Nga giữ lãi suất chủ chốt ở mức 21%/năm dù lạm phát tăng
Ngân hàng Trung ương Nga đã tạm dừng tăng lãi suất chủ chốt, vẫn giữ ở mức 21%/năm, mặc dù sẽ cần một thời gian dài thực hiện chính sách tiền tệ cứng rắn để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina cho biết trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Ban lãnh đạo của cơ quan này rằng các quyết định của Ngân hàng Trung ương sẽ đảm bảo lạm phát ở nước này giảm trong những quý tới, đồng thời nói thêm rằng cơ quan này đưa ra quyết định tùy thuộc vào đánh giá của mình về tình hình và dự báo.
Thống đốc nói: “Nhiệm vụ của chính sách tiền tệ là không giảm lạm phát bằng bất cứ giá nào. Chúng ta không thể cho phép nền kinh tế quá nóng hơn nữa, cần giảm tình trạng quá nóng, đồng thời cần tránh tình trạng hạ nhiệt”.
Lạm phát hàng năm của Nga lại tăng tốc trong tháng 11, lên mức 8,9% từ mức 8,5% của tháng trước, ngay cả sau khi Ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản vào tháng 10. Kỳ vọng lạm phát, một thước đo được các nhà hoạch định chính sách tiền tệ theo dõi chặt chẽ, đạt 13,9% trong tháng 12, mức cao nhất trong một năm.
Dưới đây là một số quan điểm điều hành và nhận định của Thống đốc Elvira Nabiullina về các điều kiện trong nước và quốc tế.
Về lãi suất chủ chốt, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng, quyết định giữ lãi suất ở mức 21%/năm là do các điều kiện tiền tệ khắc nghiệt đã tăng lên trong nền kinh tế, điều này sẽ góp phần làm giảm lạm phát trong những quý tới.
Cơ quan quản lý cũng xem xét việc tăng lãi suất lên 22% và 23%.
Ngân hàng Trung ương Nga ước tính mức lãi suất cơ bản hiện tại là "khá cao", mặc dù vấn đề tăng lãi suất có thể được quay trở lại thảo luận vào tháng 2/2025.
Về lạm phát, kỳ vọng lạm phát tăng cao "có thể kéo dài quỹ đạo đưa lạm phát giảm về mức mục tiêu."
Giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp sẽ đưa lạm phát lên trên 20%.
Việc ổn định chính sách ngân sách trong năm 2025 sẽ là nhân tố quan trọng giúp giảm lạm phát ở Nga.
Về tỷ giá hối đoái của đồng Rúp, sự biến động của tỷ giá hối đoái của đồng Rúp giờ đây cao hơn so với trước năm 2022 và sẽ vẫn tiếp tục tồn tại.
Tỷ giá hối đoái của đồng Rúp sẽ vẫn thả nổi, các biện pháp can thiệp tiền tệ trong thời kỳ biến động sẽ cản trở sự ổn định của nó.
"Khi lạm phát thấp, tất cả các yếu tố khác đều như nhau, khiến tỷ giá hối đoái ổn định hơn", Thống đốc Elvira Nabiullina chia sẻ.
Về lĩnh vực ngân hàng, hoạt động tín dụng, tiền gửi, Thống đốc nhận định lĩnh vực ngân hàng của Nga vẫn rất ổn định, với các biện pháp trừng phạt đã trở thành thách thức chính của năm 2024.
Mặc dù 95% khu vực ngân hàng bị đưa vào danh sách đen nhưng các ngân hàng vẫn luôn tìm cách hoạt động trong những điều kiện như vậy.
Theo số liệu ước đoán sớm, hoạt động tín dụng đầu tháng 12 “vẫn bị hạn chế”.
Về huy động vốn, các ngân hàng Nga có nguồn chi trả "hoàn toàn đáng tin cậy" để trả lãi tiền gửi ở mức cao.
Thống đốc cũng thừa nhận, sự chỉ trích đối với Ngân hàng Trung ương Nga "đặc biệt gia tăng" trong thời kỳ lãi suất cao, mặc dù cơ quan quản lý đưa ra quyết định là dựa trên những đánh giá của mình về tình hình và dự báo.
Thống đốc cho rằng, chỉ có thể lấy lại niềm tin của các hộ gia đình vào việc ổn định giá cả sau một thời gian dài tăng giá bằng cách giảm lạm phát và giữ ở mức khoảng 4%. “Không có gì là không thể”, Thống đốc nhận định.
Về thị trường lao động, Ngân hàng Trung ương Nga nhận thấy những điều kiện tiên quyết để giảm bớt áp lực lên thị trường lao động do thiếu nhân lực.
Về nguy cơ chiến tranh thương mại, Thống đốc Elvira Nabiullina cho rằng rủi ro chiến tranh thương mại và sự suy thoái của nền kinh tế trên thế giới hiện “đã phần nào gia tăng”.