Thu được hơn 30.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng từ công tác thi hành án dân sự trong năm 2024
Ngày 17/12/2024, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2025. Đến dự và chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Báo cáo kết quả công tác tại hội nghị cho thấy, trong năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ.
Cụ thể, công tác xây dựng pháp luật ngày càng chủ động, tích cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực để phát triển; công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với trên 621.000 việc được thi hành xong, thu được trên 117.000 tỷ đồng (tăng hơn 45.000 việc và tăng hơn 27.000 tỷ đồng so với năm 2023).
Trong đó, đã thi hành xong 6.252 việc, thu được hơn 30.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng; thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22.000 tỷ đồng đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng (đặc biệt vụ Tân Hoàng Minh với tổng số bị hại là 6.630 người; cơ quan THADS đã xử lý chi trả cho 6.492 bị hại với số tiền hơn 8.600 tỷ đồng). Việc theo dõi thi hành án hành chính ngày càng hiệu quả hơn. Các cơ quan đã thi hành xong 896 bản án, quyết định hành chính (tăng 314 so với năm 2023).
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Đến nay, đã số hóa hơn 3 triệu sổ với 95,8 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên 79,3 triệu dữ liệu và được kết nối, chia sẻ thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Hiện cả nước có 6.024 tổ chức hành nghề luật sư, 1.469 tổ chức hành nghề công chứng, 491 tổ chức đấu giá tài sản, 719 tổ chức giám định tư pháp, 207 văn phòng thừa phát lại và hơn 86 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản....
Công tác pháp luật quốc tế ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hội nhập của đất nước....
Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2025, Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, Bộ sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới"...
Thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của Bộ, ngành...
Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Chú trọng phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế về pháp luật. Tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ nhất.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành...