Thông tin đối ngoại đưa sức mạnh mềm quốc gia lên tầm cao mới
Thông tin đối ngoại cần tiếp tục khẳng định sứ mệnh lịch sử truyền thống văn hóa, các giá trị tư tưởng cao đẹp của dân tộc Việt Nam; đưa sức mạnh mềm quốc gia lên tầm cao mới bằng việc định vị vị thế của quốc gia Việt Nam tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào cùng nhân loại, xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp, lấy cuộc sống của người dân làm trung tâm, lấy sức mạnh tổng hợp quốc gia làm cơ sở để viết nên câu chuyện Việt Nam trong thời đại mới, kỷ nguyên mới.
Tối 3/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại chủ trì, phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam và các ban, bộ, ngành liên quan tổ chức trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 10.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Nguyễn Trọng Nghĩa dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; một số Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các cơ quan báo chí và các tác giả đoạt giải.
Phát biểu tại lễ trao giải, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 10 là sự kiện quan trọng, một diễn đàn đầy ý nghĩa nhằm tôn vinh những đóng góp xuất sắc của các cá nhân, tập thể trong công tác thông tin đối ngoại - lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả, tập thể có tác phẩm được vinh danh, đồng thời gửi lời tri ân sâu sắc tới các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại trên mọi lĩnh vực trong và ngoài nước đã không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp chung của đất nước. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cảm ơn tình cảm chân thành tốt đẹp mà những người bạn quốc tế đã dành cho đất nước, nhân dân Việt Nam. Đây là sự ủng hộ quý báu, góp phần lan tỏa và định vị hình ảnh Việt Nam rất tốt đẹp trong mắt cộng đồng quốc tế.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam đã trải qua những chặng đường dài với nhiều thành tựu đáng tự hào, đặc biệt là trong những năm gần đây. Trước những biến động của tình hình thế giới, thông tin đối ngoại càng thể hiện vai trò là cầu nối quan trọng giúp thế giới hiểu đúng, hiểu sâu hơn về Việt Nam, đồng thời, đây cũng là công cụ sắc bén để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
“Thành tựu của công tác thông tin đối ngoại không chỉ được thể hiện qua những con số ấn tượng như số lượng tác phẩm, số lượng tiếp cận thông tin, mà còn thông qua sức lan tỏa và ghi nhận từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam được biết đến không chỉ là một đất nước có nền văn hóa phong phú, lịch sử hào hùng, mà còn là một quốc gia đang vươn mình mạnh mẽ trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 10 đã thu hút sự quan tâm, tham gia sôi nổi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hàng ngàn tác phẩm dự thi năm nay không chỉ đa dạng về thể loại mà còn phong phú về nội dung, thể hiện tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của những người làm công tác thông tin đối ngoại”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá những tác phẩm xuất sắc được vinh danh tại lễ trao giải đã làm nổi bật lên hình ảnh một Việt Nam năng động, hội nhập, kiên cường, vượt qua thách thức, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc.
Nhấn mạnh đất nước, dân tộc Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử, trong bối cảnh đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ công tác thông tin đối ngoại được xác định là một bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Để đáp ứng và hoàn thành tốt nghiệp vụ của công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, công tác thông tin đối ngoại cần tiếp tục đi trước mở đường, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi giúp đất nước ta vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; cần bám sát các mục tiêu phát triển của đất nước, gắn chặt với các chiến lược lớn của Đảng, Nhà nước với phương châm chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả, đồng thời nắm bắt nhanh nhạy những xu thế truyền thông mới.
Xây dựng sản phẩm thông tin đối ngoại không chỉ phản ánh đúng thực tiễn mà còn mang tính dự báo, định hướng, bảo đảm thực hiện tốt vai trò cũng như sứ mệnh của mình, góp phần đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất, không ngừng đoàn kết, làm sâu sắc tình cảm giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng; góp phần củng cố cục diện đối ngoại ổn định, hòa bình và tạo thuận lợi cao nhất cho sự phát triển đất nước.
Công tác thông tin đối ngoại cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khuyến khích hoạt động sáng kiến trong tuyên truyền, quảng bá về đất nước Việt Nam, tận dụng hiệu quả những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thông tin đối ngoại cần tiếp tục khẳng định sứ mệnh lịch sử truyền thống văn hóa, các giá trị tư tưởng cao đẹp của dân tộc Việt Nam; đưa sức mạnh mềm quốc gia lên tầm cao mới bằng việc định vị vị thế của quốc gia Việt Nam tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào cùng nhân loại, xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp, lấy cuộc sống của người dân làm trung tâm, lấy sức mạnh tổng hợp quốc gia làm cơ sở để viết nên câu chuyện Việt Nam trong thời đại mới, kỷ nguyên mới.
Cùng với đó, quan tâm xây dựng, bồi dưỡng lực lượng thông tin đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, tác nghiệp, tác phong chuyên nghiệp, nhận thức nhạy bén. Lực lượng này phải thực sự được nâng cao về chất lượng, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó vai trò chủ công là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đội ngũ phóng viên báo chí trong và ngoài nước, đồng thời huy động, tập hợp đông đảo mọi người dân, bạn bè quốc tế cùng tham gia, tạo thành thế trận toàn dân và đoàn kết quốc tế trong công tác thông tin đối ngoại.
Đặc biệt, ông Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn và gửi gắm niềm tin vào các bạn trẻ với trí tuệ, sức sáng tạo, nhiệt huyết là vũ khí, cùng với tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc là hành trang sẽ đóng góp tích cực hơn nữa cho công tác thông tin đối ngoại.
Nhìn lại chặng đường 10 năm hình thành và phát triển của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Giải thưởng đã có được uy tín, vị thế, vị trí và vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với số lượng tác giả và tác phẩm nước ngoài ngày càng cao hơn; tin tưởng rằng Giải thưởng sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, phục vụ ngày càng hiệu quả cho công tác thông tin đối ngoại, tạo nền tảng vững chắc để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Ban Tổ chức Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 10 đã nhận được 1.289 tác phẩm/sản phẩm gửi tham gia. Các hạng mục báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt và tiếng nước ngoài, truyền hình vẫn dẫn đầu về số lượng các tác phẩm/sản phẩm tham gia Giải thưởng năm nay.
Chủ đề của các tác phẩm/sản phẩm năm nay tiếp tục bao quát đầy đủ các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa… quan trọng, thành tựu của đất nước trên mọi lĩnh vực; thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là những vấn đề ưu tiên phát triển hiện nay như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh…; giới thiệu quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người, giá trị văn hóa Việt Nam.
Hình thức thể hiện đa dạng, hiện đại, tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông mới (đối với các sản phẩm/tác phẩm hạng mục video clip). Các tác phẩm/sản phẩm của người nước ngoài thể hiện được tầm nhìn sâu, tích cực, đa khía cạnh về các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, về quan hệ Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, về sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến thú vị, về lịch sử và nền văn hóa lâu đời của Việt Nam.
Đáng chú ý, bên cạnh các ngôn ngữ phổ biến tham gia giải thưởng những năm trước, năm nay xuất hiện các ngôn ngữ mới là tiếng Arab, tiếng Italy, tiếng Sinhala...
Căn cứ thể lệ giải thưởng, Hội đồng Giải thưởng chọn ra 109 tác phẩm/sản phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, có 10 giải nhất, 20 giải nhì, 30 giải ba, 49 giải khuyến khích.