Hoạt động ngân hàng

Đại lý thanh toán giúp ngân hàng có mặt nhiều hơn ở nông thôn

ThS. Trần Trọng Triết 27/12/2024 - 14:59

Với nguồn vốn điều lệ vẫn còn có những giới hạn nhất định, việc mở rộng mạng lưới nhanh không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi các ngân hàng vẫn ưa chuộng tập trung tại các đô thị. Do đó, mô hình đại lý thanh toán là lựa chọn tối ưu dành cho các ngân hàng để tăng cường sự hiện diện nhiều hơn tại khu vực nông thôn.

Trên thực tế, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty Cổ phần Thế giới Di động mới đây đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai mô hình đại lý thanh toán. Theo đó, VPBank đóng vai trò là bên giao đại lý, cung cấp các dịch vụ tài chính trong phạm vi hoạt động đại lý thanh toán tới khách hàng, còn Thế giới Di động sẽ đảm nhiệm vai trò là đại lý kết nối hệ thống với VPBank. Cụ thể, khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ nộp/rút/chuyển tiền, mở tài khoản thanh toán VPBank NEO, mở thẻ tín dụng online 100% tại các cửa hàng Thế giới Di động, Điện máy Xanh như tại một chi nhánh của VPBank.

untitled-1.jpg

Với mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch đến hết quý III/2024 là 287 điểm giao dịch, xếp thứ 12 trong hệ thống, việc hợp tác này mang lại cho VPBank cơ hội tận dụng mạng lưới gần 3.000 điểm bán rộng khắp của Thế giới Di động, giúp khách hàng đang sinh sống và làm việc tại những nơi không có chi nhánh/phòng giao dịch, ATM hoặc CDM của ngân hàng có khả năng tiếp cận các giao dịch tài chính một cách thuận tiện và linh hoạt nhất, theo các khung giờ hoạt động của các cửa hàng, bao gồm cả những khung giờ ngoài giờ hành chính.

Việc triển khai các mô hình thí điểm này đã góp phần thúc đẩy dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng như góp phần phổ cập tài chính nói chung.

Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, nên từ cuối năm 2023 các mô hình này đã tạm dừng triển khai. Dù vậy, với những lợi ích thiết thực như có thể gia tăng lượng khách hàng mà không cần phải mở rộng mạng lưới vật lý, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ, nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp công nghệ tài chính luôn mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để mô hình ngân hàng đại lý (agent-banking) được nối lại.

Cách đây 3 năm, Techcombank từng đưa ra định hướng hợp tác với One Mount Group, Vinmart và Vinshop nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản đến khách hàng qua các hệ thống siêu thị mini. Hay xa hơn nữa, vào những năm 2014 - 2015, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thí điểm 3 mô hình đại lý ngân hàng, gồm: MBBank và Viettel, PGBank và Petrolimex, Vietcombank và M-Service (chủ sở hữu ví điện tử MoMo).

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã bổ sung quy định cho phép ngân hàng thương mại ủy thác và hợp tác với các đại lý thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ đó thúc đẩy việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ ngân hàng tiện ích cho người dân. Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng tới triển khai Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Thông tư số 07/2024/TT-NHNN ngày 21/6/2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động đại lý thanh toán có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động này. Việc ban hành Thông tư cũng phù hợp với Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Thông tư 07 được xây dựng và ban hành, tập trung vào 3 mục tiêu chính. quy định về hoạt động đại lý thanh toán, với các dịch vụ đã được mở rộng nhiều hơn so với các đợt thí điểm trước. Theo đó, điều 4 của thông tư này quy định các nghiệp vụ mà đại lý thanh toán có thể thực hiện như: Nhận hồ sơ mở tài khoản và phát hành thẻ; nộp/rút tiền mặt vào/từ tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước; nộp tiền mặt để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng; Thanh toán lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ.

Hạn mức giao dịch giữa bên giao đại lý và bên đại lý là theo thỏa thuận. Tuy nhiên, phải đảm bảo hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch nộp và rút tiền mặt) đối với khách hàng cá nhân, tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày; mỗi điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 5 tỷ đồng/tháng.

Mô hình ngân hàng đại lý đóng vai trò như “cánh tay nối dài”, cung ứng những dịch vụ tài chính cơ bản cho khách hàng tại vùng sâu, vùng xa với chi phí thấp, giúp giảm thời gian đi lại của khách hàng, còn bên đại lý được hưởng hoa hồng cho những giao dịch tài chính mà họ thay mặt ngân hàng cung ứng cho khách hàng. Thêm nữa, mô hình này không chỉ giúp tăng cường tiếp cận dịch vụ tài chính mà còn mang lại lợi ích cho cả ngân hàng và đại lý, đồng thời góp phần vào việc phát triển mạng lưới tài chính quốc gia.

Về đối tượng áp dụng, Thông tư 07 quy định bên giao đại lý gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bên đại lý thanh toán gồm: Các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức khác. Các bên tham gia giao đại lý phải thực hiện theo Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc các quyết định liên quan của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, Thông tư 07 đã góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đại lý thanh toán, phù hợp với Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tế của sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và viễn thông, góp phần quản lý hoạt động giao đại lý thanh toán của ngân hàng và các tổ chức liên quan, hướng tới mục tiêu phổ cập tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Ngoài những lợi ích về tiết giảm chi phí mở rộng mạng lưới và gia tăng độ phủ của các kênh giao dịch, việc hợp tác với các tập đoàn bán lẻ còn có thể mang lại cơ hội cho các ngân hàng tận dụng tệp khách hàng cơ sở của chính các doanh nghiệp này, để gia tăng lượng khách hàng của mình và bán chéo thêm các sản phẩm dịch vụ khác đến các nhóm khách hàng.

Trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay, chỉ có 6 ngân hàng có mạng lưới giao dịch trên 500 điểm, trong đó gồm Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank dẫn đầu; phần lớn các ngân hàng có số lượng điểm giao dịch dưới mốc 300 điểm, trong đó 15 ngân hàng có dưới 200 chi nhánh/phòng giao dịch. Độ phủ của các ngân hàng hiện nay chỉ mới tập trung tại các thành phố/đô thị lớn, còn khu vực nông thôn gần như đang bỏ ngỏ, chỉ có mặt của Agribank.

ThS. Trần Trọng Triết