Thanh Hóa công bố các tuyến du lịch đi bộ trong rừng
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa vừa tổ chức Lễ công bố và trải nghiệm các tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá.
Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có khung cảnh bình yên, không gian trong lành với nếp nhà sàn truyền thống và ruộng bậc thang ẩn hiện giữa núi rừng.
Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cánh rừng nguyên sinh, đồi núi, sông - hồ hùng vĩ mà thơ mộng, tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng, tiêu biểu như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước, huyện Quan Hoá), Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân), Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (huyện Quan Hoá, huyện Mường Lát), Vườn Quốc gia Bến En (huyện Như Thanh), hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân), hồ Bến En (huyện Như Thanh), hồ Pha Đay (huyện Quan Hóa), hồ thác Ma Hao (huyện Lang Chánh), Động Bo Cúng (huyện Quan Sơn), suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), đền Cửa Đặt (huyện Thường Xuân)...
Ở đây cũng còn có nhiều lễ hội độc đáo như: Lễ hội Mường Xia (huyện Quan Sơn), Lễ hội Mường Ca Da (huyện Quan Hoá), Lễ hội Pôồn Pôông (huyện Ngọc Lặc), Lễ hội Chùa Mèo (huyện Lang Chánh), Lễ hội Khai hạ (huyện Cẩm Thuỷ), Lễ hội Mường Khô (huyện Bá Thước). Bên cạnh đó, nơi đây còn được biết đến là một vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, làn điệu dân ca dân vũ vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lại vừa giàu sắc thái riêng như: múa Pồn Pôông, trò diễn Kin Chiêng Boọc Mạy, khặp Thái, khua luống trống chiêng, mua sạp, múa cá sa, múa khèn…;
Đây cũng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống độc đáo như: Làng nghề dệt thổ cẩm Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (huyện Bá Thước); làng nghề kẹo nhãn (huyện Lang Chánh); làng nghề mây tre đan ở bản Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh), làng nghề nấu rượu siêu men lá bản Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm (Thường Xuân) và các món ăn, đặc sản nổi tiếng như: Vịt Cổ Lũng, kẹo nhãn Lang Chánh, quế Thường Xuân, canh lá đắng, ốc đá, cơm lam, xôi ngũ sắc, canh uôi, rượu cần men lá...
Với tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, nơi đây được đánh giá có nhiều lợi thế để khai thác các loại hình du lịch văn hoá lịch sử, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch mạo hiểm...
Hiện, có nhiều bản làng du lịch cộng đồng được du khách yêu thích tại các huyện miền núi Thanh Hóa, như: bản Đôn, bản Kho Mường, bản Son - Bá - Mười, bản Lặn Ngoài... (huyện Bá Thước); bản Mạ, bản Vịn (huyện Thường Xuân); bản Hang, bản Bút (huyện Quan Hóa), bản Năng Cát, bản Peo (huyện Lang Chánh), bản Ngàm (huyện Quan Sơn)...
Nhằm quảng bá, giới thiệu tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá; tăng cường liên kết với các công ty lữ hành, thúc đẩy việc khảo sát, thiết kế các tour, tuyến du lịch nhằm thu hút, đón khách du lịch trong nước và quốc tế, mở ra cơ hội thu hút đầu tư và phát triển điểm đế, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hoá đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các địa phương cùng các chuyên gia, các đơn vị lữ hành khảo sát kỹ địa hình, sản phẩm dịch vụ, xây dựng tuyến du lịch đi bộ trong rừng; tổ chức hội thảo, xin ý kiến các đơn vị, địa phương hoàn thiện danh mục và lịch trình chi tiết các tuyến du lịch đảm bảo đặc sắc, độc đáo nhất; tổ chức đào tạo, tập huấn thực hành tour, sát hạch và cấp chứng nhận cho các học viên có khả năng hướng dẫn khách trên cung đường trekking này.
Theo đó, Thanh Hóa đã chính thức giới thiệu các tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour) trên địa bàn 3 huyện: Bá Thước, Quan Hóa và Thường Xuân.
Trên địa bàn huyện Bá Thước có 4 tour, bao gồm: Trekking Đỉnh Pù Luông ở độ cao 1.700 m với cùng đường 11km trong 2 ngày 1 đêm; Trekking mạo hiểm Hòn Con Sói với cung đường 7 km trong 2 ngày 1 đêm; Trekking Đỉnh Pù Luông - Hòn Con Sói với cung đường 17 km trong: 3 ngày 2 đêm; Trekking cung đường di sản Pù Luông (Tuyến liên huyện Bá Thước - Quan Hóa) với độ dài cung đường 30 km trong 3 ngày 2 đêm)
Trên địa bàn huyện Quan Hóa có 3 tour, bao gồm: Trekking đỉnh Pù Hu ở độ cao 1.440m với độ dài cung đường 8 km trong 2 ngày 1 đêm; Trekking Cây di sản Chò Xanh với độ dài cung đường 7 km trong 2 ngày 1 đêm; Trekking đỉnh Pù Hu - Cây di sản Chò xanh với độ dài cung đường: 18km trong 3 ngày 2 đêm.
Trên địa bàn huyện Thường Xuân có 5 tour, bao gồm: Trekking đỉnh Pù Gió trên độ cao 1.600m, với độ dài cung đường 22 km trong 3 ngày 2 đêm; Trekking thăm cây di sản Pơ Mu, Sa Mu với độ dài cung đường 10 km trong thời gian 1 ngày; Trekking ngắm Voọc xám và Vượn đen má trắng với độ dài cung đường 29 km trong 2 ngày 1 đêm; Trekking Đỉnh Pù Xèo - Thác 7 tầng - Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai với độ dài cung đường 17 km, trong 2 ngày 1 đêm.
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, ngoài các tour du lịch trên, còn rất nhiều tour được thiết kế theo yêu cầu của khách du lịch theo nhu cầu, sở thích
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng cho biết, để các tuyến du lịch đi bộ trong rừng tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá trở thành sản phẩm riêng biệt và được đông đảo du khách đón nhận, trong thời gian tới ngoài việc tiếp tục nỗ lực đầu tư hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn nhân lực và làm phong phú các dịch vụ bổ trợ của các cấp chính quyền địa phương, Thanh Hóa rất cần sự quan tâm của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong việc tiếp tục đóng góp để hoàn thiện sản phẩm và quan tâm đưa các điểm đến của các địa phương trên vào các chương trình du lịch chào bán cho khách du lịch trong nước và quốc tế.
“Tỉnh Thanh Hóa cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về mặt cơ chế và thủ tục hành chính để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, khai thác phát triển các tuyến du lịch đi bộ trong rừng tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá đạt hiệu quả cao nhất…”- đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cam kết.