Vốn tín dụng chính sách ở tỉnh Đồng Nai: Tạo điều kiện thuận lợi để người dân vay mua nhà ở xã hội
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tối thiểu 50 nghìn căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về phát triển nhà ở xã hội, cần thêm những giải pháp quyết liệt và căn cơ hơn, đặc biệt từ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.
Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở năm 2023 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã nêu rõ các điều kiện về thu nhập và trường hợp được hưởng chính sách mua hoặc thuê nhà ở xã hội, giúp người lao động có thể dễ dàng tiếp cận chính sách, nhất là việc nới điều kiện về thu nhập của 1 cá nhân lên con số 15 triệu đồng/tháng và 30 triệu đồng/tháng với 2 vợ, chồng.
Quy định này rất sát với thực tế mặt bằng thu nhập và chi tiêu của nhiều người có nhu cầu về nhà ở xã hội tại tỉnh Đồng Nai. Việc tính tổng thu nhập của hộ gia đình thay vì chỉ tính riêng cá nhân để xét điều kiện mua nhà là phù hợp.
Ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Nai chia sẻ, thời gian qua, NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tổ chức rà soát đối tượng thụ hưởng, có nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, ngân hàng đã cho vay đối với 212 hộ khách hàng với tổng số tiền 92,3 tỷ đồng tại các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh, gồm: Dự án Nhà ở xã hội ở phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh và Dự án Nhà ở xã hội A6-A7 (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa). Bình quân mỗi hộ vay từ 600 - 850 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 25 năm. Lãi suất cho vay là 6,6%/năm (bằng lãi suất cho vay hộ nghèo).
Đáng chú ý, các thủ tục hành chính trong mua, thuê mua và thuê nhà ở xã hội, thủ tục xác định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ cũng được quy định đơn giản, thời gian xét duyệt rút ngắn giúp giảm khối lượng công việc của người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng có liên quan…
Chia sẻ về nội dung quy định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ, ông Cường, nhận xét: “Luật Nhà ở năm 2023 đã cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thu nhập thấp. Đáng chú ý, luật bãi bỏ điều kiện cư trú khi mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội; đối với trường hợp thuê, chỉ yêu cầu đúng đối tượng, không cần đáp ứng điều kiện về nhà ở hay thu nhập”.
Hiện các ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã được luật hóa, mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Cụ thể, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất và không cần thực hiện thủ tục xác định giá đất. Đồng thời chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% trên diện tích xây dựng nhà ở xã hội và ưu đãi tối đa 20% tổng diện tích đất hoặc sàn xây dựng để phát triển công trình thương mại. Những thay đổi này nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia, tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Dù chính sách về nhà ở xã hội trong thời gian qua được Đảng và Nhà nước quan tâm, hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, các yếu tố cốt lõi như quỹ đất, hỗ trợ tín dụng và đơn giản hóa thủ tục đầu tư; chi phí mua đất cần được tính toán đúng và đủ, đồng thời lãi suất cho vay nên được giảm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động có điều kiện mua nhà ở xã hội...
Thực tế tại Đồng Nai, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ: ban hành chương trình, kế hoạch nhà ở; rà soát quỹ đất cho nhà ở xã hội; thành lập Tổ Công tác nhà ở xã hội của tỉnh; tổ chức thi tuyển thiết kế mẫu công trình nhà ở công nhân, nhà ở xã hội; ban hành quy trình thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để rút ngắn thời gian thực hiện…, nhưng việc triển khai các dự án theo đánh giá của UBND tỉnh là chưa đạt yêu cầu.
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh mới hoàn thành được 1.660 căn nhà ở xã hội, rất thấp so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 49-NQ/HĐND tỉnh ngày 10/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh là giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện 10 nghìn căn NƠXH.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân là do công tác bố trí quỹ đất thực hiện dự án nhà ở xã hội trước đây chưa đảm bảo và bất hợp lý, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư mất nhiều thời gian, chính sách ưu đãi nhà ở xã hội thay đổi liên tục, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng chưa đủ hấp dẫn nên các dự án khởi công xây dựng và hoàn thành rất ít.
Đồng Nai là địa phương có lực lượng lao động lớn từ nhiều tỉnh/thành đến sinh sống, làm việc. Hiện có nhiều người lao động đang cần mua nhà ở xã hội, nhưng cung quá ít không đáp ứng được cầu. Do vậy, vấn đề xây dựng nhà ở xã hội đang được tỉnh rất quan tâm.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, trong tháng 9/2024, Đồng Nai đã kêu gọi đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn trong năm 2024, gồm: Dự án Khu đất chung cư - khu tái định cư phường Long Bình (thành phố Biên Hòa), có diện tích 2,4ha với 1.248 căn hộ; dự án thứ hai tại khu đất có diện tích 3,5ha thuộc thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) với 956 - 963 căn hộ; Dự án nhà ở xã hội tại phường Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa) có diện tích hơn 6.400m2.
Để các dự án nhà ở xã hội được triển khai thuận lợi, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người lao động, bên cạnh việc nhà nước xây dựng hoàn thiện các chính sách hỗ trợ như cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho nhà đầu tư và người thuê nhà, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, quy trình phê duyệt và rút ngắn thời gian triển khai dự án... thì các doanh nghiệp cần nhận thức rõ trách nhiệm cộng đồng của mình trong việc tạo điều kiện cho người lao động có nơi ở ổn định…