áp dụng để hỗ trợ học sinh mắc rối loạn phổ tự kỷ trong chuyến thăm Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Em's tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Quỹ Quốc tế Singapore

Toàn bộ giáo viên tham gia chương trình cho biết họ được tiếp cận với kiến thức và kỹ năng nâng cao, đồng thời tự tin hơn trong quá trình hỗ trợ học sinh mắc ASD. Tám mươi phần trăm trường học tham gia đã thực hiện các thay đổi nhằm đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của trẻ mắc ASD, bao gồm áp dụng các cách thức thực hành đã được kiểm chứng nhằm cải thiện giao tiếp trong lớp học và xây dựng môi trường học tập với thiết kế thân thiện với học sinh.

Ông Jaryll Chan, Giám đốc Điều hành, Ban Chương trình, Quỹ Quốc tế Singapore (SIF), chia sẻ: “Dự án này là minh chứng cho những thành quả có thể đạt được khi các cộng đồng vượt qua ranh giới quốc gia để cùng chung tay vì một mục tiêu chung. Thông qua tinh thần cống hiến và năng lực chuyên môn của các đối tác và tình nguyện viên, chúng tôi đang xây dựng một nền tảng giáo dục hòa nhập, nơi trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nhận được sự hỗ trợ cần thiết để phát triển. Chúng tôi vinh dự được đóng góp vào mục tiêu ý nghĩa này cùng với Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Rainbow Centre Singapore.”

Bà Fauziah Binte Ahmad, Trưởng nhóm Tình nguyện viên Quốc tế Singapore, Cố vấn Cấp cao cho các Dự án Đặc biệt, Trung tâm Rainbow Centre Singapore, chia sẻ rằng bà vô cùng cảm động khi chứng kiến sự tiến bộ của từng giáo viên khi họ tiếp cận những góc nhìn mới và nâng cao kỹ năng để hỗ trợ trẻ mắc chứng ASD.

Bà cũng cho biết: “Sự hợp tác giữa các tình nguyện viên Quốc tế Singapore và các đối tác Việt Nam là một trải nghiệm đầy ý nghĩa. Sự cống hiến và tinh thần học hỏi lẫn nhau không chỉ mở rộng góc nhìn chuyên môn của chúng tôi mà còn nêu cao sức mạnh của hợp tác xuyên biên giới trong việc thúc đẩy những thay đổi ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục.”