Ngân hàng vẫn “khát” nhân sự công nghệ
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong năm 2025 được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ khi mà nhiều ngân hàng đã triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện, từ việc số hóa quy trình giao dịch đến phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Song song với đó là nguồn nhân lực đáp ứng cho công cuộc chuyển đổi số cũng đang là vấn đề nóng được các ngân hàng chú trọng. Lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân sự mảng công nghệ thông tin, nhất là nhân sự chất lượng cao.
Theo NHNN, tính đến hết năm 2024, hơn 95% các ngân hàng đã có chiến lược chuyển đổi số, với một số ngân hàng có tới 90% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số. Tuy nhiên, các ngân hàng đều trong tình trạng thiếu nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
Đại diện Agribank chia sẻ, thời gian qua, Agribank luôn nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ số. Đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình ngân hàng số là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững trong xu thế hiện nay, Agribank đang tiến tới phủ sóng ngân hàng số trên cả nước, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân. Agribank đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ số đối với tất cả các nhóm sản phẩm dịch vụ.
Trong thời gian tới, Agribank tiếp tục đầu tư phát triển các gói sản phẩm trên nền tảng công nghệ số mới như các gói sản phẩm Open API hướng tới Open Banking, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong chăm sóc hỗ trợ khách hàng, Social Listening and Analytics, Digital Marketing…. để đa dạng hóa tiện ích nhằm nâng cao trải nghiệm số cho khách hàng. Trong khi đó, ngân hàng đang thiếu rất nhiều nhân sự phục vụ cho các mục tiêu trên và thời gian tới sẽ tiếp tục ưu tiên tuyển dụng mảng nhân sự số.
Còn theo ông Võ Hoàng Hải - Phó tổng giám đốc Nam A Bank, công cuộc chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ. Để đáp ứng cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ số, thời gian qua, Nam A Bank đặc biệt chú trọng công tác tuyển dụng nhân sự mảng công nghệ phù hợp với chiến lược số hóa ngân hàng.
Nhân sự số chất lượng cao chính là lợi thế cạnh tranh của ngân hàng trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2024, Nam A Bank đã không ngừng nâng cấp hệ sinh thái ngân hàng số, bao gồm ONEBANK, robot OPBA và Open Banking.
Kể từ khi được triển khai, ONEBANK đã tăng trưởng vượt bậc với tốc độ tăng trưởng giao dịch đạt hơn 40% mỗi quý. Tổng số vốn huy động từ ONEBANK chiếm gần 10.000 tỷ đồng (chiếm 6% tổng huy động). Chính mảng ngân hàng số đã đóng góp rất lớn vào kết quả kinh doanh của Nam A Bank trong năm 2024.
Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, nguồn ứng viên trong mảng chuyển đổi số ngành Ngân hàng rất hạn chế, cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt các ứng viên có kinh nghiệm triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến, nhất là các công nghệ mới về AI cũng khan hiếm.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, việc phát triển ngân hàng số không chỉ liên quan đến chi phí đầu tư, cập nhật những công nghệ mới mà việc chú trọng đến yếu tố con người với nhân sự chất lượng cao cần được chú trọng. Hiện nay, nhân sự lĩnh vực số được nhận định là nóng trong bối cảnh các ngân hàng cũng cạnh tranh mạnh mẽ. Tuyển dụng nhân sự số đã khó, việc giữ chân nhân sự chất lượng cao cũng không dễ khi có tình trạng ngân hàng khác “câu” mất nhân sự.
TPBank đã dành nhiều chỉ tiêu và những mức đãi ngộ cao cho việc tuyển dụng nhân sự số chất lượng cao, nhất là mảng công nghệ về AI. Bên cạnh đó, TPBank không ngừng đào tạo, phát triển chính nhân viên của mình, tạo nhiều cơ hội cho nhân viên tiếp cận những công nghệ mới nhất để qua đó đáp ứng được nhu cầu về chuyển đổi số hiện nay.
Có thể thấy, “khát” nhân sự số là tình cảnh chung của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Bà Trần Thị Hoàn, Phó Giám đốc Công ty tuyển dụng Navigos Search khu vực miền Bắc chia sẻ, tại Việt Nam, thị trường lao động ngành Ngân hàng đang rất được quan tâm. Các ngân hàng đang tập trung vào chuyển đổi số, tự động hóa dẫn đến việc tăng nhu cầu về các vị trí liên quan đến IT, công nghệ, dữ liệu… Những vị trí được tuyển dụng này đặc biệt tập trung vào nguồn nhân sự chất lượng cao nhưng lại rất khó tìm kiếm và cần đầu tư nhiều chi phí do tính cạnh tranh trên toàn thị trường.
Không chỉ có các ngân hàng cần tuyển các vị trí IT, mà các công ty từ các lĩnh vực khác như tài chính, thương mại điện tử, y tế giáo dục… đều muốn tuyển các ứng viên trong mảng này khiến cho tình trạng khát nhân lực số vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Nhiều ngân hàng mặc dù có nhu cầu tuyển số lượng lớn và trong thời gian ngắn, nhưng lượng ứng viên đạt yêu cầu không đủ đáp ứng. Trong năm 2025, dự báo tình trạng “khát” nhân sự ngân hàng số sẽ vẫn tiếp diễn và là cuộc cạnh tranh rất lớn giữa các ngân hàng để tuyển dụng nguồn nhân lực này.