Ngành Ngân hàng đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 bằng chính nguồn lực của mình
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành Ngân hàng đối với khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) có thể được đánh giá là một trong các động lực quan trọng giúp doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sau bão.
Trong những năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang diễn ra ngày một phức tạp, khó lường, mức độ ảnh hưởng ngày càng sâu rộng và nghiêm trọng đến môi trường, sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân, đây là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại.
Ở nước ta, điển hình là cơn bão số 3 (Yagi) - cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong trong nhiều thập kỷ qua, đã gây ra hậu quả nặng nề cho 26 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Lào Cai. So với các tỉnh, thành phố, Lào Cai là tỉnh có giá trị bị thiệt hại về kinh tế thấp hơn nhưng lại là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất là về con người (có 137 người chết và 14 người mất tích), tập trung ở một số xã, thôn, bản vùng núi, vùng sâu.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ngay sau khi nhận được thông báo về cơn bão số 3, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai cũng khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân sẵn sàng thực hiện các phương án để đảm bảo an toàn người và tài sản của ngân hàng.
Trước tình hình thiệt hại của những người dân, hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) là khách hàng đang vay vốn tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai đã bám sát diễn biến tình hình mưa lũ, thống kê thiệt hại của chính quyền địa phương, chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo các ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn khẩn trương nắm bắt, thống kê số lượng khách hàng đang vay vốn ngân hàng bị thiệt hại và dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng tại thời điểm bị thiệt hại và kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi bão.
Theo thống kê của các ngân hàng, có 6.791 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, chiếm 11,2% tổng dư nợ toàn địa bàn, với 3.644 khách hàng đang có dư nợ bị ảnh hưởng thuộc các lĩnh vực ngành nghề có hoạt động trong khu vực bị bão lũ. Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng là ngành có dư nợ bị ảnh hưởng chiếm tỷ trọng nhiều nhất (49%) với 103 khách hàng (chủ yếu là doanh nghiệp), thiệt hại nặng nề nhất là các dự án thủy điện (có 19 nhà máy thủy điện bị ảnh hưởng), nhiều nhà máy phải tạm dừng phát điện, đến nay còn một số nhà máy thủy điện vẫn chưa thể hoạt động trở lại được (như thủy điện Nậm Lúc – huyện Bắc Hà). Bên cạnh thiệt hại nặng nề của các dự án thủy điện, dư nợ cho vay đối với ngành nông nghiệp và thương mại dịch vụ cũng bị ảnh hưởng, tuy giá trị dư nợ không lớn nhưng số lượng khách hàng lại chiếm tỷ trọng chủ yếu (97,2%).
Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các ngân hàng thực hiện ngay các giải pháp phù hợp để hỗ trợ khách hàng, như:
(1) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành;
(2) thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
(3) xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 và Quyết định 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/5/2021 của Thủ tướng Chính Phủ;
(4) giảm từ 0,5%/năm - 2%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị thiệt hại (tùy theo mức độ thiệt hại của từng khách hàng);
(5) tại Ngân hàng chính sách xã hội chưa thực hiện thu lãi tiền vay đối với khách hàng bị biệt hại do cơn bão số 3 đến hết ngày 31/12/2024;
(6) cho vay mới đối với khách hàng bị thiệt hại với lãi suất hợp lý…
Có thể nói, Ngân hàng là một trong các ngành đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, ngay lập tức thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại bằng chính khả năng tài chính của mình. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành Ngân hàng đối với khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 có thể được đánh giá là một trong các động lực quan trọng giúp doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sau bão.
Với tinh thần “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bằng chính nguồn lực của mình, các ngân hàng nói chung và ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng cũng gặp phải không ít khó khăn, tác động đến hoạt động của các ngân hàng trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại trong cơn bão số 3.
Trước tiên, khách hàng bị ảnh hưởng do bão sẽ khó khăn về hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu nhập trả nợ lãi, gốc vay ngân hàng;
Thứ hai, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm sút, thu nhập của cán bộ, nhân viên, người lao động cũng giảm theo;
Thứ ba, cơn bão số 3 cũng làm thiệt hại đến nhiều tài sản của khách hàng cũng chính là tài sản bảo đảm khoản vay hay là nguồn thu của khách hàng, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng khoản vay, khả năng đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng;
Thứ tư, các ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đặc biệt, “đi vay để cho vay” do đó việc tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động và bảo toàn vốn được đặt lên hàng đầu, các ngân hàng muốn thực hiện các giải pháp, cơ chế hỗ trợ khách hàng nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, do đó rất cần các cơ chế, chính sách riêng biệt để có thể thống nhất áp dụng trong toàn ngành các giải pháp hỗ trợ cho những khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh việc tăng cường đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn rất tích cực, chủ động trong thực hiện các hoạt động hướng về cộng đồng, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội đối với người dân, địa phương bị ảnh hưởng do bão lũ, với số tiền quyên góp, kêu gọi ủng hộ trên 11 tỷ đồng.
Cơn bão Yagi qua đi, để lại nhiều khó khăn, mất mát nhưng điều lớn nhất là ở lại tình người và trách nhiệm. Chính sự đoàn kết, chia sẻ khó khăn trong những hoàn cảnh như vậy đã làm tăng thêm động lực giúp người dân, doanh nghiệp, HTX, các cấp, các ngành cùng vượt qua mọi khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những lúc thuận lợi, chúng ta cùng thụ hưởng thành quả với đất nước, nhân dân và doanh nghiệp, thì khi đất nước, nhân dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, chúng ta cùng nhau chia sẻ với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” đó là truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam, giá trị Việt Nam, con người Việt Nam. Với tinh thần đó tôi tin rằng tất cả người dân, doanh nghiệp, HTX ở các vùng, khu vực và 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức, luôn nhìn về phía trước, hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đặt ra.