Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chứng khoán toàn cầu sau cuộc họp của FED, VN-Index “rơi” 11 điểm
Đà lao dốc chung của thị trường toàn cầu tạo áp lực lên chứng khoán trong nước. Bên cạnh đó, áp lực từ phiên đáo hạn phái sinh cũng góp phần đẩy thị trường chìm sâu trong sắc đỏ, lùi về ngưỡng 1.250 điểm.
Phiên đáo hạn phái sinh cuối cùng của năm 2024, sắc đỏ lan tỏa diện rộng từ sớm cùng sự áp đảo phía áp lực bán khiến VN-Index giảm gần 13 điểm ngay đầu phiên hôm nay (ngày 19/12).
Trong phiên, biên độ giảm có thu hẹp nhờ lực cầu giá thấp xuất hiện, tuy nhiên, động lực chung chưa cân bằng trở lại nên VN-Index tiếp tục vận động giằng co ở biên độ hẹp đến cuối phiên sáng.
Vận động của chỉ số chung ở phiên chiều chưa có sự cải thiện so với phiên sáng. Tới gần cuối phiên, VN-Index trượt điểm mạnh khi thanh khoản bán gia tăng và sau đó biên độ giảm được kéo lại khi lực cầu bắt đáy tham gia giải ngân.
Nguyên nhân chính của nhịp điều chỉnh mạnh hôm nay được cho là phản ứng của thị trường trước thông tin về lộ trình cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) năm 2025.
Chứng khoán Mỹ bán tháo sau khi FED phát tín hiệu giảm tốc độ hạ lãi suất trong năm 2025, sau cuộc họp chính sách tháng 12/2024. Thị trường chứng khoán Mỹ đổ dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 18/12 với chỉ số Dow Jones giảm phiên thứ 10 liên tiếp - chuỗi phiên giảm dài nhất trong 50 năm.
Đáng chú ý, ngược dòng thị trường, cổ phiếu YEG tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp. Đây cũng là phiên chứng kiến sắc tím thứ 6 của mã này trong tháng 12.
Đà leo dốc của giá cổ phiếu diễn ra khi Yeah1 gây tiếng vang trên thị trường giải trí, nhờ chuỗi concert hoành tráng theo sau chương trình truyền hình âm nhạc "Anh trai vượt ngàn chông gai".
Tại hội nghị trực tuyến về ngành văn hóa, thể thao, du lịch sáng ngày 18/12 ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính thậm chí gợi ý nhân rộng các mô hình concert, trong đó có "Anh trai vượt ngàn chông gai", để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa.
Khối ngoại bán ròng mạnh với tổng giá trị ròng đạt 483 tỷ đồng, tập trung bán SSI, VCB, VPB. Chiều ngược lại, FPT, KDH và DGC là 3 mã được khối này mua vào nhiều nhất.
Đóng cửa, sàn HOSE có 75 mã tăng và 322 mã giảm, VN-Index giảm 11,33 điểm (-0,89%), xuống 1.254,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 779,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 17.881 tỷ đồng, tăng 46% về khối lượng và 40% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 116,7 triệu đơn vị, giá trị 2.415 tỷ đồng.
Sàn HNX có 57 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,05%), lên 227,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,7 triệu đơn vị, giá trị 1.115,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,16 triệu đơn vị, giá trị 57,4 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,37%), xuống 92,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,5 triệu đơn vị, giá trị 603,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 47,8 triệu đơn vị, giá trị 806 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ hơn 15,1 triệu cổ phiếu VSF, trị giá hơn 480,6 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2412 đáo hạn hôm nay đã giảm 18,7 điểm, tương đương -1,4% xuống 1.312,3 điểm. Khớp lệnh đạt hơn 171.500 đơn vị, khối lượng mở hơn 44.500 đơn vị.
CTCK Vieccombank (VCBS) nhận định, thị trường biến động rung lắc lớn trong phiên khi tâm lý chung có phần bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô cũng như thị trường chứng khoán Mỹ.
VCBSkhuyến nghị các nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán tháo cổ phiếu ở vùng giá thấp mà nên quan sát thêm diễn biến thị trường trong những phiên tới, thậm chí hoàn toàn có thể cân nhắc gia tăng tỉ trọng với các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt cho danh mục đầu tư dài hạn. Mặc dù xác suất rung lắc vẫn hiện hữu nhưng sự xuất hiện của lực cầu bắt đáy cho thấy thị trường sẽ sớm cân bằng và hồi phục ở vùng hỗ trợ 1.250 điểm.