Các Hiệp hội ngành, nghề

Ảnh hưởng của bão số 3 đối với thủy sản – Các biện pháp khôi phụ và phát triển thủy sản sau

Hoàng Đình Yên - Tổng Thư ký, Hội Thủy sản Việt Nam 17/12/2024 13:41

Nhiều hội viên của Hội Thủy sản là các doanh nghiệp và bà con nông ngư dân ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Bắc Ninh... bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây nên.

Bão số 3/2024 (bãoYagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông có sức tàn phá rất mạnh, đã gây mưa lớn, lũ lụt kéo dài, sạt lở đất ở nhiều tỉnh khu vực miền Bắc, làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản; ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội của nhân dân các tỉnh miền Bắc, trên lĩnh vực thủy sản nhiều ao hồ nuôi trồng thủy sản bị hư hại nặng, nhiều lồng bè bị trôi, bị hỏng; nhiều cơ sở sản xuất con giống, thức ăn, vật tư thủy sản bị thiệt hại, các sản phẩm nuôi trồng thủy sản bị nước lũ cuốn trôi, nhiều tàu cá của ngư dân bị chìm đắm, va đập hư hỏng nặng, nhiều cơ sở hạ tầng thủy sản bị thiệt hại nặng nề…

ca-long-be_1726110548.jpg

Những thiệt hại đối với thủy sản

Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các hội viên hội Thủy sản tại các địa phương và của Cục Thủy sản ở khu vực miền Bắc, bão, lũ đã gây thiệt hại lớn đến nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt, vỡ bờ bao khoảng 33.527 ha trong đó: diện tích nuôi tôm nước lợ thiệt hại 9474 ha, diện tích thủy sản nước ngọt bị ngập lụt 16.063 ha, diện tích nuôi nhuyễn thể và thủy hải sản khác là 7.990 ha; số lồng bè bị thiệt hai khoảng 14.532 ô lồng (khoảng 754.050 m3) trong đó: lồng nuôi nước ngọt là 2.110 ô lồng và lồng nuôi nước mặn là 12.442 ô lồng; một số trung tâm sản xuất giống thủy sản bị hư hại nhà xưởng, khu sản xuất, lồng bè nuôi giữ cá bố mẹ bị trôi dạt, nhiều khu ao nuôi bị ngập, một số loai thủy sản đang nghiên cứu bị chết. Thiệt hại về lĩnh vực khai thác thủy sản với 169 tàu cá bị chìm, nhiều tàu bị hư hỏng do bị va đập; nhiều khu tránh trú bão cho tàu cá và cảng cá bị hư hỏng .

Tổng giá trị thiệt hại về thủy sản khoảng 6.420 tỷ đồng trong đó: số tiền thiệt hại về nuôi trồng thủy sản ước khoảng 6.180 tỷ đồng; thiệt hại về khai thác khoảng 50 tỷ đồng; thiệt hại cảng cá, khu tránh trú bão cho tàu cá và các lĩnh vực khác khoảng hơn 190 tỷ đồng.

Nhiều hội viên của Hội Thủy sản là các doanh nghiệp và bà con nông ngư dân ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng,Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Bắc Ninh... bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây nên.

Các hoạt động khắc phục thiệt hại

Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng của Trung ương, địa phương đã rất khẩn trương, quyết liệt, tích cực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, ổn định đời sống cho nhân dân các vùng bị bão, lũ.

Theo lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản kêu gọi các tổ chức cá nhân trong ngành chung tay ủng hộ, hỗ trợ nông, ngư dân phục hồi sản xuất sau bão. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến ngày 30/9/2024 các đơn vị trong ngành thủy sản đã cam kết hỗ trợ người dân bị thiệt hại bão, lũ bằng tiền mặt, thức ăn, con giống, thuốc, hóa chất, chất xử lý, cải tạo môi trường, phao, lồng, xuồng và các vật tư khác với tổng giá trị ủng hộ khoảng 110.130.000.000 đồng. Trên cơ sở thống kê tình hình thiệt hại của các địa phương, đơn vị Cục Thủy sản đã gửi công văn đến các tỉnh phía bắc phân bỗ nguồn hỗ trợ đến các đơn vị và người dân bị thiệt hại (theo Cục Thủy sản)

Ngay sau bão số 3 Hội thủy sản Việt Nam đã có công văn gửi các đơn vị hội viên đề nghị thống kê tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hai do bão, lũ, tổ chức thăm hỏi động viên hội viên và bà con bị thiệt hại do bão, lũ gây nên.

Hội Thủy sản Việt Nam cũng đã có văn bản kêu gọi các hội viên, cán bộ, nhân viên của Hội tham gia ủng hộ, chia sẽ khó khăn với bà con các vùng bị thiệt hai do bão lũ gây nên. Đến ngày 14/10/2024, Hội đã quyên góp được số tiền 55 triệu đồng. Số tiên này Hội đã chuyển vào tài khoản của Mặt trận tổ quốc Việt Nam 25 triệu và chuyển vào tài khoản của Trung tâm tư vấn kỹ thuật và dịch vụ KHCN thủy sản- thuộc Hội nghề cá Hải phòng (theo đề nghị của Cục thủy sản) 30 triệu đồng để ủng hộ cho bà con nông ngư dân TP. Hải Phòng bị thiệt hại do bão lũ.

