5 câu hỏi dành cho Ngân hàng Trung ương châu Âu
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có vẻ sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa vào tuần tới khi lạm phát giảm xuống và thị trường đang muốn biết liệu một môi trường thách thức hơn có thúc đẩy những bước đi nhanh hơn hay không.
Kể từ cuộc họp tháng 10, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử ở Mỹ đã làm tăng rủi ro thuế quan đối với châu Âu; Pháp và Đức đang vật lộn với tình trạng bất ổn chính trị; hoạt động kinh doanh đã xấu đi và đồng Euro đã sụt giảm.
Frederik Ducrozet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Pictet Wealth Management, cho biết: “Thật vô nghĩa khi trở nên diều hâu vào lúc này”.
Dưới đây là 5 câu hỏi chính mà thị trường đang quan tâm.
Một là, ECB sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm hay nửa điểm?
Các nhà giao dịch cho rằng mức giảm 25 điểm phần trăm có nhiều khả năng xảy ra hơn. Nếu vậy, đây sẽ là lần giảm lãi suất thứ tư trong năm nay.
Hoạt động kinh doanh tháng 11 chậm lại rõ rệt đã làm dấy lên tin đồn về một động thái lớn trong tháng 12 và ông Francois Villeroy de Galhau, thành viên hội đồng Thống đốc của ECB cho biết ECB nên để ngỏ các lựa chọn cắt giảm lãi suất lớn hơn.
Tuy nhiên, hầu hết những người ấn định lãi suất đều ủng hộ một động thái khiêm tốn, khi lạm phát tăng lên vào tháng trước và chính sách thuế quan của Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, các con số kinh tế khác lại khả quan hơn: dữ liệu cho vay mới nhất của ECB cho thấy nhu cầu vay mua nhà đang đạt mức kỷ lục.
Ông Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu của ING Research cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng mức cắt giảm 25 điểm cơ bản thay vì 50 điểm cơ bản vì những người theo trường phái diều hâu đang chỉ ra lạm phát lõi cao và lạm phát sẽ tăng trở lại vào tháng 11”.
Hai là, chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump có ý nghĩa gì đối với chính sách của ECB?
Thuế quan được coi là có tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế nhưng tác động lên lạm phát thì không chắc chắn lắm. Trọng tâm hiện nay là đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các nước nhưng vẫn chưa có thông tin chi tiết và phản hồi từ các đối tác thương mại của Mỹ.
Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde cho biết, một cuộc chiến thương mại nói chung sẽ là “tiêu cực chung cho tất cả các bên”, không chỉ các quốc gia bị Mỹ áp thuế.
Goldman Sachs kỳ vọng mức thuế tăng thêm sẽ ở mức nhỏ hơn đối với châu Âu, đồng thời dự đoán sản lượng khu vực đồng Euro sẽ giảm 0,5%.
Kinh tế trưởng khu vực châu Âu của UBS, ông Reinhard Cluse cho biết: “Tác động tiêu cực của GDP đối với khu vực đồng Euro có khi còn có ý nghĩa hơn so với tác động đến lạm phát”.
Ba là, ECB có thể tăng tốc độ cắt giảm lãi suất không?
ECB có thể tăng tốc độ cắt giảm lãi suất, đặc biệt nếu tình trạng suy thoái mạnh hơn đè nặng lên lạm phát.
Thị trường tiền tệ định giá, ECB sẽ cắt giảm khoảng 155 điểm cơ bản vào cuối năm 2025, tăng so với mức dự đoán 120 điểm cơ bản một tháng trước. Mức độ cắt giảm đó sẽ đưa lãi suất chủ chốt của ECB xuống dưới mức 2% -2,5% mà các nhà kinh tế coi là trung tính, không kích thích cũng không hạn chế nền kinh tế.
Bruno Cavalier, kinh tế trưởng tại ODDO BHF, cho biết: “Khu vực đồng Euro sẽ cần thứ gì đó hỗ trợ nhiều hơn lãi suất trung tính”.
Bốn là, chuyện gì đang xảy ra với lạm phát?
Lạm phát giá tiêu dùng đã tăng nhanh trong tháng 11 và các thành phần được theo dõi chặt chẽ nhất vẫn ở mức cao, có nghĩa là ECB vẫn cần thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất.
Lạm phát dường như vẫn hướng tới mục tiêu 2%, với một số dấu hiệu cho thấy áp lực tiền lương đang giảm bớt.
Ngân hàng Societe Generale cho biết dự báo tăng trưởng và lạm phát chung mới nhất của ECB sẽ được công bố vào thứ Năm tuần tới có thể sẽ được điều chỉnh thấp hơn trong năm tới.
Các dự báo mới cho thấy lạm phát đạt mục tiêu trong nửa đầu năm 2025, so với cuối năm 2025 như ECB dự kiến hồi tháng 9.
Năm là, ECB có thể can thiệp để hỗ trợ trái phiếu của Pháp?
Câu trả lời hiện tại là không. Pháp không đáp ứng được các yêu cầu hỗ trợ theo công cụ bảo vệ truyền dẫn, công cụ cho phép ECB mua trái phiếu của các thành viên khu vực đồng Euro đang trải qua đợt bán tháo không có lý do chính đáng khiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt.
Chi phí đi vay của Pháp đã giảm do những thông tin đầu cơ cắt giảm lãi suất còn các thị trường khác ổn định.
Tuy nhiên, bà Lagarde có thể tiếp tục hỗ trợ Pháp, quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn thứ hai trong 6 tháng qua trong khi nhu cầu nắm giữ trái phiếu của Pháp so với Đức đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2012.
Ông Ducrozet của Pictet cho biết: “Hoàn toàn không có bất kỳ trường hợp nào để ECB can thiệp vào Pháp ngay bây giờ, nếu chỉ vì không có sự lây lan sang khu vực khác”.