Sắc đỏ lấn át, VN-Index lùi về mốc 1.240 điểm
Đà giảm ở nhóm blue-chips kéo sắc đỏ lấn át trên bảng điện tử. VN-Index ghi nhận nhịp điều chỉnh giảm, song vẫn thấy rõ sự phân hóa giữa các cổ phiếu trên thị trường.
Nối tiếp áp lực điều chỉnh từ phiên trước, VN-Index mở cửa trong sắc đỏ. Áp lực bán tại nhóm cổ phiếu lớn đẩy chỉ số dần trượt dốc và có diễn biến trồi sụt trong nửa đầu phiên. Đến giữa phiên, một số điểm sáng trong nhóm cổ phiếu ngân hàng như VIB, VCB và cổ phiếu tiêu dùng như SAB bất ngờ tăng mạnh 1-2% kéo chỉ số hồi phục về sát mốc tham chiếu.
Bước sang phiên chiều, dòng tiền tiếp tục duy trì ở nhóm ngành ngân hàng khi một số cổ phiếu ngân hàng như VIB bật tăng mạnh. Tuy nhiên nhóm ngân hàng vốn hóa lớn khác như BID, CTG và TPB đồng loạt giảm mạnh thể hiện rõ sự phân hóa.
Thị trường tiếp tục lình xình tăng giảm với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian trong phiên phiên. Đến cuối phiên, áp lực bán đến từ các cổ phiếu như MWG và POW tăng đột biến khiến thị trường giảm sâu, xóa đi hết nỗ lực phục hồi trong phiên và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Nhóm blue-chips suy yếu là yếu tố chính đẩy VN-Index trượt dốc. Kết thúc phiên, rổ VN30 chỉ còn 5 mã xanh là SAB, PLX, VCB, VIB và ACB. Còn lại chìm trong sắc đỏ với 13 mã có mức giảm hơn 1%. Trong đó, MWG giảm 2,84%, POW giảm 2,77%, VRE giảm 2,26%, VHM giảm 1,96%, BID giảm 1,95% là những mã giảm mạnh nhất với thanh khoản khá sôi động.
Về độ rộng thị trường, 15/19 nhóm ngành ghi nhận giảm điểm, chỉ còn đúng 4 nhóm giữ được sắc xanh “nhạt” là dầu khí, viễn thông, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, xây dựng và vật liệu.
Nhóm ngân hàng, chứng khoán phiên này chứng kiến áp lực bán lớn, ngoài một số mã đi ngược thị trường thì nhiều mã giảm mạnh. Trong số 27 mã ngân hàng chỉ có 6 mã xanh, với 9 mã giảm hơn 1%. Chứng khoán còn đúng 2 mã xanh là BMS và EVS, hơn 20 mã giảm quá 1%.
Khối ngoại duy trì đà bán ròng sang phiên thứ ba liên tiếp với lực bán khá mạnh. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng gần 710 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán các mã MWG, FPT và VRE. Ở chiều ngược lại, khối này mua vào chủ yếu HAH, MSN và ACV.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 9,42 điểm (-0,75%), xuống 1.240,41 điểm, với 109 mã tăng và 281 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 575 triệu đơn vị, giá trị đạt 13.933 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 11% giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 69,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.980 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,30%), xuống 224,62 điểm, với 70 mã tăng và 92 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 925 tỷ đồng, xấp xỉ về cả khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10 triệu đơn vị, giá trị đạt 610 tỷ đồng.
UPCoM-Index tiếp tục đứng tham chiếu tại 92,44 điểm với 114 mã tăng và 140 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 598 tỷ đồng, giảm 18% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 254 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm điểm, với VN30F2412 giảm 11 điểm, tương đương 0,84%, xuống 1.303,00 điểm, khớp lệnh hơn 208.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 55.000.
CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặc dù chỉ số VN-Index ghi nhận nhịp điều chỉnh giảm nhưng vẫn có thể nhận thấy sự phân hóa giữa các cổ phiếu trên thị trường, theo đó mở ra cơ hội cho nhà đầu tư giải ngân bắt đáy ở vùng giá chiết khấu cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn. Các cổ phiếu nên được quan tâm sẽ là các cổ phiếu không phá vỡ xu hướng đi lên, hoặc duy trì được dòng tiền và đang cho tín hiệu bứt phá từ vùng nền hỗ trợ đã được kiểm chứng, trong đó một số nhóm ngành đáng chú ý là phân đạm, ngân hàng, công nghệ - viễn thông, dầu khí.