Kết nối

An Giang tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

ThS. Trần Trọng Triết 17/12/2024 15:49

Chiều ngày 17/12, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện "Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

z6138943881495_e13a96d367c678cf77471b73503d7cde.jpg
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết, kế hoạch của tỉnh, năm 2024 sẽ có 20.609 héc-ta sản xuất theo quy trình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, kết quả đến nay đã triển khai thực hiện 18 mô hình, mỗi mô hình 50 héc-ta, với tổng diện tích 900 héc-ta tại 9 huyện/thị/thành và 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với diện tích 52 héc-ta tại 4 huyện Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn và Thoại Sơn.

Về phía địa phương có Phú Tân, Châu Phú đã triển khai 165 héc-ta theo quy trình 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong vụ Thu Đông vừa qua. Song hành với các mô hình, tỉnh cũng cũng đã triển khai 93 lớp tập huấn tuyên truyền về thực hiện các tiêu chí 1 triệu héc-ta và 12 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác theo đúng tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các địa phương trên địa bàn.

Với những kết quả khả quan của mô hình điểm có tác động giúp nông dân thay đổi dần tập quán và tư duy trong việc sản xuất theo hướng bền vững và tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật sản xuất một cách chặt chẽ.

Đáng chú ý, các mô hình cho thấy đã giảm lượng giống trung bình 67kg lúa giống/héc-ta. Chi phí sản xuất giảm trung bình 4-5 triệu đồng/héc-ta; Lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng 3,6-5,3 triệu đồng/héc-ta. Các mô hình điểm được thực hiện theo quy trình sản xuất 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao để làm cơ sở cho người sản xuất có cơ hội tham quan, học tập và làm theo, làm cơ sở để nhân rộng cho kế hoạch trong thời gian tới.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua Agribank An Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng, tiên phong triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối tượng khách hàng, hỗ trợ tối đa, cùng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Tích cực triển khai nhiều sản phẩm tín dụng với nhiều ưu đãi về lãi suất và thời hạn cho vay linh hoạt phù hợp với từng nhu cầu sản xuất kinh doanh của khách hàng. Đến nay, dư nợ tín dụng đạt 18.553 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 80% dư nợ, đứng đầu toàn tỉnh về dư nợ cho vay.

Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết, thời gian tới, Agribank An Giang tiếp tục điều hành kế hoạch kinh doanh, hoạt động tín dụng và huy động vốn trên cơ sở triển khai có hiệu quả cơ chế quản lý vốn tập trung một cách toàn diện. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, lấy khách hàng làm trọng tâm trong mục tiêu hướng tới phát triển bền vững; tiếp tục đồng hành với địa phương thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lĩnh vực thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Tập trung thẩm định cho vay chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến – lưu trữ - tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao.

Để nông dân tiếp cận mô hình, mạnh dạn thực hiện theo Đề án tại địa phương, vụ Đông Xuân 2024 - 2025 toàn tỉnh sẽ triển khai 47 mô hình với diện tích là 526 héc-ta. Giải pháp thực hiện ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực kinh tế tập thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh phát triển các tổ chức đại diện nông dân gắn với thực hiện liên kết sản xuất nông sản theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực kỹ năng, kiến thức về thị trường, chuyển đổi số, tư vấn hướng dẫn kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử,... cập nhật kiến thức chuyên môn phục vụ thực hiện "Đề án Phát triển bền vững một triêu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Xây dựng các mô hình áp dụng triệt để quy trình sản xuất lúa theo Đề án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; tập trung đầu tư trang bị cho các hợp tác xã/tổ hợp tác đảm bảo áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất làm tiền đề thúc đẩy, nhân rộng mô hình theo kế hoạch đề ra.

Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang cho thấy: Dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55 và Thông tư số 10 của Ngân hàng Nhà nước) đến nay đạt 77.446 tỷ đồng, tăng 9,82% so với cuối năm 2023, chiếm 63,90% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó: dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 20.182 tỷ đồng, tăng 21,39% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 16.559 tỷ đồng, tăng 10,91% so với cuối năm 2023.

ThS. Trần Trọng Triết