Doanh nghiệp

2024 là năm thứ 3 liên tiếp Petrovietnam phá kỷ lục về tổng doanh thu khi vượt mốc 1 triệu tỷ đồng

{Tên tác giả} 29/12/2024 - 08:59

Chiều ngày 28/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 của Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia.

hndaukhi1.jpg

Trước giờ tổng kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức chuyển đổi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam).

Hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch 5 năm

Báo cáo và ý kiến tại hội nghị cho thấy, năm 2024, Petrovietnam đã thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, tính tiên phong trong thực hiện các chương trình lớn của Đảng và Nhà nước; thực hiện tốt công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp, là hình mẫu cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước khác.

Petrovietnam đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu trọng yếu trên tất cả các lĩnh vực hoạt động như sản xuất xăng dầu, sản xuất điện, sản xuất phân bón. Đặc biệt, chỉ tiêu khai thác dầu thô trong nước đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2024 trước 2 tháng 3 ngày.

Tất cả các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức từ 34% đến 3,4 lần kế hoạch năm, về đích trước từ 3 đến 7 tháng và tăng trưởng cao so với năm 2023. Năm 2024 đánh dấu việc 3 năm liên tiếp Petrovietnam phá kỷ lục về tổng doanh thu toàn Tập đoàn khi vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước COVID-19 (năm 2019) và tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 165.000 tỷ đồng, tương đương gần 9% tổng thu ngân sách của cả nước, tăng trưởng 52% so với thời kỳ trước COVID-19.

Các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng rất cao so với thời kỳ trước COVID-19 (năm 2019), bao gồm doanh thu hợp nhất đạt 601.000 tỷ đồng, tăng 51%; doanh thu công ty mẹ đạt 270.000 tỷ đồng, tăng 237%; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 35.100 tỷ đồng, tăng 45%. Lợi nhuận hợp nhất của Petrovietnam tiếp tục duy trì đạt trên 2,3 tỷ USD/năm.

Với kết quả này, Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ sau 4 năm 2021-2024. Trong đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 3,5 triệu tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch 5 năm, đạt mức tăng trưởng 16,7%/năm; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 600.000 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch 5 năm, tăng trưởng 21,2%/năm.

Cũng năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Kế hoạch tổ chức thực hiện Kết luận số 76-KL/TW và Nghị quyết số 41-NQ/TW, từ đó mở ra cho ngành dầu khí nói chung và Petrovietnam nói riêng những định hướng quan trọng để phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Công tác chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả hiệu suất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam. Tập đoàn đã đưa vào vận hành chính thức từ năm 2024 cơ sở dữ liệu ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí - lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn. Đồng thời, tiên phong trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng điện gió ngoài khơi, tham gia chuỗi năng lượng toàn cầu, Petrovietnam lần đầu tiên xuất khẩu sản phẩm công nghiệp dịch vụ năng lượng ngoài khơi.

Bên cạnh phát triển, bổ sung động lực mới trong lĩnh vực năng lượng mới, tạo nguồn lực cho giai đoạn mới và phát triển bền vững, Petrovietnam đã tiếp tục thành công trong tạo động lực mới trong lĩnh vực truyền thống. Các dự án trọng điểm của Petrovietnam khó khăn kéo dài sau khi được Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ đã đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả như Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (không cần bổ sung thêm vốn), một số dự án trọng điểm như: Chuỗi dự án Lô B-Ô Môn, dự án điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4… được triển khai gấp rút theo kế hoạch đề ra.

Những thành tích ấn tượng đó đã giúp Petrovietnam được vinh danh ở vị trí dẫn đầu trong Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam 2024; đồng thời, lần thứ 6 được vinh danh là doanh nghiệp dẫn đầu Top 500 Doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam; vững chắc nằm trong nằm trong Top 3 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024.

hndaukhi6.jpg

Các hoạt động văn hóa doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường. Những giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa dầu khí "Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình" được thấm sâu trong đời sống doanh nghiệp.

Các hoạt động xã hội, hỗ trợ cộng đồng được Petrovietnam triển khai trên khắp cả nước thông qua các dự án về giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng với tổng giá trị thực hiện gần 620 tỷ đồng. Đặc biệt, Petrovietnam đã đồng hành với các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai hoàn thành việc tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng bị tàn phá do bão số 3.

Năm 2025, mục tiêu và quan điểm nhất quán được tập thể lãnh đạo, người lao động Petrovietnam xác định là: "Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia: Đổi mới từ cốt lõi - Phát triển mô hình vượt trội - Hội nhập chuỗi toàn cầu - Nâng tầm tri thức năng lượng - Bứt phá trong tăng trưởng - Tạo bước chuyển xanh bền vững".

Năm 2025 phải là năm bứt phá của Petrovietnam

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết qua 4 năm liên tiếp tới dự Hội nghị tổng kết của Petrovietnam, đều nhận thấy những dấu ấn tự hào về sự nỗ lực, phấn đấu, phát triển và trưởng thành hơn của Tập đoàn.

