Vấn đề - Nhận định

Kết quả công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra đối với lĩnh vực giao thông vận tải

Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải 12/12/2024 - 10:35

Trước những tác động tiêu cực từ cơn bão số 3 (bão Yagi), toàn ngành giao thông đã vào cuộc tích cực để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão gây ra đối với lĩnh vực giao thông vận tải.

I. Chủ động phối hợp triển khai phòng, chống bão, mưa lũ

Ngay khi nhận được các thông tin về cơn bão số 3 và các công điện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chủ động, quyết liệt triển khai công tác PCTT tới tất cả các cơ quan, đơn vị của Bộ nhằm ứng phó hiệu quả với cơn bão số 3, giảm thấp nhất thiệt hại đối với tài sản và các cơ sở vật chất của ngành (đã ban hành 8 công điện, 6 công văn chỉ đạo). Đồng thời Bộ GTVT cũng đã phối hợp, hỗ trợ tối đa cho các địa phương bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ do hoàn lưu bão gây ra với phương châm “4 tại chỗ”.

1. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 24h/24h khi có thông tin về bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời nắm bắt thông tin, theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về diễn biến, thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra theo quy định hiện hành. Khi điều kiện thời tiết không cho phép, yêu cầu dừng khai thác sân bay, cảng biển, dừng khai thác chạy tàu, hạn chế, cấm phương tiện lưu thông trên đường quốc lộ.

2. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tại khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng tổ chức cứu nạn, cứu hộ và khắc phục nhanh nhất sự cố do bão lũ gây ra, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm; tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực nước chảy siết, vị trí bị sạt lở; tổ chức trực ban 24/24 và theo dõi sát diễn biến của bão số 3 để có phương án ứng phó kịp thời.

3. Trước khi bão số 3 đổ bộ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục trưởng các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành chủ trì đi kiểm tra, công tác chuẩn bị ứng phó thuộc lĩnh vực quản lý; thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chủ động ứng phó; Lãnh đạo Bộ GTVT đã tham gia các Đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo tại các địa phương về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ gây ra; chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam điều phương tiện, lực lượng khẩn trương tiếp cận hiện trường để tổ chức tìm kiếm người còn mất tích trên biển; ngay sau khi nhận được thông tin về thiệt hại do sạt lở, lũ quét gây thiệt hại tại làng Nủ - Bảo Yên - Lào Cai (sáng ngày 10/9), Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị đường bộ huy động lực lượng, thiết bị, phối hợp với các lực lượng của địa phương triển khai khắc phục ngay các điểm sạt, trượt, thông tuyến để mở đường cho các lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường trong thời gian sớm nhất.

bao-so-3.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

II. Tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông

1. Thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Tổng số vị trí bị ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 4.177 vị trí, đoạn đường bị thiệt hại, trong đó có 820 vị trí bị tắc đường, đến nay, cơ bản các tuyến quốc lộ đã thông đường; sập đổ 2 nhịp cầu Phong Châu nằm trên Quốc lộ 32C, bắc qua Sông Hồng tại tỉnh Phú Thọ; cầu phao Ninh Cường trên Quốc lộ 37B tỉnh Nam Định bị hư hỏng nặng, phải sửa chữa để bảo đảm an toàn mới khai thác được tiếp; hàng trăm báo hiệu đường bộ bị gãy, đổ và các hư hại khác cần được sửa chữa, khắc phục, thay thế.

Thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khoảng 2.530 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới với dự kiến khoảng hơn 800 tỷ đồng).

Thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; trên 30 vị trí sạt lở đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đá; hàng trăm vị trí cây đổ vào đường dây thông tin, tín hiệu; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phải điều chỉnh kế hoạch chạy tàu và bãi bỏ 22 chuyến tàu hàng, 54 chuyến tàu khách trên các tuyến đường sắt quốc gia.

Thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư khoảng 130 tỷ đồng (trên 30 vị trí sạt lở đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá; hàng trăm vị trí cây, vật kiến trúc đổ vào đường sắt, đường dây thông tin, tín hiệu);

Thiệt hại của doanh nghiệp khoảng 48 tỷ đồng, trong đó: thiệt hại về tài sản do doanh nghiệp đầu tư khoảng 20 tỷ đồng (17 đầu máy, nhiều phương tiện thiết bị ngập nước, nhiều khu nhà cung cầu, cung đường, lưu trú, trụ sở làm việc bị tốc mái, đồ tường rào); thiệt hại doanh thu vận tải đường sắt khoảng 28 tỷ đồng (do bãi bỏ trên 22 chuyến tàu hàng, trên 54 chuyến tàu khách).

