Ngành Ngân hàng trên địa bàn Hải Phòng triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả của bão số 3
Chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.
Tình hình triển khai công tác khắc phục hậu quả bão trên địa bàn:
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hải Phòng, đến ngày 31/10/2024, có tổng số 13.873 khách hàng với tổng dư nợ là 29.407 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, thủy sản, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Sau khi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do Siêu bão Yagi để lại, ngày 11/9/2024, NHNN Chi nhánh Hải Phòng đã phối hợp với NHNN Việt Nam tổ chức buổi làm việc về tình hình thiệt hại của ngân hàng, khách hàng do bão Yagi gây ra tại tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh nhằm thống kê sơ bộ thiệt hại do bão số 3 gây ra tại 2 tỉnh thành phố và triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 108/CĐ-TTg, Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 và chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 7072/VP-TL ngày 2/10/2024 nhằm đẩy nhanh tốc độ khôi phục sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp sau bão.
Chỉ đạo các Chi nhánh TCTD, QTDND trên địa bàn tiếp tục chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; tích cực hơn nữa để xem xét, miễn giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại, xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo quy định hiện hành… định kỳ báo cáo gửi về NHNN Hải Phòng để nắm bắt tình hình khắc phục.
Nghiên cứu, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn qua đó đề xuất sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Tổ chức các đoàn công tác làm việc tại một số Chi nhánh TCTD, QTDND trên địa bàn liên quan đến công tác triển khai hỗ trợ khách hành sau bão và gặp gỡ, động viên, chia sẻ trực tiếp với các khách hàng đang vay vốn tại các TCTD bị ảnh hưởng bởi bão số 3; nắm bắt, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ, các giải pháp triển khai hỗ trợ khách hàng.
Kết quả thực hiện
Ủng hộ thành phố thông qua Mặt trận tổ quốc, Hội nông dân, các quận huyện số tiền 3,5 tỷ đồng;
Ủng hộ, hỗ trợ khách hàng: Các chi nhánh TCTD đã khẩn trương nắm bắt tình hình hoạt động của các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc cũng như tình hình kinh doanh của khách hàng vay vốn để thống kê, ước tính thiệt hại. Kịp thời triển khai các các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra theo Chỉ đạo của NHNN, Hội Sở chính. Thực hiện điều chỉnh giảm từ 0,5 - 2% lãi suất cho vay và miễn giảm 75-100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 và lũ lụt sau bão số 3 trên địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão, lũ lụt; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho một số khách hàng bị ảnh hưởng do bão
Dự kiến cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 15 khách hàng, tổng dư nợ là 106 tỷ đồng; miễn giảm lãi suất cho 654 khách hàng với tổng số tiền là 3.532 tỷ đồng; cho vay mới 7.411 khách hàng, doanh số cho vay dự kiến là 535 tỷ đồng.
Trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 64 Chi nhánh tổ chức tín dụng, 1 Trung tâm quản lý tiền mặt, 20 Ngân hàng Nông nghiệp loại 2, 245 Phòng giao dịch và 26 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động.
Về tình hình hoạt động của các Chi nhánh TCTD, QTDND trên địa bàn thời điểm ngày 31/10/2024:
- Tổng nguồn vốn huy động đạt 347 nghìn tỷ đồng, tăng 5,37% so với 31/12/2023.
- Tổng dư nợ cho vay đạt 239 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với 31/12/2023.
- Nợ xấu bằng 1,5% tổng dư nợ.
Khó khăn vướng mắc
Theo chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN, để hỗ trợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão lũ, kéo dài thời gian trả nợ, giảm áp lực tài chính, các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 (đã được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024). Tuy nhiên qua rà soát, hầu hết các khoản vay có nhu cầu cơ cấu nợ đều không đáp ứng điều kiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 và Thông tư 06 của NHNN, cụ thể: không đáp ứng điều kiện “Dư nợ gốc phát sinh trước ngày Thông tư 02 có hiệu lực” tức ngày 24/4/2023. Thực tế, tất cả các khoản vay ngắn hạn và nhiều khoản vay trung dài hạn của khách hàng đều phát sinh sau thời điểm 24/4/2023, do đó việc cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng còn nhiều khó khăn.
Theo quy định tại Nghị định 86/2024/NĐ-CP ngày 11/7/2024 và Thông tư 31/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024 thì các ngân hàng chỉ được đánh giá tài sản bảo đảm về bằng 0 khi thời gian xử lý tài sản là trên 2 năm đối với bất động sản và 1 năm đối với động sản kể từ khi ngân hàng có quyền thu hồi nợ. Tuy nhiên với tình hình kinh tế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, lại thêm thiệt hại nặng nề do bão, điều này sẽ tác động mạnh đến giá trị, tính thanh khoản và khả năng xử lý các tài sản bảo đảm đang thế chấp tại Ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng cần trích lập để tạo nguồn dự phòng bảo vệ cho các rủi ro tín dụng dự kiến sẽ phát sinh nhiều trong thời gian tới.
Một số khách hàng bị thiệt hại nặng nề ở lĩnh vực không sử dụng tiền vay dẫn đến dòng tiền từ phương án kinh doanh ngân hàng đầu tư bị ảnh hưởng dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn nợ quá hạn.
Các giải pháp của ngành Ngân hàng Hải Phòng trong thời gian tới
Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, NHNN Việt Nam và các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về khắc phục hậu quả do bão số 3 và các giải pháp của ngành gân hàng góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão số 3, NHNN Chi nhánh TP. Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo các Chi nhánh TCTD, QTDND trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành.
Huy động cán bộ, nhân viên, thanh niên tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão; tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ cán bộ, nhân viên, các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là hộ nghèo, hộ chính sách để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão này.
NHNN Chi nhánh tích cực, chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn tham mưu cho Ủy ban nhân thành phố các giải pháp để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, các khu vực bị thiệt hại do cơn bão số 3.