"Tới hội nghị năm nay, chúng ta vơi đi rất nhiều băn khoăn, trăn trở, thay vào đó là niềm tin và hy vọng", Thủ tướng nói và đánh giá, nếu năm 2021 là năm ổn định tình hình sau biến động, 2022 là năm hồi phục, năm 2023 là năm tăng tốc, thì năm 2024 là năm chuyển đổi ngọn lửa từ "đỏ" sang "xanh" và năm 2025 phải là năm bứt phá của Petrovietnam.

hndaukhi3.jpg

Thủ tướng nêu rõ, Petrovietnam là tập đoàn kinh tế Nhà nước có vai trò rất quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm 5 an: An ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an sinh xã hội và an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2024 có sự đóng góp rất quan trọng của Tập đoàn.

Cơ bản đồng tình với các báo cáo và ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh 3 kinh nghiệm quý báu qua hoạt động và thành tựu của Petrovietnam:

Thứ nhất, tuân thủ, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp và mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để đạt hiệu quả cao nhất có thể.

Thứ hai, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời hiệu quả, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.

Thứ ba, củng cố, tăng cường và phát huy đoàn kết, thống nhất, tất cả nhìn về một hướng và khiêm tốn, cầu thị lắng nghe, tôn trọng ý kiến đối tác để tự hoàn thiện hơn và tự vượt qua chính mình.

Thủ tướng lấy ví dụ, thực hiện gợi ý, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khai thác không gian biển, năm 2024, Tập đoàn đã xuất khẩu các sản phẩm chân đế điện gió ngoài khơi và đang tiếp tục nỗ lực sản xuất turbine, cánh quạt. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực rất mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi, lần đầu tiên ghi danh Việt Nam trên bản đồ năng lượng tái tạo ngoài khơi thế giới.

Lưu ý một số nội dung cần nỗ lực hơn nữa, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, luôn phải chuẩn bị phương án sẵn sàng với mọi tình huống, làm tốt việc quản trị rủi ro, nhất là khi hoạt động ở ngoài khơi, dưới đáy biển hoặc những địa bàn hết sức khó khăn khác; chuyển đổi nhanh hơn, mạnh hơn, táo bạo hơn, thần tốc hơn, hiệu quả hơn; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần chặt chẽ, hiệu quả trên tinh thần thấu hiểu, chia sẻ nhiều hơn.

Năm 2025, Thủ tướng nêu rõ chúng ta phải tăng tốc, bứt phá để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng. Trong đó, xác định phát triển kinh tế là trung tâm, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% và phấn đấu đạt mức 2 con số; xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...

Thủ tướng nhấn mạnh Petrovietnam không thể đứng ngoài cuộc những nhiệm vụ trọng tâm nói trên và phải làm tốt, làm hiệu quả, Chính phủ đặt niềm tin và hy vọng vào Petrovietnam.

Chỉ rõ một số mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn cần tiên phong trong tăng tốc, bứt phá, thực hiện tăng trưởng 2 con số; đổi mới quản trị theo hướng số hóa, thông minh và thực hiện nghiêm túc các quy định về an ninh, an toàn; xây dựng chiến lược phát triển và đề án cơ cấu lại Petrovietnam theo mô hình Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam.

Về tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm và có hiệu quả các nhiệm vụ theo Kết luận 76 của Bộ Chính trị; tái cấu trúc về quản trị, nhân sự, tài chính, đầu tư, sản xuất, kinh doanh để chuyển đổi hiệu quả thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, có giải pháp trở thành tập đoàn năng lượng hàng đầu khu vực, xây dựng thương hiệu có giá trị cao hơn, có tiếng trong khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, đi đầu trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển trí tuệ nhân tạo.

Petrovietnam tiếp tục phối hợp với các cơ quan để đề xuất, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, trong đó có những chính sách đặc thù; hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, các tập đoàn lớn trên thế giới để tranh thủ vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị…

Đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà Tập đoàn đã đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp; coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán; nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn là thông", đã làm, đã thực hiện phải mang lại hiệu quả, sản phẩm cụ thể.

Theo Thủ tướng, càng vui mừng với các kết quả vừa qua của Tập đoàn thì càng thấy nhiệm vụ thêm nặng nề đối với Tập đoàn, nhất là trong quá trình chuyển đổi và trong trong năm 2025 phải vừa hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, vừa phải hoàn thành sắp xếp, tinh gọn bộ máy, vừa tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng và hy vọng, với "văn hóa dầu khí", truyền thống đoàn kết, bản lĩnh và trí tuệ của những người làm dầu khí được rèn giũa trong thời gian qua, những người đi tìm lửa và truyền lửa cho người khác, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty khác, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng và Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân cả nước, cùng với sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động, Tập đoàn sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong năm 2025, đột phá hơn nữa, thần tốc bứt phá hơn nữa, đạt nhiều thành tích, kỷ lục mới, năm sau cao hơn năm trước, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.