2. Các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai thực hiện

Ngay sau khi cơ bão số 3 đi qua, các cấp ủy, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Cán sự đảng và Bộ GTVT về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão, như: Công văn số 575- CV/BCSĐ ngày 30/9/2024 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT (thực hiện thông báo Kết luận của Bộ Chính trị tại các Công văn số 11261-CV/VPTW ngày 9/9/2024 và Công văn số 11350-CV/VPTW ngày 17/9/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng); Công văn số 10293/BGTVT-KCHT ngày 24/9/2024 của Bộ GTVT (triển khai thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3).

Chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết trong thời gian mưa lũ; cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí đường bị ngập nước sâu, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.

Chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ ngay sau khi bão tan, lũ rút để thông đường trong thời gian nhanh nhất; triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp để sửa chữa, khôi phục các công trình giao thông bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; rà soát, đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung theo dõi các cầu yếu trên tuyển đường bộ, đường sắt huyết mạch để có phương án đầu tư sửa chữa, gia cố, nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới đảm bảo yêu cầu PCTT xảy ra trong thời gian tới.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là các nghị định, thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có các quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Tiến hành tổ chức sơ kết, đánh giá và rút kinh nghiệm công tác PCTT trong thời gian vừa qua, để chủ động hơn nữa trong việc phòng ngừa, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, tập thể, cá nhân làm tốt; đồng thời phê bình, xử lý những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, không thực hiện đúng quy định, vi phạm pháp luật.

3. Kết quả đạt được

Về lĩnh vực đường bộ: ngay sau khi bão số 3 suy yếu, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ khẩn trương tập trung nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị tổ chức triển khai khắc phục hậu quả do bão, mưa, lũ gây ra để thông đường trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đường kết nối các vùng dân cư bị cô lập, các trục giao thông chính. Đến nay, giao thông trên tất các các tuyến quốc lộ đã thông tuyến hoàn toàn (kể cả cầu phao Ninh Cưởng trên QL37B).

Về lĩnh vực đường sắt: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực, thiết bị, vật tư khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Đến nay, đã đảm bảo an toàn chạy tàu, trả đường tốc độ theo công lệnh tải trọng và công lệnh tốc độ chạy tàu trên tất cả các tuyến đường sắt.

Về lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa: đã chỉ đạo các đơn vị hàng hải, đường thủy nội địa tăng cường công tác kiểm tra tuyến luồng, kịp thời có biện pháp thu hồi, đưa báo hiệu bị trôi dạt về đúng vị trí, khôi phục báo hiệu hư hỏng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động; đôn đốc các cảng vụ thực hiện phê duyệt phương án trục vớt các tàu, thuyền bị đắm do cơn bão số 3 gây ra; phối hợp và hướng dẫn địa phương phân luồng, phân tuyến khi thi công trục vớt, thanh thải chướng ngại vật. Đến nay, tất cả các cảng biển và phần lớn cảng, bến thủy nội địa khu vực phía Bắc đã trở lại hoạt động bình thường.

Về lĩnh vực hàng không: để đảm bảo an toàn hoạt động bay, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra sân bay, nhà ga, hệ thống thông tin liên lạc, công tác điều hành, chỉ huy bay tại các sân bay dự kiến bị ảnh hưởng của bão số 3. Trong thời gian bão số 3 đổ bộ thì chỉ có 4 sân bay: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân đã phải tạm ngừng khai thác trước 6h khi bão đổ bộ, các cảng hàng không, sân bay, máy bay đều được đảm bảo an toàn và đã trở lại hoạt động bình thường kể từ ngày 7/9/2024.

Về các dự án đang triển khai thi công: Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình đang thi công và các máy móc phục vụ thi công; khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, xây dựng phương án thi công phù hợp để khôi phục thi công các công trình trong thời gian sớm nhất. Đến nay cả 5 dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 3 đều đã triển khai thi công trở lại để đáp ứng tiến độ dự án.