Ngoài ra, các đơn vị và cá nhân thuộc Hội đã ủng hộ trực tiếp tại Mặt trận tổ quốc Việt Nam các địa phương hoặc các đơn vị liên quan khác cả bằng tiền và bằng vật chất hàng trăm triệu đồng như: Công ty Công nghệ Tiêu chuẩn Sinh học Vĩnh Thịnh ủng hộ qua Mặt trận tổ quốc TP. Hồ Chí Minh 78,3 triệu đồng, Công ty Công nghệ Hóa sinh ủng hộ bằng tiền 20 triệu đồng và bằng hiện vật giá trị khoảng 200 triệu đồng, cùng nhiều tổ chức cá nhân khác ủng hộ trực tiếp tại các đơn vị, địa phương nhằm chia sẽ những khó khăn mất mát với đồng bào bị thiệt hại bão, lũ.

Các kiến nghị đề xuất

Kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bão số 3 làm nhiều ao hồ nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng nặng, lồng bè nuôi bị trôi và cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều tàu cá bị chìm, bị hư hỏng, ngư cụ bị trôi mất, sau bão nhiều luồng lạch ra vào ở các tỉnh phía Bắc bị bồi lấp, bị cạn gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào. Các cảng cá và khu neo đậu bị hư hại, xuống cấp... Vì vậy, xin kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Có hướng dẫn tổ chức lại các vùng nuôi tập trung, chỉ đạo việc bố trí lại lồng bè ở các vùng nuôi trồng thủy sản trên biển tại các các địa phương nhằm phát triển nuôi biển an toàn và bền vững trên cơ sở tuân thủ các quy định của luật thủy sản 2017; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương vùng bị lũ lụt tổ chức thực hiện quan trắc, giám sát môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản đảm bảo chất lượng môi trường nước tốt trước khi thả giống nuôi trồng thủy sản.

- Rà soát, tổng hợp nhu cầu các loại giống nuôi trồng thủy sản cần thiết, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và người dân lựa chọn những giống loài thủy sản nuôi trồng phù hợp với điều kiện vùng nuôi; tạo điều kiện và hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân được nhập khẩu tôm, cá bố mẹ, con giống đảm bảo chất lượng để cung ứng cho người nuôi thủy sản phục hồi sản xuất tại các vùng bị thiệt hai và đáp ứng số lượng phục vụ cho nhu cầu sản xuất nuôi trông thủy sản trong vụ tới.

- Về nuôi biển, Chính phủ đã có quy định cụ thể về giao mặt nước biển và cấp phép cho nuôi trồng thủy sản trên biển, tuy nhiên hiện còn có nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính trong việc giao quyền sử dụng mặt nước biển và cấp phép cho nuôi biển nên doanh nghiệp và người nuôi gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân phát triển nuôi biển được thuận lợi và đúng quy dịnh.

- Về lâu dài, các chương trình dự án của ngành thủy sản cần được lồng ghép với công tác phòng chống thiên tai nhất là ở các khu vực biển, ven biển và vùng hồ đập dễ bị sạt lở; Đề nghị Bộ trình Thủ tướng Chính phủ tăng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực thủy sản, quan tâm bổ sung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và đầu tư nạo vét luồng lạch, nâng cấp cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan: Đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hai do thiên tai, dịch bệnh.

Với lý do, trong Nghị định số 02/2017 chưa có quy định hỗ trợ cho ngư dân khai thác và các hoạt động dịch vụ khai thác thủy sản, chưa có đối tương là các tổ chức doanh nghiêp sản xuất thủy sản, vì vậy đề nghị bổ sung các đối tượng này và hỗ trợ một phần chí phí trục vớt tàu thuyền, phương tiện bị chìm đắm do bão gây ra cho tàu cá; mặt khác nghị định được ban hành từ năm 2017 đến nay đã có sự trượt giá lớn trong những năm vừa qua, đề nghị cho điều chỉnh tăng mức hỗ trợ để phù hợp với tình hình thời giá hiện nay.

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nuôi trồng thủy sản Biển và đầu tư nâng cấp cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, nạo vét luồng lạch ra vào, để khắc phục hậu quả bão, lũ vừa qua cũng như đáp ứng cho nhu cầu phát triển thủy sản trong thời gian tới.

Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất sửa đổi các chính sách miễm, giảm, gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất thủy sản bị thiệt hại do bão lũ vừa qua.

Ngân hàng có cơ chế cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản đảm bảo; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay mới và cho vay bổ sung đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã; nông, ngư dân bị thiệt hại do bão lũ gây ra nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục lại xản xuất và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Hội Thủy sản Việt Nam chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng ở trung ương và địa phương tham gia tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sánh của Nhà nước, kế hoạch của ngành, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động hội viên, ngư dân khắc phục khó khăn, tiếp tục tái sản xuất và ổn định đời sống.

Hoàng Đình Yên - Tổng Thư ký, Hội Thủy sản Việt Nam