Tài chính xanh trong ASEAN+3: Cân bằng giữa tính bền vững và sự ổn định tài chính
Mới đây, nhóm chuyên gia của Văn phòng nghiên cứu vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã có một số bình luận về vấn đề cân bằng giữa tính bền vững và sự ổn định tài chính xanh trong khu vực ASEAN+3.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lo ngại về biến đổi khí hậu gia tăng, khu vực ASEAN+3 đã và đang mở rộng các nỗ lực tài chính xanh của mình. Trong khi lợi ích của tài chính xanh đối với sự phát triển bền vững về môi trường và kinh tế đã được công nhận rộng rãi, thì tác động của chúng đối với sự ổn định tài chính vẫn còn ít được biết đến.
Tính đến đầu năm 2024, lượng trái phiếu xanh của ASEAN+3 chiếm khoảng 20% trong tổng số trái phiếu xanh toàn cầu phát hành, phản ánh nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực. Vay thông qua trái phiếu xanh có vẻ rẻ hơn trái phiếu thông thường do có greenium(chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu xanh và trái phiếu thông thường), nhưng điều quan trọng là phải định lượng quy mô và đánh giá xem điều đó có hợp lý hay không.
Phân tích của AMRO cho thấy trái phiếu xanh ở ASEAN+3 cung cấp grenium trung bình là 15 điểm cơ bản trên thị trường sơ cấp. Hơn nữa, tỷ lệ grenium lớn hơn được quan sát thấy ở trái phiếu xanh được chứng nhận bởi một bên đáng tin cậy hoặc được định giá bằng đồng nội tệ.
Chi phí vay thấp hơn này đặc biệt có lợi cho việc tài trợ cho các dự án xanh, vì những dự án này thường đòi hỏi những khoản đầu tư với thời hạn dài hơn. Trong bối cảnh lãi suất tương đối cao hiện nay và mức nợ ngày càng tăng, khoản grenium này giúp giảm thiểu rủi ro ổn định tài chính bằng cách giảm bớt gánh nặng cho người đi vay, do đó làm giảm khả năng vỡ nợ và giúp duy trì sự ổn định tài chính.
Tuy nhiên, không phải tất cả các phát hiện đều tích cực. Greenwashing (tẩy xanh) - đưa thông tin sai lệch về lợi ích môi trường của một sản phẩm hoặc khoản đầu tư - có thể gây ra rủi ro đáng kể đối với sự ổn định tài chính bằng cách làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư; gây ra tình trạng rút vốn có thể dẫn đến điều chỉnh giá tài sản mạnh và bất ổn thị trường.
Bằng chứng từ lĩnh vực xây dựng xanh cho thấy, các công ty phát hành trái phiếu xanh cho các dự án như vậy thậm chí còn làm tăng lượng khí thải carbon, làm dấy lên mối lo ngại cho các cơ quan quản lý về khả năng tẩy xanh.
Mặc dù rủi ro trước mắt đối với sự ổn định tài chính có thể là rất nhỏ vì tỷ trọng trái phiếu xanh vẫn còn nhỏ trong toàn bộ thị trường trái phiếu, nhưng những rủi ro này có thể tăng lên nếu các công ty khai thác mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư bằng cách phát hành thêm trái phiếu xanh mà không xác minh hoặc giám sát đúng mức việc sử dụng quỹ.
Một rủi ro ổn định tài chính khác từ sự chuyển dịch nhanh chóng sang tài chính xanh có thể phát sinh từ các tài sản bị mắc kẹt - các tài sản có thể mất giá trị kinh tế do các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu (thay đổi về môi trường, quy định hoặc thị trường) - trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn. Những tài sản này gây ra rủi ro cho các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề từ các lĩnh vực thâm dụng carbon, vì chúng có thể làm suy yếu danh mục cho vay, làm tăng khả năng vỡ nợ tín dụng và làm giảm giá trị tài sản.
Tài sản bị mắc kẹt có thể làm giảm tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng 1,18% ở các nền kinh tế ASEAN+3 (Trung Quốc; Hồng Kông, Trung Quốc; Nhật Bản; và Hàn Quốc) và 1,53% ở các nền kinh tế ASEAN. Điều này nhấn mạnh nhu cầu đưa rủi ro của tài sản bị mắc kẹt vào khuôn khổ quản lý rủi ro toàn diện.
Hơn nữa, các yếu tố về khí hậu nên được đưa vào khuôn khổ quản lý ngân hàng để ngăn chặn tình trạng dễ bị tổn thương liên quan đến tài sản bị mắc kẹt tích tụ trong danh mục đầu tư của ngân hàng.
Việc giảm bất đối xứng thông tin bằng cách thực thi phân loại xanh được thiết kế tốt cũng rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro tẩy xanh. Đánh giá của AMRO về phân loại xanh đã phát hiện ra rằng các phân loại xanh quốc gia do các nền kinh tế ASEAN+3 được lựa chọn phát triển nhìn chung hoạt động tốt dựa trên 5 nguyên tắc. Tuy nhiên, vẫn còn có thể cải thiện hơn nữa trong các lĩnh vực kết hợp thông tin dựa trên thực thể và thực thi việc tiết lộ dữ liệu.
Các cơ quan quản lý tài chính ASEAN+3 nhận ra rủi ro của tài sản bị mắc kẹt từ sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động cho vay xanh và đã thực hiện các bước quan trọng để giải quyết trên mặt trận quản lý ngân hàng, bao gồm ban hành các kế hoạch chuyển đổi và hướng dẫn quản lý rủi ro khí hậu và khuyến khích các ngân hàng đưa rủi ro khí hậu vào bài kiểm tra căng thẳng, phù hợp với các Nguyên tắc cốt lõi của Basel về giám sát ngân hàng hiệu quả.
Có thể làm nhiều hơn nữa để tích hợp đầy đủ các nguyên tắc này vào các thực hành hiện tại, chẳng hạn như bao gồm đưa rủi ro về khí hậu trong tính toán tài sản có rủi ro và củng cố kỳ vọng giám sát.
Tài chính xanh là điều cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững hơn, mặc dù chúng ta vẫn còn lâu mới thu hẹp được khoảng cách về vốn. Để khai thác hết tiềm năng của tài chính xanh, đồng thời bảo vệ sự ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo tính minh bạch, xác minh chặt chẽ và giám sát theo quy định để duy trì niềm tin vào tài chính xanh.