Về tìm kiếm cứu nạn: công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển đã được triển khai kịp thời, hiệu quả. Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các lực lượng chức năng khác tại địa phương trong công tác tìm kiếm cứu nạn. Kết quả đã cứu được 68 người trên 9 tàu thuyền bị nạn do cơn bão số 3 gây ra.

III. Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, để hạn chế tối đa thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra thì công tác dự báo, cảnh báo phải chính xác, kịp thời; công tác chuẩn bị phải được triển khai thực hiện đầy đủ, từ sớm, từ xa với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; chủ động rà soát xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực xung yêu có nguy cơ cao xảy ra sự cố sạt lở, ngập lụt gây chia cắt, cô lập khi xảy ra mưa lũ (đặc biệt là khu vực miền núi); chuẩn bị máy móc, vật tư, thiết bị, nhiên liệu, nhân lực sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra.

Thứ hai, sự quyết liệt, quyết đoán trong trong chỉ đạo, điều hành và kiên quyết trong triển khai các giải pháp ứng phó với bão lũ sẽ giúp giảm thiểu các thiệt hại và khôi phục hoạt động giao thông trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt là phải quyết liệt trong việc chỉ đạo tàu thuyền vận tải vào các khu neo đậu an toàn, hoặc bắt phải di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm (cơn bão số 3 đã làm tốt việc này nên không có tàu vận tải bị sự cố).

Thứ ba, sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT với các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương là yếu tố then chốt trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông; khi có sự cố do thiên tai xảy ra gây ách tắc giao thông phải chú trọng việc cử người trực gác, hướng dẫn giao thông, bố trí phao tiêu, báo hiệu tại các vị trí có nguy cơ nước ngập sâu, nước chảy xiết, lũ quét, sụt trượt gây tắc đường, khi cần thiết phải rào chắn, ban đêm phải cũng dây đèn và cấm đường không cho người, phương tiện qua lại để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Thứ tư, cần phải chú trọng đặc biệt đến việc rà soát hoàn thiện các quy định của pháp luật để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; cần có những quy định phù hợp với đặc thù giải quyết cấp bách, khẩn cấp của công tác khắc phục hậu quả thiên tai (như: khi cần cải tuyến do đứt đường, xử lý ta luy dương có vết nứt nguy cơ sạt lở cao sẽ liên quan đến giải phóng mặt bằng, đất rừng, bố trí bãi tập kết vật liệu, bãi đổ đất đá sụt lở...).

Thứ năm, chú trọng việc ưu tiên đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng nòng cốt trong công tác này; đầu tư thêm tàu tìm kiếm cứu nạn cho Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam để có đủ phương tiện khi cần huy động tham gia tìm kiếm cứu nạn.

IV. Kiến nghị, đề xuất

Đối với Chính phủ và các bộ ngành, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng do bão, mưa, lũ gây ra để sớm ổn định đời sống nhân dân; cũng như cấp bổ sung ngân sách nhà nước cho Bộ GTVT để tổ chức triển khai sửa chữa, khôi phục kết, cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt.

Với các địa phương, đề nghị tiếp tục phối hợp hỗ trợ cơ quan quản lý đường bộ trong việc bố trí khu vực đổ đất, đá bị sụt trượt để tạo thuận lợi cho công tác khắc phục sự có sụt trượt taluy; hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng trong trường hợp khắc phục hư hỏng lớn phải mở rộng đường về phía taluy dương hoặc cải tuyến để đảm bảo an toàn; hỗ trợ cơ quan quản lý hàng hải, đường thủy trong việc bố trí khu vực đổ thải khi nạo vét luồng, lạch do bị bồi lắng không đảm bảo độ sâu chạy tàu.

Về lâu dài, để nâng cao năng lực ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới trên biển đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm: Tiếp tục ưu tiên đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo tình hình thời tiết, thiên tai; xây dựng mạng lưới thông tin cảnh báo nguy cơ sụt trượt, ngập, lũ quét tại các vị trí xung yếu để trên cơ sở đó các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai những phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả; Nghiên cứu, phát triển thêm các khu neo đậu tránh trú bão mới và cải tạo, mở rộng các khu neo đậu tránh trú bão hiện có; Tiếp tục ưu tiên đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng nòng cốt trong công tác này; đầu tư tàu tìm kiếm cứu nạn cỡ lớn hoạt động được dài ngày trên biển cho Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam để đảm bảo hoạt động tìm kiếm cứu nạn khu vực xa bờ và dài ngày trên biển.

Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải