Ngành Ngân hàng An Giang tổ chức sơ kết chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ
Chiều ngày 12/12/2024, ngành Ngân hàng tỉnh An Giang kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp hai bên giai đoạn 2023-2027.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Minh Chánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, thực hiện Chương trình phối hợp số 816/CTPH-NHNN-HLHPN, ngày 28/6/2023 giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh An Giang giai đoạn 2023 – 2027, hai cơ quan đã làm tốt nhiệm vụ thực hiện các chính sách tài chính toàn diện, tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Về thực hiện hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh năm 2024 được lồng ghép triển khai, quán triệt tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh, trong đó cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển tài chính toàn diện trong hệ thống Hội. Đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ Hội LHPN các cấp quản lý đạt 1.646 tỷ đồng, tăng 297 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ lệ 30,23% so với 4 Hội đoàn thể khác; số hộ có dư nợ là 44.800 hộ, với 937 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), nợ quá hạn 13 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,79% (giảm 0,12% so năm 2023). Tổng doanh số cho vay trong năm 2024 thông qua các cấp Hội là 424 tỷ đồng. 100% tổ TK&VV tham gia gửi tiết kiệm, với dư nợ tiết kiệm đạt 126 tỷ đồng.
Chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn: Hội LHPN tỉnh quản lý 937 tổ TK&VV (giảm 9 tổ so với năm 2023). Có 454 cán bộ Hội LHPN các cấp và Tổ TK&VV cài đặt phần mềm Quản lý tín dụng chính sách NHCSXH.
Đáng chú ý, đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho người dân, trong đó có phụ nữ, như: xây dựng sản phẩm tín dụng phù hợp cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo và yếu thế, ưu tiên hỗ trợ vốn vay cho các mô hình sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để chị em tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Phối hợp với Ngân hàng Agribank tỉnh thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến cuối tháng 10/2024, các cấp Hội duy trì 04 tổ TK&VV, với 19 thành viên, tổng dư nợ đạt 1,222 tỷ đồng. Do làm tốt công tác tuyên truyền và xét duyệt hồ sơ, đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích đến nay không phát sinh nợ xấu. Ngoài ra, Hội LHPN các cấp giới thiệu cho 144 khách hàng vay tín chấp, với dư nợ 19 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các cấp chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, qua đó, các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho 692 khách hàng, với số tiền trên 11 tỷ đồng để tạo đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Trong quá trình triển khai phối hợp, Hội LHPN các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn hội viên, phụ nữ và nhân dân cách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính thông qua các ứng dụng công nghệ trong quản lý chi tiêu cá nhân, hộ gia đình hiệu quả, an toàn do các tổ chức tín dụng được cấp phép cung cấp như: thanh toán, chuyển khoản, tiết kiệm, tín dụng, đặc biệt là kỹ năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng…
Ngoài ra, Hội LHPN các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như: doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của ngân hàng, các tổ chức tín dụng được cấp phép để giao dịch thanh toán, chuyển khoản… trong các hoạt động giao thương.
Đáng chú ý, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ Hội LHPN các cấp, với 342 lượt cán bộ Hội LHPN các cấp tham dự. Các lớp tập huấn đã cung cấp kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng....
Có thể nói, kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa NHNN chi nhánh tỉnh An Giang và Hội LHPN tỉnh đã góp phần hỗ trợ nhiều hộ gia đình do phụ nữ làm chủ cải thiện sinh kế, mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.