Hoạt động ngân hàng

Ngành ngân hàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường xác thực sinh trắc học cho khách hàng

ThS.Trần Trọng Triết 29/12/2024 - 10:37

Trước thời hạn cuối hoàn thành xác thực sinh trắc học (ngày 1/1/2025), các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục đốc thúc khách hàng hoàn tất yêu cầu để tránh gián đoạn giao dịch.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/1/2025, khách hàng chưa hoàn tất cập nhật thông tin xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện được bất kỳ giao dịch trực tuyến nào, không phân biệt giá trị, bao gồm chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, nạp ví điện tử từ tài khoản thanh toán... Các giao dịch thẻ, như: quẹt POS, rút tiền, mở thẻ hoặc mở tài khoản trực tuyến, nạp ví điện tử từ thẻ khách hàng cũng không thể thực hiện nếu thông tin sinh trắc học chưa được cập nhật đầy đủ.

Bên cạnh là Luật Căn cước 2023 quy định, giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân không gắn chip sẽ hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2024, ngay cả khi vẫn còn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng cần đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip mới để tiếp tục sử dụng dịch vụ ngân hàng.

img_20241229_103600.jpg
Ảnh minh họa

Như vậy, từ ngày đầu năm 2025, các chủ tài khoản nếu giấy tờ tùy thân hết hạn hiệu lực sẽ bị ngân hàng ngừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên mọi kênh như tại quầy, trực tuyến, ATM… Riêng các trường hợp giấy tờ tùy thân còn hiệu lực nhưng chưa cập nhật thông tin sinh trắc học thì dừng giao dịch trên kênh online và có thể giao dịch trực tiếp tại các phòng giao dịch hay chi nhánh của ngân hàng.

Để đảm bảo giao dịch của khách hàng không bị gián đoạn, nhất là thực hiện qua ứng dụng online, ngân hàng đã và đang liên hệ, đốc thúc khách hàng cập nhật thông tin cá nhân và xác thực khuôn mặt. Việc cập nhật thông tin sinh trắc học có thể thực hiện ngay trên ứng dụng điện tử của ngân hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Bà Rịa chia sẻ, chỉ còn ít ngày nữa khách hàng khi giao dịch tại ngân hàng đều phải bổ sung đầy đủ sinh trắc học. Vì vậy, trước và sau thời điểm ngày 1/1/2025, BIDV chi nhánh Bà Rịa đã tăng cường hỗ trợ để người dân cập nhật sinh trắc học.

Cụ thể, BIDV chi nhánh Bà Rịa bố trí nhân viên làm việc tại các điểm giao dịch của ngân hàng vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật; đầu tư thêm máy móc, nâng cấp phần mềm để thao tác nhanh hơn.

Ngân hàng cũng rút ngắn, tinh giản thủ tục. “Đối với một số đơn vị như trường học, đơn vị hưởng lương, cơ quan, đơn vị và một số khách hàng VIP, ngân hàng sẽ tổ chức đoàn đến tận nơi để hỗ trợ cài đặt sinh trắc học. Để tránh tình trạng cài đặt bị lỗi, lừa đảo, ngân hàng khuyến khích người dân nên đến các điểm giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ cài đặt”, ông Dũng nói.

Đáng chú ý, việc áp dụng xác thực sinh trắc học không chỉ nhằm đáp ứng quy định pháp luật mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng.

Đây là một chiến dịch lớn, là điều bắt buộc phải làm, không thể khác được. Việc thực hiện xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm một lớp bảo vệ nên chắc chắn sẽ an toàn hơn. Trường hợp khách hàng có làm mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ.

Từ khi triển khai giải pháp này, số vụ lừa đảo đã giảm 50%, trong khi các tài khoản nhận tiền bất hợp pháp giảm hơn 70%.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đối với các nhân viên ngân hàng lúc này không phải là làm việc xuyên trưa, làm không có ngày nghỉ cuối tuần. Mà trong bối cảnh các ngân hàng đang tập trung nhân lực, vật lực để hỗ trợ khách hàng cài đặt sinh trắc học nhằm ngăn chặn tội phạm lấy cắp tiền trong tài khoản của người dùng, thì nhiều đối tượng lại lợi dụng việc này để thực hiện lừa đảo. Các đối tượng này liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook,...) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt,... để được hỗ trợ. Sau đó, đề nghị khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách.

Trước tình trạng này, các ngân hàng cảnh báo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger,... ). Đồng thời, tuyệt đối không bấm vào link lạ. Ngoài ra, khách hàng không nên chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng... lên mạng xã hội, tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng mạo danh ngân hàng, cán bộ ngân hàng liên hệ, yêu cầu được hỗ trợ hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

ThS.Trần Trọng Triết