Doanh nghiệp

VPBankS Talk 04 “Vững vàng vượt sóng gió”: Nơi khai mở ý tưởng đầu tư cho năm 2025

Lê Vân 09/12/2024 - 10:34

Chưa đầy một tháng nữa, thị trường chứng khoán khép lại năm 2024 biến động khó lường. Trong thời điểm chuyển giao, số đông nhà đầu tư đang đi tìm đáp án cho câu hỏi triển vọng nào cho năm 2025. Để giải đáp, Hội thảo VPBankS Talk 04 với chủ đề “Vững vàng vượt sóng gió” sẽ được tổ chức vào ngày 16/12 tới đây.

Nhìn lại năm 2024, phần lớn thời gian VN-Index lình xình trong vùng 1.200 – 1.300 điểm. Mốc 1.300 điểm được xem như kháng cự cứng của chỉ số khi “năm lần, bảy lượt” VN-Index quay đầu giảm ở vùng điểm này. Lực bán gia tăng đã tác động lên tâm lý và sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Ở chiều ngược lại, vùng 1.200 điểm là hỗ trợ mạnh khi luôn thường trực lực cầu tham gia “bắt đáy”.

Song, có thể nói rằng, diễn biến trên của thị trường không mấy bất ngờ khi bức tranh vĩ mô cho đến dòng tiền đều đan xen những gam màu sáng tối.

Về tổng quan, thị trường chứng khoán toàn cầu 2024 đối mặt với những nhân tố nhiễu động như bất ổn tại khu vực Trung Đông, sự suy yếu của một số nền kinh tế lớn, thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng, hay sự điều chỉnh chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương lớn như FED, ECB tạo ra những diễn biến khó lường.

Giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) là một chiến lược đầu tư bùng nổ trong năm nay và trở thành tác nhân gây ra nhịp giảm sâu của chứng khoán châu Á, gián tiếp ảnh hưởng đến chứng khoán Việt Nam.

Ở phía đối lập, nhiều điểm tích cực được nhìn nhận như một số nền kinh tế hạ cánh mềm ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo cùng với động lực từ đổi mới công nghệ (AI, Blockchain, bigdata, điện toán đám mây…) đang mở ra nhiều cơ hội hơn cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nhìn sâu vào trong nước, Việt Nam vẫn được đánh giá là nền kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ lệ tăng trưởng duy trì ở mức cao, thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lãi suất duy trì ở mức thấp…

Nền kinh tế đang có sự dịch chuyển theo hướng gia tăng chuyển đổi số, công nghệ. Theo dõi một năm qua, nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn trên toàn cầu đã đặt chân đến Việt Nam như Nvidia, Amazon, Google, Intel, Microsoft, Tesla, Apple… và đặt vấn đề hợp tác. Chưa hết, nhiều tập đoàn đầu ngành của Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tăng cường rót vốn đầu tư vào Việt Nam.

Nhưng, như vừa đề cập, những mảng tối đan xen khi Việt Nam đối mặt với những vấn đề như áp lực lạm phát gia tăng, nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và khối FDI, tỷ giá leo thang, nợ xấu hệ thống ngân hàng khi thị trường bất động sản còn nhiều điều đáng bàn… Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang phải đối mặt thêm với ẩn số. Mới nhất là câu chuyện ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, hay nguy cơ carry trade trở lại. Điều này càng khiến giới phân tích khó đoán định hơn khi đánh giá về triển vọng đầu tư năm 2025.

vpbanks-talk-04-anh-2.png

Về dòng tiền trên thị trường chứng khoán, câu chuyện chủ đạo trong năm 2024 là hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục bất chấp việc Việt Nam tiến gần hơn với mục tiêu nâng hạng theo tiêu chuẩn FTSE Russell sau khi gỡ bỏ quy định về ký quỹ trước giao dịch (prefunding). Trong 11 tháng năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng gần 90.000 tỷ đồng khỏi chứng khoán Việt Nam và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lực cầu đối ứng từ khối ngoại bán ra là nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Trong bối cảnh đó, hội thảo được tổ chức với hai phiên thảo luận chính là Bức tranh vĩ vô và triển vọng thị trường, sau đó là phiên đánh giá về Triển vọng các ngành trọng tâm trong năm 2025.

Sự kiện được kỳ vọng sẽ đưa ra những góc nhìn nền tảng cho nhà đầu tư về triển vọng thị trường chứng khoán trong năm tới và đáp án cho bài toán của số đông là “trồng cây gì, nuôi con gì” vào năm 2025.

Lê Vân